Cách chăm sóc đề phòng biến chứng ở trẻ mắc bệnh sởi
Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút thuộc nhóm Paramyxovirus gây nên, bệnh sởi thường gặp ở trẻ nhỏ. Sau khi mắc sởi, đáp ứng miễn dịch của cơ thể suy giảm rất nhanh nên trẻ dễ mắc các bệnh kèm theo hoặc có thể gây biến chứng nguy hiểm nếu trẻ không được điều trị, chăm sóc đúng cách.
Trẻ thường không tử vong vì bệnh sởi mà tử vong do các bệnh nhiễm trùng khác (viêm phổi, tiêu chảy…). Trẻ càng nhỏ biến chứng do bệnh sởi gây ra càng nhiều như viêm phổi, suy hô hấp, viêm đường tiêu hóa,...
Hiện nay, trong tình trạng bệnh viện đang quá tải bệnh nhân sởi và trở thành nguyên nhân lây nhiễm chéo bệnh sởi. Chỉ đưa con đến viện khi thực sự cần thiết. Còn khi trẻ mới chớm mắc sởi, cha mẹ có thể tiến hành chăm sóc trẻ tại nhà. Hiểu biết đúng về những việc cần làm khi chăm sóc trẻ bị sởi tại nhà là phương pháp tốt nhất mà cha mẹ giúp con mau chóng vượt qua căn bệnh này.
Điều trị và chăm sóc
Hiện chưa có thuốc đặc trị. Chủ yếu là điều trị triệu chứng, chăm sóc, phòng ngừa và điều trị biến chứng.
Các bác sĩ cho hay với thể sởi lành tính (bệnh nhẹ) và không có biến chứng, nếu đủ điều kiện chăm sóc và cách ly, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà cho trẻ. Nếu được chăm sóc tốt, không để bội nhiễm, trẻ sẽ tự khỏi.
Chăm sóc tại nhà:
- Theo dõi nhiệt độ hàng ngày.
- Tắm rửa bằng nước ấm, giữ vệ sinh thân thể tốt giúp da trẻ luôn sạch sẽ và khô thoáng để ngăn ngừa tình trạng bội nhiễm vi khuẩn có thể gây nguy hiểm cho trẻ.
- Thường xuyên lau người, rửa mặt, lau mồm cho bé bằng khăn sạch, mềm.
- Khi bị sởi, trẻ dễ bị mất nước do sốt, nôn, tiêu chảy và đi tiểu nhiều, vì vậy cần phải được bù nước bằng cách cho trẻ uống nhiều nước, khoảng 6 - 8 cốc nước/ngày. Không nên uống các loại nước kích thích, có ga, nên uống loại nước ép trái cây tươi để đảm bảo việc cung cấp đủ nguồn vitamin cho cơ thể, cải thiện sức đề kháng (đặc biệt là vitamin A).
- Thay quần áo thường xuyên.
- Thay ga, đệm hằng ngày để đảm bảo giữ vệ sinh cho trẻ.
- Giữ gìn phòng thông thoáng sạch sẽ, tránh gió lùa. Nếu được nên cho trẻ ở phòng riêng.
- Thức ăn cho trẻ khi mắc sởi cần mềm lỏng, giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa như cháo thịt, súp dinh dưỡng, sữa bột các loại...Không dùng các gia vị gây khó tiêu. Bố mẹ nên chia thành nhiều bữa ăn, mỗi bữa ăn ít một để giúp trẻ nhận đủ chất dinh dưỡng cần thiết.. Tốt nhất nên chế biến theo khẩu vị của trẻ. Không kiêng khem trong chế độ ăn, để bù kịp thời các chất dinh dưỡng mất do quá trình nhiễm trùng. Trẻ lớn phải đảm bảo ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, còn với trẻ còn bú mẹ cần được bú nhiều hơn.
- Tẩy trùng sàn nhà, đồ chơi trẻ em, dụng cụ, vật dụng của trẻ đang mắc sởi để tránh lây nhiễm cho mình và những người khác. Cũng như để phòng tránh nhiễm chéo cho trẻ.
Cách phòng biến chứng bệnh sởi
Khi chăm sóc trẻ, cha mẹ cần phải đảm bảo cách ly không để nguồn bệnh lây lan và giúp trẻ không bị mắc thêm bệnh lây truyền từ người khác. Virus sởi thường làm suy giảm hệ miễn dịch rất nhanh, nếu trẻ tiếp xúc với người khác đang mắc cúm sẽ khiến bệnh tăng nặng. Do đó, hạn chế tiếp xúc thăm hỏi là cách phòng biến chứng cho trẻ. Ngoài ra cha mẹ cần phải lưu ý:
- Trẻ sốt cao trên 38,5 độ C cần uống thuốc hạ sốt.
- Dùng dung dịch nước muối 9%, để rửa mũi nhằm giảm nguy cơ viêm đường hô hấp, nhỏ mắt để tránh nhiễm khuẩn.
- Lựa chọn đồ ăn lỏng dễ tiêu, tránh những thức ăn dễ gây dị ứng.
- Tắm rửa vệ sinh cho trẻ hàng ngày.
- Vệ sinh môi trường trẻ sinh sống thoáng và sạch.
- Người chăm sóc cần đeo khẩu trang, rửa tay sạch trước và sau mỗi lần tiếp xúc với trẻ bị bệnh.
- Bổ sung Vitamin A để dự phòng thiếu vitamin này, giúp bảo vệ mắt, theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Trong trường hợp trẻ bị biến chứng tiêu chảy hoặc viêm phổi, cần bổ sung kẽm bằng đường uống.
- Không tự ý cho trẻ uống thuốc Đông y, nếu dùng kháng sinh phải có chỉ định của bác sĩ.
Cần đưa trẻ mắc sởi đến cơ sở y tế gần nhất khi có các dấu hiệu sau:
- Trẻ sốt cao liên tục ≥ 39°C - 40°C.
- Khó thở, thở nhanh.
- Mệt mỏi, không ăn uống gì, không chơi, lơ mơ…
- Phát ban toàn thân mà vẫn sốt.
Liệu trình điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng:
- Hạ sốt: Phương pháp vật lý, thuốc hạ sốt thông thường (Paracetamol).
- An thần.
- Thuốc ho, long đờm
- Kháng histamin: Dimedron, Pipolphen.
- Sát trùng mũi họng: Nhỏ mắt nhỏ mũi bằng dung dịch Chloromycetin, Argyrol…
- Kháng sinh chỉ dùng khi có bội nhiễm và dùng cho trẻ dưới 2 tuổi, và trẻ suy dinh dưỡng.
- Khi có biến chứng: Viêm thanh quản, viêm não, sởi ác tính thì dùng kháng sinh và corticoid.
- Các biện pháp hồi sức tùy theo triệu chứng của bệnh nhân: Hồi sức hô hấp khi có suy hô hấp (thở O2, hô hấp hỗ trợ…) hồi sức tim mạch…
- Chế độ ăn uống tốt.
Sởi sẽ diễn biến nặng trên một số đối tượng đặc biệt như trẻ nhỏ dưới 9 tháng tuổi, trẻ béo phì, mắc bệnh lý suy giảm hệ miễn dịch…
Khi phát hiện trẻ có tiếp xúc với nguồn lây bệnh nên cách ly trẻ ở bệnh viện từ ngày thứ 7 sau khi tiếp xúc đến ngày thứ 5 sau khi xuất hiện ban sởi bởi giai đoạn này là giai đoạn lây lan mạnh.
Đối với trẻ chưa đến tuổi để tiêm vắc xin, tốt nhất nên phòng bệnh bằng cách tránh tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Cha mẹ sau khi đi làm về cần phải rửa tay bằng xà phòng, nhỏ nước mũi sinh lý mới bế trẻ. Phụ nữ chuẩn bị mang thai nên tiêm phòng vắc xin đầy đủ để có kháng thể cho con.
Phòng ngừa sau khi tiếp xúc nguồn lây
Vi rút sởi cần thời gian để xâm nhập vào các mô cơ thể gây bệnh. Do vậy, vắc xin có thể phòng bệnh nếu tiêm trong vòng 72 giờ kể từ khi tiếp xúc.
Việc tiêm vắc xin trong vòng 6 ngày kể từ khi tiếp xúc có thể phòng biến chứng nặng của bệnh.
Trong vòng 6 ngày từ khi tiếp xúc nguồn lây, việc sử dụng globuline miễn dịch có thể phòng ngừa bệnh hoặc làm giảm mức độ nặng của sởi. Đây là phương thức phòng ngừa đắt tiền và cũng không phổ biến ở Việt Nam. Ngay cả tại các nước phát triển thì cũng chỉ một số đối tượng được khuyến cáo sử dụng phương pháp này. Đó là phụ nữ có thai chưa được miễn dịch với sởi, trẻ nhỏ hơn 6 tháng tuổi sinh ra từ mẹ không có miễn dịch chống sởi... Do vậy biện pháp đơn giản và hữu hiệu nhất vẫn là tiêm chủng ngừa bệnh theo chương trình quốc gia.