Cách băng bó
MỖI
vết thương loét miệng đều có thể bị nhiễm độc, vì thế các bác sĩ cũng như người cứu thương đều hết sức thận trọng dùng toàn vật liệu tinh sạch như vải thưa, và đã sát trùng để băng bó vết thương.
Băng có nhiều thứ, nhiều cỡ, cách băng bó cũng nhiều, nhưng nơi đây chúng ta chỉ nghiên cứu đến những vật liệu dễ tìm cùng những cách băng bó dễ nhớ, dễ thực hiện mà thôi. Như đã nói từ trước, cứu thương là việc cấp bách và tạm thời, nên chúng ta nhường những vấn đề phức tạp cho nhà chuyên môn lo.
Băng là một vật liệu được làm bằng vải thưa hoặc vải thường để giữ que đỡ, hoặc để cầm máu, làm băng treo v.v…
Dưới đây là một vài điều mà mỗi người cứu thương cần phải nhớ.
1. Không nên đắp bông-gòn thẳng vào vết thương loét miệng hay vết phỏng, vì nó sẽ dính chặt vào vết thương và rất khó lấy ra hết.
2. Không được dán vải dính, băng keo hay những vật tương tự thẳng lên vết thương. Chỉ trừ một ngoại lệ để giữ miệng vết thương sát lại với nhau. Trong trường hợp này phải hơ băng keo lên ngọn lửa để sát trùng trước.
3. Không nên băng thẳng vào vết thương, nhưng phải đắp lên vết thương một miếng vải thưa sát trùng rồi mới băng lại.
Nên dùng gút dẹp để cột mọi loại băng bó, vì gút này đơn giản và gọn nhất. Hơn nữa, nó khó tuột và rất dễ tháo. Hãy tập thắt nút dẹp cho thật thuần thục để có thể thắt được dễ dàng ngoài ánh sáng cũng như trong bóng tối hoàn toàn. Nhớ cột gút vào chỗ dễ nhận thấy nhất và không gây trở ngại cùng khó chịu cho nạn nhân.
Nên băng thật gọn và chắc nhưng không quá chặt, vì băng chặt có thể cắt đứt sự tuần hoàn của máu và gây nên chứng thúi thịt rất nguy hiểm. Băng chặt sẽ làm cho nạn nhân đau đớn tuy cơn đau đớn ấy sẽ tan biến ngay trong chốc lát nhưng có thể gây tai hại lớn cho nạn nhân. Một vết thương có thể sưng lớn lên nếu băng chặt lúc đầu, sau lại, sẽ thành ra quá chặt và cắt đứt sự tuần hoàn. Nên kiểm soát phần đã được băng bó thường xuyên để tránh những biến chứng nguy hiểm.
Không nên phủ kín ngón tay và ngón chơn trừ trường hợp phải băng lại vết thương nơi ấy. Khi thấy ngón tay hay chân sưng lên hoặc tím lại, phải nới dây băng ngay vì sự tuần hoàn đã bị cắt đứt.
Đừng dùng băng ướt để băng bó vết thương, vì khi khô băng sẽ rút lại và chỗ đã băng bó sẽ trở nên quá chặt.
Không nên băng lỏng quá, vì băng có thể bị tuột và phơi trần vết thương ra.
Công dụng của băng tam giác
Các loại băng như băng cuộn, băng xếp đều có bán sẵn ở nhà thuốc tây với nhiều kích thước khác nhau. Nhưng trong các trường hợp cấp cứu, người cứu thương thường dùng loại băng tam giác. Ta có thể để băng tam giác y bản vậy mà dùng, hoặc vả có thể xếp lại, biến chế ra thành băng cà-vạt để dùng rất tiện lợi.
Dùng loại vải nào để làm thành băng tam giác cũng được. Tìm một miếng vải vuông vức, cạnh cỡ 80 hay 90 phân, cắt theo đường chéo ta có được hai miếng băng tam giác. Các đoàn viên thanh niên có mang khăn quàng tức có sẵn một miếng băng tam giác bên mình rồi.
Băng đầu với băng tam giác
Băng đầu với băng tam giác
Dùng loại băng này để giữ miếng vải thưa đắp lên vết thương nơi sọ hay trán nạn nhân. Rất tiện lợi khi có nhiều vết thương trên đầu hoặc miếng vải đắp quá lớn.
Xếp chân băng lên độ 3 phân để làm lai (viền) băng. Khi băng đầu, nhớ để thân băng lên ngay giữa trán gần sát chân mày nạn nhân, lai băng trở ra ngoài, đỉnh băng trùm lên đầu và hai đầu băng vòng hai bên đầu, sát mép tai. Vòng hai đầu băng ra sau ót, tréo nhau (không cột lại) ngay phía dưới ót, siết lại cho chắc chắn và gọn, rồi vòng trở ra và cột thành gút dẹp vào giữa trán. Giữ băng ở phía trước với một tay, còn tay kia nắm lấy đỉnh băng ở sau ót, rút sát để giữ vải đắp trên vết thương rồi đem đỉnh băng trở lộn lên và nhét chặt vào mối tréo ở ót, hoặc dùng ghim băng ghim chặt băng lại.
Dùng băng tam giác để băng tay và chân
Cách băng này rất hữu dụng khi bàn tay hay bàn chân bị phỏng hay bị vết thương lớn. Sau khi đắp vải thưa rồi, trải băng tam giác ra, chơn băng hướng vào phía nạn nhân. Bàn tay úp xuống, đặt vào giữa băng để chơn băng có thể phủ lên cườm tay; nếu bàn chân thì trên mắt cá. Kéo đỉnh băng lên cườm tay để băng phủ trùm lên bàn tay. Bây giờ hãy xếp băng lại, mí băng dọc theo các ngón tay. Xong, tréo hai đầu băng với nhau, rồi vòng quanh cườm tay và cột thành gút dẹp. Nếu băng dài, có thể phải quấn nhiều vòng trước khi cột lại. Nhét đầu băng thừa cho gọn. Băng chân cũng giống như băng tay.
Băng bàn tay
Băng ngực, lưng với băng tam giác
Cách băng này dùng để giữ vải thưa trên vết thương nơi ngực hoặc lưng. Để đỉnh băng lên vai bên bị thương. Phủ băng xuống ngực hoặc lưng tùy vị trí của vết thương, để chính giữa chân băng nằm ngay phía dưới của vai ấy. Xếp hoặc cuộn chân băng lên tới chỗ nào ta thấy tiện lợi và hợp lý nhất, rồi vòng hai đầu băng quanh thân mình và cột thành gút dẹp cho cân đối với đỉnh băng. Bây giờ ta sẽ thấy một đầu băng dài và một đầu ngắn. Kéo đầu băng dài lên vai để cột với đỉnh băng ở trên vai.
Cách băng ngực với băng tam giác.
Băng treo
Để một đầu băng tam giác lên vai, phía không bị thương, còn đầu kia buông thòng trước ngực. Kéo đỉnh băng cho lui ra sau cùi chỏ của cánh tay bị thương. Kéo đầu bằng thòng phía dưới lên vai phía bị thương để bọc và đỡ cánh tay bị thương lên. Cột hai đầu băng lại với nhau bên cạnh và ném về phía sau cổ. Xong, đem đỉnh băng vòng ra phía trước và dùng kim băng để ghim chặt đỉnh băng lại. Nếu không có kim băng, ta se đỉnh băng lại rồi cột gút chịu, để cánh tay khỏi tuột ra ngoài. Ta có thể cột gút này trước khi cột băng treo. Nhớ để các ngón tay ló ra ngoài để dễ quan sát việc tuần hoàn, và nhớ treo bàn tay cao hơn cùi chỏ độ 10 phân. Xin xem lại chương [Gãy xương] để biết rõ những trường hợp nào nên dùng băng treo.
Treo tay bằng băng tam giác.
Băng mặt bằng băng tam giác
Cách băng nầy thông dụng nhất trong việc băng bó những vết bỏng ở mặt và nám mặt. Cột đỉnh băng thành một gút chịu, cách điểm cao nhất độ 15 phân. Để đỉnh băng lên giữa đầu, kéo chân băng xuống dưới cằm để băng trùm lên mặt nạn nhân, xong lại kéo hai đầu băng vòng ra sau, hai mí băng chồng lên nhau để che phủ cả đầu và cổ. Sau khi sửa băng cho sít sao rồi, lại vòng đầu băng ra phía trước và cột lại ở dưới cằm. Đoạn, cắt một lỗ băng chỗ mũi, vừa đủ rộng để thở và nếu mắt không bị thương, ta cắt thêm hai lỗ nữa chỗ mắt để nạn nhân thấy đường đi. Nếu chỉ bị thương nơi ót, ta cũng có thể dùng cách băng này, nhưng trở băng lại để trùm phía sau và chừa trống mặt.
Băng tam giác xếp thành băng cà-vạt
Để biến băng tam giác thành băng cà-vạt, ta chỉ cần xếp lại cho đỉnh của băng tam giác chấm vào giữa chơn băng, rồi theo cách ấy mà xếp thêm cho băng nhỏ lần vừa kích thước ta muốn dùng. Có người thích xếp chơn băng lên độ 3 phân để làm lai băng trước khi biến nó thành băng cà-vạt.
Cách xếp băng cà-vạt bằng băng tam giác.
Băng đầu hoặc tai với băng cà - vạt
Cách băng này rất hữu hiệu trong việc chận máu trên đầu và trán. Đặt phần giữa băng ngay trên miếng vải thưa đắp vết thương, vòng hai đầu băng quanh đầu, đáo trở lại khởi điểm và cột gút dẹp ngay đó. Nếu muốn tạo áp lực để cầm máu, chỉ cần siết chặt băng lại.
Băng mắt với băng cà-vạt
Xem chi-tiết của cách băng này nơi mụccác vết thương nơi mắt
.
Băng cổ với băng cà vạt
Đặt phần giữa băng ngay trên miếng vải thưa đắp vết-thương nơi cổ, quấn băng vòng quanh cổ, xếp chồng lên nhau nơi mối giáp, tiếp-tục quấn luôn và cột gút dẹp lỏng nơi khởi-điểm tức chỗ đắp miếng vải thưa.
Băng gò má, tai với băng cà vạt
Đặt phần giữa băng ngay trên miếng vải thưa đắp vết thương nơi gò má hay vành tai, theo chiều thẳng. Đoạn, lấy đầu băng này vòng lên đầu, còn đầu kia vòng cằm, hai băng sẽ gặp nhau nơi màng tang bên kia. Ta tréo hai đầu băng lại, rồi vòng băng ngắn ra trán, còn phần kia ra sau đầu và cột lại nơi đã lót vải thưa.
Băng bong gân mắt cá với băng cà-vạt
Cách băng này để phụ đỡ cho bàn chân đã bị bong gân nơi mắt cá, giúp cho nạn nhân đi được khi bị bắt buộc phải đi nữa sau khi tai nạn xảy ra. Cứ để giày trong chân mà băng. Nếu mang giày cao ống, nên mở dây giày ra cho rộng hầu không bị bó chặt khi khớp xương bị sưng lên.
Hãy để phần giữa của băng tam-giác hẹp bản vào cái eo nơi gót giày, kéo hai đầu băng lên và vòng phía sau nhượng chân, chéo nhau rồi lại quấn vòng ra phía trước. Sau khi tréo nhau ở phía trước, ta lấy đầu băng lòn dưới vòng băng từ dưới đế giày lên ra sau nhượng, đoạn, kéo ngược trở ra phía trước và cột hai đầu băng vào với nhau.
Cách băng bong gân mắt cá
BĂNG BỐN ĐUÔI
Kiểu băng này được đặt tên theo hình dáng của nó. Khi tréo đuôi các băng lại với nhau, phần giữa băng trở thành một túi nho nhỏ rất tiện dùng cho những bộ phận nhô ra như mũi và cằm chẳng hạn.
Dùng một miếng vải dài cỡ 8 hay 9 tấc, khổ rộng từ 7 đến 20 phân, cắt lần vào từ hai đầu băng chừa phần chính giữa đủ rộng để dùng tùy trường hợp và chỗ bị thương. Có thể dùng vải thưa để làm băng bốn đuôi, nhưng vải dày tốt hơn. Khổ băng rộng một tấc rất thích hợp cho việc băng cằm.
Sau khi đắp miếng vải thưa lên vết thương, ta đặt băng lên đấy, kéo hai đuôi trên xuống, và hai đuôi dưới lên, vòng ra sau đầu rồi cột lại. Dùng băng này để băng mũi, cằm và dưới nhưng không bao giờ nên dùng để băng xương hàm bị gãy
.