Các vết thương nhiễm độc - vết thương ở bụng - bị con vật cắn
NHIỀU
thứ vết thương cần phải được chú ý đặc biệt. Những vết thương bàn luận trong bài này gồm có các vết thương lủng, nhiễm độc, bị thương ở bụng, bị thú vật cắn, rắn cắn, những vết thương mà các vật thể lạ còn nằm ở trong, vật thể lạ ở trong mắt và mắt bị thương, chảy máu mũi, chảy máu bên trong cơ thể, và các nội thương.
CÁC VẾT THƯƠNG NHIỄM ĐỘC
Vết thương nhiễm độc là một vết thương mà các vi trùng đã vào trong nhưng không bị giết bởi sức chiến đấu của cơ thể hay bởi việc điều trị. Vi trùng có thể sinh sản ngay trong vết thương và trong những tổ chức quanh đó.
Nguyên nhân
Mỗi vết thương ngẫu nhiên đều có vi trùng. Chúng có thể dính vào vật làm bị thương, hay là bị thương rồi, ở ngoài da bò vào vết thương. Không bao lâu vi trùng bắt đầu sinh sản trong vết thương và các tổ chức chung quanh. Liền khi ấy có một bức tường ngăn không cho vi trùng lan ra những bộ phận khác của cơ thể và vào trong máu đang tuần hoàn. Hằng triệu tế bào trắng trong máu đến để xây bức tường này. Rất nhiều tế bào chết trong lúc chiến đấu và chi thể của chúng hợp thành phần lớn của mủ thường có trong một vết thương nhiễm độc. Nặn vết thương nhiễm độc, sẽ làm sụp đổ bức tường phòng vệ này và sự nhiễm độc có thể lan rộng.
Phòng ngừa
Mỗi người phải cố gắng phòng ngừa các vết thương nhiễm độc. Cho nên khi bị thương phải điều trị thích đáng ngay từ lúc đầu. Sau khi đã băng bó vết thương nên tránh chà xát hay làm tổn thương thêm.
Các triệu chứng
Hầu hết mỗi người đều quen với những triệu chứng này: sau khi bị thương vài giờ thấy nhức đầu, tay hoặc chân bị thương sưng lớn gấp hai hay ba lần lúc thường, ửng đỏ chung quanh vết thương nóng, thường có mủ, khi nào không có mủ thì có những vạch đỏ dài chung quanh vết thương tiến lần về thân mình. Các hạch bị sưng là một dấu hiệu thường xuyên của sự nhiễm độc. Khi chân bị nhiễm độc, các hạch ở háng bị sưng; khi tay bị nhiễm độc, các hạch ở nách bị sưng; khi bị nhiễm độc ở đầu các hạch ở cổ sưng lên. Sau rốt nếu bóp ở chỗ bị thương, thấy rất đau nhức. Khi sự nhiễm độc trở nên nặng, cơn sốt cũng phát triển thêm.
Cấp cứu
Quy tắc chính yếu là: Luôn luôn nhờ bác sĩ khám ngay.
Nhiễm độc luôn luôn là một trạng thái quá nặng đến nỗi người cứu thương không thể điều trị được. Ngay bác sĩ điều trị cũng khó lắm. Hãy đem đến bác sĩ sớm chừng nào tốt chừng nấy để giúp sự điều trị được dễ dàng.
Có khi không thể mời bác sĩ đến sớm được. Trong lúc chờ đợi nên để người bệnh nằm nghỉ, tốt nhất là ở trên giường. Bạn có thể đắp nước muối nóng. Dùng nước nấu sôi đựng trong cái xoang vừa dùng để nấu. Chế chừng ba muỗng xúp vung muối thường hay chừng sáu muỗng canh vung thuốc xổ muối với một lít nước. Nước phải nóng đến độ ta còn chịu nổi. Nếu có thể nên nhúng chỗ bị nhiễm độc ngay vào trong nước muối. Nếu không, dùng một miếng vải xếp lớn nhúng vào nước muối vắt ráo rồi đắp lên vết thương. Dùng khăn tắm mới giặt để đắp rất tốt. Nên thay vải đắp thường để giữ cho nóng, và đắp liên tiếp trong 1 giờ. Cách ba bốn giờ lại đắp cho đến khi mời được bác sĩ. Nâng cao chỗ bị thương cho bớt đau. Hãy nhớ rằng những điều này chỉ là những biện pháp tạm thời. Phải nhờ bác sĩ tức thì.
CÁC VẾT THƯƠNG Ở BỤNG
Các vết thương do đạn bắn hay dao đâm rất nguy hiểm. Bao tử, ruột, một huyết-quản lớn, hay cơ-quan khác bên trong thường bị tổn thương nặng và ngay bác sĩ khi ngó bên ngoài cũng khó đoán chính xác được. Thường cần phải giải phẫu.
Để nạn nhân nằm ngửa yên tĩnh. Giữ cho ấm. Đừng cho uống gì hết, cả nước cũng vậy. Đừng cho uống thuốc kích thích, vì nạn nhân có thể bị xuất huyết ngầm. Đừng thử rửa sạch vết thương. Nên đắp một miếng vải băng sát trùng lên rồi cột lại. Để nạn nhân nằm yên rồi chở đến bệnh viện, cách cẩn thận và mau lẹ. Trong những trường hợp nầy nạn nhân thường bị kích ngất nặng.
Bị đứt bụng mà đổ ruột ra ngoài có thể do đồ dùng như dao hay dao cạo gây ra. Trong trường hợp này, để nạn nhân nằm ngửa, lót áo dày hay gối dưới đầu gối. Đừng cố ấn ruột vô. Hãy đắp một miếng vải xếp sát trùng lên và giữ cho ướt, vì nếu những cơ cấu tế nhị này trở nên khô có thể bị tổn thương đến chết. Hãy pha một muỗng cà phê muối với nửa lít nước chín để dùng giữ cho ruột ướt. Dùng bất kỳ thứ nước nào mà ta thấy là sạch còn an toàn hơn là để ruột khô. Để nạn nhân nằm rồi chở đi cẩn thận. Nạn nhân thường bị kích ngất nặng.
BỊ LOÀI VẬT CẮN
Sau khi bị loài vật cắn có thể bị nhiễm độc nặng. Người ta thường bị chó và mèo cắn nhiều nhứt. Vết mèo cắn nguy hiểm đặc biệt hơn vì răng mèo bén và cắn sâu. Mối nguy hiểm đặc biệt do loài vật cắn là bị nhiễm độc có thể thành điên dại, hay khiếp nước.
ĐIÊN DẠI HAY KHIẾP NƯỚC
Bệnh nầy do mầm độc trong nước miếng của động vật điên sinh ra. Tất cả các loài vật đang cho con bú đều có thể bị nghi là có mầm độc này. Mầm độc nầy thường vào thân thể do vết cắn hay vết thương mới mà bị thú vật liếm phải, hoặc khi nước miếng của loài vật điên đụng vào màng niêm của môi hay mũi. Khi da bình thường, không bị trầy trụa, nó không thể nào vào bên trong thân thể được.
Bệnh điên dại luôn luôn làm hại đến tính mạng khi các triệu chứng đã phát triển. Nên phòng ngừa ngay khi bị cắn bằng phương pháp miễn dịch gọi là cách điều trị Pasteur. Bất kỳ ai bị loài vật cắn, cần phải được chỉ dẫn cách điều trị ngay.
Bị loài vật cắn ở mặt hay đầu thật vô cùng nguy hiểm; nên đưa đi bác sĩ ngay.
Cấp cứu
Rửa thật sạch nước miếng ở vết thương. Dùng vải xếp và nước pha xà bông hơi đặc để cọ vết thương, đoạn rửa lại với thật nhiều nước trong rồi đắp vải xếp sát trùng, như trong các vết thương ngoài da khác. Về các vết thương do loài vật cắn nên dùng dung dịch canh-ti-dót nhẹ để đắp.
Phải nhờ bác sĩ khám ngay
Khi cần thiết ông sẽ rửa sạch vết thương và điều trị triệt để, hoặc quyết định xem có nên điều trị theo phương pháp miễn dịch của Pasteur không. Ông sẽ quan sát các trạng huống lúc bị cắn và con vật để quyết định việc này.
Giữ con vật đã cắn
Không bao giờ nên giết con vật đã cắn, trừ khi phải bảo vệ những người khác khỏi bị nguy hiểm vì nó. Nếu có thể bắt con vật cách an toàn, nhốt hay xiềng nó lại chỗ nào ít gây nguy hiểm đến người và thú khác. Đừng dùng dây thừng để cột chó dại, vì nó có thể gặm đứt dây, khoét đất, tận dụng sức lực của nó để trốn thoát.
Con chó điên không phải luôn luôn hung dữ. Dưới một hình thức gọi là « điên câm » bệnh bắt đầu bằng sự tê bại hàm dưới hay bốn chân. Con chó không muốn cắn, nhưng nước miếng cũng độc như loại « điên dữ ».
Nước miếng con chó có thể có mầm độc bốn hay năm ngày trước khi bị triệu chứng điên. Sau khi đã nhốt mười ngày, nếu con vật vẫn mạnh khỏe, ăn uống như thường và không có gì thay đổi, thì khi cắn, nước miếng của nó không độc. Nhưng nếu nó bị giết, nếu không bắt, nhốt, và canh nó trong mười ngày, hay nếu các triệu chứng nhất định hiện ra và nó chết trong thời gian đó, cần phải dùng phương pháp Pasteur ngay.
Mầm độc điên đi qua dây thần kinh mà vào óc, chứ không vào máu, vì thế các triệu chứng phát triển rất chậm. Khi bị những vết cắn rộng lớn ở đầu, mặt hay hai bàn tay, tốt hơn nên dùng phương pháp miễn dịch Pasteur ngay, nhưng nếu sau vài ba ngày quan sát, con vật tỏ ra bình thường, bác sĩ có thể ngưng chích và nếu nó cứ tiếp tục tỏ ra bình thường thì không cần chích lại nữa. Khi thấy có chó dại, phải thông tin cho sở cảnh sát, hay phòng y tế sớm chừng nào tốt chừng nấy. Tất cả các con chó bị nghi có bệnh dại phải được thú y sĩ xem xét.
Nếu cần phải giết con vật để bảo vệ những người khác, tránh đừng làm tổn thương bộ óc nó. Phải gửi đầu nó đến phòng thí nghiệm để nghiên cứu và xác định chó ấy có bị bệnh điên hay không.
Giá trị thời gian của việc chích ngừa để bảo vệ chó khỏi bệnh dại vẫn chưa được quyết định. Người ta cũng chưa biết rằng sau khi đã dùng phương pháp trị liệu Pasteur thì người bị cắn được bảo vệ trong bao lâu, nhưng có lẽ không hơn một năm, và có thể ít hơn.
Nếu bị thú không điên cắn, chỉ cần điều trị như vết thương thường. Nếu vết thương cắn lủng sâu, nên đưa nạn nhơn tới bác sĩ, để tùy trường hợp, ông cho chích thuốc kháng sinh và phòng ngừa phong đòn gánh.