Các vết thương do vật thể lạ và các vết thương ở mắt

Các vết thương do vật thể lạ và các vết thương ở mắt

NHIỀU

thứ vết thương cần phải được chú ý đặc biệt. Những vết thương bàn luận trong bài này gồm có các vết thương lủng, nhiễm độc, bị thương ở bụng, bị thú vật cắn, rắn cắn, những vết thương mà các vật thể lạ còn nằm ở trong, vật thể lạ ở trong mắt và mắt bị thương, chảy máu mũi, chảy máu bên trong cơ thể, và các nội thương.

VẬT THỂ LẠ TRONG MẮT VÀ CÁC VẾT THƯƠNG NƠI MẮT

Băng mắt bị thương bằng thớ vải dính.

Mắt chỉ có một mục đích là thấy. Bất kỳ ai cấp cứu vết thương nơi mắt đều phải lưu ý tới điều đó. Nên nhớ rằng chỉ bác sĩ nhãn khoa mới có thể chữa con mắt bị thương và giữ cho nạn nhân khỏi mù. Vì vậy điều cốt yếu của việc cấp cứu là tránh làm tổn thương thêm và cố giữ mắt y nguyên cho đến khi bác sĩ nhãn khoa tới.

Nhãn cầu là một vật thể hình cầu, chứa đựng đầy những tổ chức cần thiết cho việc nhìn thấy. Nó nằm trên lớp mỏng ở bên trong một cái lỗ bằng xương. Lớp mở nầy giúp cho nhãn cầu có thể xoay đi mọi hướng và giảm bớt sự va chạm mạnh bị tổn thương. Lông nheo mí mắt có công dụng bảo vệ nhãn cầu khỏi bị thương tích vì bụi bặm, khỏi bị khô vì gió và không khí, đỡ bị tổn thương vì quá nóng hoặc lạnh, cùng những ảnh hưởng khác có thể gây nên đui mù vĩnh viễn.

Nhờ sáu bắp thịt trong mỗi mắt trì kéo nên nhãn cầu có thể xoay đi mọi hướng. Nếu một trong mười hai bắp thịt này bị hủy hoại ta không còn nhận thấy sự vật rõ ràng nữa.

Nhãn cầu gồm một lớp bọc bằng mô dày, trắng. Ở phần trước của mắt, các mô này lại trong suốt để những tia sáng có thể xuyên vào trong mắt. Phần trong suốt nầy là phần nhạy cảm nhứt của mắt. Một bức màn chắn có màu sắc được treo lơ lửng phía sau trong lớp nước trong tròng đen có một lỗ hổng ngay giữa, gọi là cái lỗ con ngươi. Tròng đen dùng để ngăn, không cho ánh sáng nhiều hơn mắt có thể thâu dùng được lọt vào, và lỗ con ngươi cũng có công dụng ấy. Ngay phía sau con ngươi có một tiếp vận kính tức một cơ cấu hoàn hảo và trong suốt, hình dáng nó có thể thay đổi được do các bắp thịt trong mắt, để những tia sáng vào lỗ con ngươi sẽ được điều chỉnh cho đúng mức.

Phía sau con mắt có một cơ cấu mỏng manh nhất của mắt, là võng mạc. Bộ phận này dùng để biến những tia sáng thành những xung đột thần kinh mà chúng ta gọi là thấy. Mọi cơ cấu này được duy trì đúng vào vị trí của chúng nhờ áp lực của một chất lỏng như xu xoa chứa đầy trong nhãn cầu.

Băng bó

Con mắt có thể thấy được:

1. Băng lỏng, để bảo vệ sau khi bị thương, hoặc

2. Băng chặt để ngăn ngừa cử động.

Có thể dùng một trong những phương pháp sau đây để băng bó vết thương ở mí mắt, các tổ chức xung quanh mắt hoặc nhãn cầu. Nếu bị thương ở nhãn cầu, ta chỉ cần băng lỏng để che bụi. Nhưng nếu con ngươi không bị tổn thương mà chỉ mí mắt hay các tổ chức xung quanh mí mắt bị rách việc này thường xảy ra trong các tai nạn xe hơi phải băng chặt để các bộ phận bị tổn thương khỏi cử động.

Hình thức đơn giản nhất của phép băng lỏng là xếp một miếng vải sạch, mềm, bề dài ít nhất là 75 phân, thành một miếng băng khổ 7 phân 5. Đặt miếng miếng vải băng ấy tréo trên trán, che mắt bị thương tổn dưới vành tai cùng một bên ấy vòng ra sau và cột hai đầu băng lại.

Nếu vải sạch, không cần lót gì giữa mắt và dây băng. Nhưng nếu dây băng không được sạch, ta phải lấy một miếng vải sạch và mềm, vuông vức 7 phân 5 đắp lên mắt bị thương trước khi băng. Có thể đắp bằng khăn mu-soa sạch xếp lại. Không nên cột chặt quá đến đè mạnh nhãn cầu.

Có thể dùng băng lỏng nhưng không bị xê dịch bằng cách lấy một miếng vải sạch, xếp lại vuông vức cỡ 7 phân 5 hay 10 phân, đắp lên mắt bị thương, rồi dùng vải dính (băng keo) dán chặt lại. Khi dán vải dính, nên nhờ người khác giữ chặt tấm vải băng, hay cho nạn nhân nằm ngửa. Dán miếng vải thứ nhất lên trán, phía góc trong của mắt bên kia, đè lên cạnh vải băng gần mũi, kéo da má phía mắt đau lên một chút rồi dán chặt miếng vải dính vào. Dán miếng vải thứ hai lên da trán ngay khoảng giữa trên mắt bị thương, đè lên vải băng, xéo ra phía ngoài mắt. Kéo da má lên rồi dán chặt vải dính vào. Khi má chạy trở xuống, vải dính bị căng thẳng và giữ chặt vải băng, nhưng không đè mạnh lên nhãn cầu.

Chỉ băng bó chặt khi chính nhãn cầu không bị thương. Có thể băng chặt bằng lối băng lỏng, nhưng phải thêm vào một xấp vải sạch, mềm, khá dày, lót dưới dây băng cột chặt quanh đầu và phủ kín lên mắt đau.

Dùng dây băng cuộn rộng cỡ 5 hay 7 phân 5, để băng chặt là tốt nhất. Quấn một vòng quanh trán để giữ chặt, nên quấn vòng ra từ mắt bị thương. Xong lấy một miếng vải băng sạch, dầy, đắp lên mắt bị thương, một tay giữ chặt, một tay cầm cuộn băng quấn quanh đầu. Lòn dưới vành tai, cùng một phía với mắt đau, đè lên miếng vải đắp rồi vòng quanh đầu. Mỗi vòng quấn lần thứ hai, chỉ quấn chung quanh đầu nhưng không phủ lên mắt. Khi băng đã phủ lên vải đắp rồi, cắt cuộn dây băng và dùng vải dính dán chặt đầu dây băng lại. Nếu không phải vải dính, xé đôi dây băng theo chiều dọc độ 30 phân rồi cột gút chặt để phòng ngừa soạt thêm. Đoạn vòng hai đầu dây xung quanh đầu rồi cột lại.

Các vật thể lạ trong mắt

Phần nhiều vật thể lạ lúc lọt vào mắt thì nằm trên bề mặt của các màn bọc mí mắt, hay dính vào nhãn cầu. Chúng làm cho mắt xốn xang, đặc biệt khi nhắm mắt lại, làm chảy nước mắt, và rất khó chịu khi nhìn vào ánh sáng. Những người không được huấn luyện chỉ có thể lấy ra những vật thể lạ nằm trên bề mặt. Sự thử chữa mà không hiệu quả thường làm tổn thương con ngươi, có khi làm cho nạn nhân bị đui. Nên theo những chỉ dẫn sau đây để phòng ngừa làm vết thương nặng thêm:    

Đừng bao giờ dụi mắt.  Dụi mắt thường ấn vật thể lạ vào sâu trong các tổ chức và làm cho khó lấy ra hơn.

Đừng bao giờ vạch xem xét con ngươi để tìm vật thể lạ nếu chưa rửa tay thật sạch, vì bụi dơ có thể vào mắt và làm cho vết thương nặng thêm.

Đừng bao giờ làm nặng tay, vì có thể làm vết thương ở nhãn cầu nặng thêm.

Đừng bao giờ thử lấy vật thể lạ bằng cây tăm, quẹt, lưỡi dao, hay bất kỳ vật gì cứng.

Đừng bao giờ quên đem nạn nhân đến bác sĩ, nếu vật thể lạ dính chặt vào nhãn cầu. Tuy vậy, vẫn có một vài phương pháp mà người cứu thương có thể áp dụng để lấy vật thể lạ không dính chặt ra.

1. Kéo mí mắt dưới xuống và xem vật thể lạ có nằm trên lớp màn bọc mí mắt không. Nếu có, ta có thể dùng góc khăn mu-soa sạch, hay miếng bông gòn quấn đầu cây tăm rồi nhúng nước cho ướt để lấy ra. (Không bao giờ nên dùng bông gòn khô xung quanh con mắt).

2. Cầm vành mí mắt trên bằng ngón tay cái và ngón trỏ, bảo nạn nhơn ngước lên, rồi kéo mí mắt trên xuống phủ lên mí mắt dưới. Như vậy một vật thể lạ trên màng bọc mí trên có thể bị mí mắt đẩy ra.  

3. Rửa mắt bằng Axit boric (nửa muỗng cà phê với một ly nước chín). Có thể dùng ống chích nhỏ hay ống nhỏ nước mắt để làm việc này.

4. Nếu dùng các phương pháp này đều không có hiệu quả, có thể dùng dầu ô liu, dầu đu đủ (thầu dầu) hay dầu mỏ để nhỏ vào mắt.

Nếu vật thể lạ vẫn không ra hay dính vào tròng mắt, nên đem nạn nhân đến bác sĩ ngay. Vật thể lạ nằm lâu trong con mắt có thể làm độc các tổ chức bị thương.

Mắt bị phỏng

Sức nóng hóa chất hay hơi (khí) có thể làm phỏng con mắt. Khi sức nóng trực tiếp như ngọn lửa chẳng hạn, áp gần mắt, tự nhiên mí mắt khép lại thật mau nên chỉ có da mí mắt bị tổn thương. Điều trị vết phỏng này cũng như điều trị bất kỳ vất phỏng da nào trong thân thể.

Những hóa chất như axít, chất kiềm, hay các chất ăn mòn da có thể bắn vào mắt trước khi mí mắt khép lại và thường làm tổn thương nặng. Người cứu thương phải dùng thật nhiều chất lỏng sạch (như nước và sữa) để rửa mắt bị thương. Đặt đầu nạn nhân nghiêng về phía mắt đau, lấy ngón tay banh mí mắt, rồi đổ chất lỏng từ từ vào mắt. Dùng một cái tách hay ly thường, hay nếu có sẵn nên dùng quặng (phễu) để điều khiển dòng nước. Đổ chất lỏng vào góc trong con mắt, để cho nước chảy qua nhãn cầu và dưới mí mắt, cho đến hết ít nữa một lít chất lỏng để rửa mắt.

Nếu bị một số lượng lớn chất ăn mòn da tạt vào mắt, ta nên tiếp tục rửa mắt đến lít thứ hai, có khi lít thứ ba. Đoạn nhỏ vài giọt dầu mỏ, dầu ô liu hoặc dầu đu đủ vào mắt, rồi băng lỏng mắt bị thương và đưa nạn nhân đến bác sĩ ngay.

Điều trị vết phỏng do hơi (khí) gây ra cũng giống như cách điều trị các vết phỏng do hóa chất vậy.

Mắt bầm

Các tổ chức mềm chung quanh mắt nằm trên một miếng xương cứng. Nếu va chạm mạnh để thành vết u hay vết bầm ở chỗ này thường làm bể huyết quản, máu sẽ rịn ra vào các tổ chức và đọng lại ở đấy, làm thành một vết đen và xanh dương. Nếu chặn máu ngay thì vết thương sẽ nhẹ hơn. Một vết đen và xanh dương đã phát triển hoàn toàn phải mất từ một tuần đến một tháng mới biến hết.

Cách trị liệu

Sau khi bị thương phải đắp ngay vải xếp lạnh hay túi nước đá trong một giờ. Đoạn, cứ cách nửa giờ lại đắp như vậy, mỗi lần đắp vải xếp hay túi nước đá trong 10 phút, cho đến khi chỗ sưng xẹp đi. Hai ngày sau bắt đầu thoa bóp bằng dầu dừa hay kem lạnh, hoặc đắp thường thường dầu ô liu nóng cho đến khi vết thương lành.

Vết thương ở mí mắt và các tổ chức chung quanh mắt

Những vết thương này thường do tai nạn xe hơi gây ra và ít khi phạm đến nhãn cầu. Vị trí thích đáng của mí mắt tương quan với nhãn cầu rất cần thiết để mắt làm nhiệm vụ mình cách thích đáng, nên điều cực kỳ quan trong là đừng điều trị vụng về để làm vết thương nặng thêm. Hơn nữa có thể cần phải khâu lại ngay mí-mắt bị tổn thương, để sau này nó vẫn hoạt động như thường và không biến dạng. Vì vậy nếu vết thương chỉ hạn chế trong các tổ chức mềm mà không phạm đến nhãn cầu, ta chỉ cần đắp một miếng vải sạch lên trên rồi lấy dây băng cột lại. Nếu nhãn cầu dường như bị thương, nên băng lỏng. Trong cả hai trường hợp đều phải đem nạn nhân đến bác sĩ nhãn khoa sớm chừng nào tốt chừng nấy.

Các vết thương ở nhãn cầu

Có rất nhiều loại vết thương này, từ vết nhẹ là vết trầy ở giác mô do một cành cây nhỏ gây ra cho đến vết thương nặng do miếng thép văng vào nên không thể mô tả hết được. Nếu có thấy vật thể lạ dính vào vết thương, ta đừng thử lấy nó ra. Vì làm thế có thể ta sẽ kéo theo ra vài chất quý báu của con mắt. Hãy đắp một miếng vải sạch lên rồi băng lỏng. Phải để nạn nhân nằm thẳng và dung băng-ca khiêng đi. Ngồi dậy hay bước đi có thể làm nhãn cầu lớn thêm. Càng được nhà chuyên môn điều trị sớm càng có hy vọng chữa lành con mắt hơn.

Mắt đỏ

Mắt đỏ chỉ rằng mí mắt hay nhãn cầu bị sưng. Phải nhờ bác sĩ khám nghiệm và điều trị thích đáng. Nếu bác sĩ chưa đến ngay được, ta nên rửa mắt đỏ bằng acid boric (nửa muỗng cà phê với một ly nước chín), rồi đắp nóng. Xếp một chiếc khăn tắm nhỏ, sạch còn từ 15 hay 20 phân vuông, nhúng vào nước nóng với nhiệt độ cao nhất mà tay có thể chịu được, vắt ráo rồi đắp lên mí mắt (đã nhắm kín). Khi miếng vải nguội, lại nhúng nước nóng để đắp thêm. Tiếp tục làm như vậy cho đến khi đã đắp được 5 hay 10 phút. Nếu chỉ đắp nước ấm thôi thì không hiệu nghiệm mấy. Thêm vào nước với muối, trà hoa cúc, acid boric hay vật gì khác cũng chẳng lợi thêm bao nhiêu.

Cách săn sóc thông thường

Bình thường ta không cần rửa con mắt. Nước mắt và sự cử động của mắt cũng đủ để tự rửa sạch rồi. Cũng không cần phải đeo kính màu để bảo vệ, trừ khi ở trên núi cao, hoặc lúc phải nhìn ánh sáng chói lòa của tuyết ở Bắc cực. Nếu đeo kính phải lau chùi sạch sẽ và đeo ngay ngắn.

Đừng nhỏ bất kỳ thứ thuốc nào vào mắt nếu không có lời khuyên của bác sĩ. Nên dùng acid boric thay nước muối để rửa mắt (nửa muỗng cà phê với nửa lít nước chín).

Chỉ có bác sĩ mới điều trị được các chứng bệnh và vết thương trong con mắt.

Ánh sáng đầy đủ rất cần thiết cho thị giác. Đừng đọc sách trong chỗ tối.

Hãy đối xử cặp mắt như ta đối xử hai chân. Đừng lạm dụng đến chúng phải mệt lừ.

Các câu hỏi liên quan

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...