Các phản ứng phụ của điều trị ung thư miệng là gì?

Các phản ứng phụ của điều trị ung thư miệng là gì?

 Rất khó hạn chế các phản ứng phụ của điều trị để chỉ cắt hay diệt tế bào ung thư mà thôi. Do các tế bào và mô lành cũng có thể bị tổn thương nên việc điều trị có những phản ứng không mong đợi.  

Các phản ứng phụ của điều trị ung thư rất khác nhau. Chúng tuỳ thuộc chính vào loại điều trị, độ lan rộng của điều trị và vùng được điều trị. Hơn nữa, mỗi người lại có một đáp ứng khác nhau. Một số phản ứng phụ chỉ tạm thời nhưng một số khác lại là vĩnh viễn. Nhiều cố gắng lên kế hoạch điều trị cho bệnh nhân để phản ứng phụ ít xảy ra nhất. Bệnh nhân cũng được theo dõi rất cẩn thận để có thể phát hiện bất cứ vấn đề nào xảy đến khi đang điều trị.

Phẫu thuật cắt bỏ một khối u nhỏ ở miệng thuờng không gây nên những vấn đề lâu dài. Tuy vậy đối với một khối u lớn, phẫu thuật viên có thể cần cắt bỏ một phần khẩu cái, lưỡi, hay hàm. Phẫu thuật loại này có thể làm thay đổi khả năng nhai, nuốt hay trò chuyện của bệnh nhân. Vẻ ngoài của bệnh nhân cũng có thể bị thay đổi.

Sau khi mổ, mặt bệnh nhân có thể bị sưng phồng, thường sẽ hết trong vòng một tuần. Tuy nhiên nạo cắt hạch sẽ làm chậm dòng lưu thông của bạch huyết làm bạch huyết đọng lại trong mô nên sưng sẽ lâu hết hơn.  

Trước khi tiến hành xạ trị, bệnh nhân cần khám nha khoa vì nha sĩ quen với những thay đổi mà xạ trị gây nên ở miệng. Xạ trị có thể làm đau miệng.  

Xạ trị cũng gây nên những thay đổi trong nước bọt và làm giảm lượng nước bọt khiến khó nhai nuốt. Vì nước bọt bình thường bảo vệ răng nên khô miệng làm tăng sâu răng. Nhóm chăm sóc y tế sẽ khuyên cách sử dụng loại bàn chải đánh răng và nước súc miệng đặc biệt. Nha sĩ thường gợi ý một chương trình đặc biệt có chứa fluoride nhằm giữ răng khoẻ. Để giảm khô miệng, nhóm chăm sóc y tế sẽ khuyên sử dụng nước bọt nhân tạo và các cách khác để giữ miệng ẩm. Khô miệng do xạ trị sẽ hết ở một số bệnh nhân, nhưng cũng có thể còn lại lâu dài.  

Sụt cân là vấn đề nghiêm trọng ở bệnh nhân điều trị ung thư miệng do đau miệng làm ăn uống khó. Trong nhiều trường hợp chia thức ăn thức uống ra từng lượng nhỏ sẽ có lợi. Nhiều bệnh nhân thấy ăn vài bữa ăn nhỏ và ăn nhẹ trong ngày sẽ đỡ hơn là cố ăn ba bữa ăn lớn.  

Thông thường thức ăn mềm, nhạt chan với nước sốt, nước thịt làm mềm sẽ dễ ăn hơn. Canh, súp sệt, bánh putđing và sữa trứng khuấy là những thức ăn bổ dưỡng và dễ nuốt. Chuẩn bị thức ăn xay trong máy sinh tố cũng có lợi. Bác sĩ cũng sẽ khuyên dùng chất dinh dưỡng trong chế độ ăn lỏng đặc biệt dành cho bệnh nhân gặp khó khăn trong việc nhai. Uống nhiều nước giúp miệng ẩm và cũng giúp dễ ăn hơn.  

Một số bệnh nhân có thể mang răng giả trong khi xạ trị. Tuy nhiên một số khác không thể mang răng giả nhiều năm sau khi điều trị do có sự thay đổi trong khi trị liệu nên hàm răng giả không còn mang vừa nữa. Sau khi điều trị xong, bệnh nhân có thể sẽ điều chỉnh để hàm răng giả khớp vào hay thay bộ răng giả.  

Xạ trị cũng gây đau trong miệng và làm nứt, bong môi. Chúng thường lành trong những tuần đầu sau khi hoàn tất điều trị. Thường thì chăm sóc miệng tốt có thể giúp bớt đau trong những trường hợp này. Răng giả cũng không nên mang cho đến khi đau đã lành.

Trong quá trình xạ trị, bệnh nhân có thể mệt mỏi, đặc biệt trong những tuần muộn sau điều trị. Nghỉ ngơi là điều quan trọng, nhưng các bác sĩ thường khuyên bệnh nhân cố giữ các hoạt động tích cực một cách hợp lý. Bệnh nhân nên thực hiện những hoạt động hợp với mức năng lượng của cơ thể. Xạ trị thường gây nên đỏ da, khô da, sờ ấn đau và ngứa da nơi vùng điều trị.  

Đến cuối kỳ điều trị, dạ trở nên ẩm và ‘đẫm nước’. Có thể xuất hiện những vùng da sạm hay ‘màu đồng’ ở nơi bị xạ trị. Vùng này cần để trống ngoài không khí càng nhiều càng tốt nhưng cũng cần bảo vệ khỏi tia mặt trời.  

Tại thời điểm này giữ da lành lặn là điều quan trọng, nhưng người bệnh không nên sử dụng bất kỳ thứ thuốc bôi hay kem nào mà không được bác sĩ kiểm tra. Nam giới có thể rụng hết hay một phần râu tóc, nhưng râu ở vùng mặt thường mọc lại sau khi điều trị xong. Thường thì nam giới cạo râu bằng dao điện trong khi điều trị để tránh cắt phải làm nhiễm trùng. Hầu hết các tác dụng của xạ trị trên da chỉ là tạm thời. Các vùng này sẽ lành khi hoàn tất điều trị.  

Phản ứng phụ của hoá trị tuỳ thuộc vào loại thuốc được sử dụng. Nói chung, các thuốc kháng ung thư tác dụng lên những tế bào phân chia nhanh như các tế bào máu chống lại sự nhiễm trùng, những tế bào lót trong niêm mạc miệng và ống tiêu hoá, và các tế bào nang lông. Kết quả là bệnh nhân sẽ bị các phản ứng phụ như sức đề kháng với nhiễm trùng kém, ăn mất ngon, nôn buồn nôn, đau miệng. Bệnh nhân cũng có thể bị thiếu năng lượng và rụng tóc.  

Các tác dụng phụ của điều trị ung thư từng người khác nhau và thậm chí ở một người cũng khác nhau ở các lần trị liệu. Các bác sĩ, y tá, và các chuyên gia dinh dưõng có thể giải thích các phản ứng phụ của điều trị ung thư và gợi ý các cách đối diện với chúng.  

Các câu hỏi liên quan

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...