Các biến chứng có thể gặp trong thời gian điều trị lao

Các biến chứng có thể gặp trong thời gian điều trị lao

Ho ra máu 

Ho ra máu có thể là dấu hiệu cho biết lao phổi xuất hiện, cũng có thể là hậu quả của lao phổi cho dù bệnh đã được chữa khỏi. Khi chữa khỏi bệnh lao phổi, những di chứng của quá trình viêm nhiễm lâu ngày hoặc sự tạo thành các xơ sẹo sẽ khiến bệnh nhân có thể vẫn ho ra máu. Triệu chứng này cũng là dấu hiệu tái phát bệnh, cho biết vi khuẩn lao đã hoạt động trở lại.

So với các loại cấp cứu khác về hô hấp như khó thở, tràn khí màng phổi, tràn dịch màng phổi, ho ra máu thường gặp nhất và khá nguy hiểm. Ho ra máu có nhiều mức độ; nhẹ (chỉ dây lẫn vào đờm), nặng (hàng chục, hàng trăm ml) hoặc tối cấp (cả lít), có thể nguy hiểm đến tính mạng. Máu có thể đông lại trong phế quản, khí quản làm bít tắc đường thở, tràn ngập cả hai bên phổi. Nếu bệnh nhân lại mất một khối lượng máu đáng kể như trong ho ra máu sét đánh thì không thể cứu chữa được.

Ngay khi ho ra máu nhẹ, lượng máu ho ra ít, người bệnh đã phải nằm nghỉ ngơi, hạn chế vận động. Phải có ly đựng ở ngay bên cạnh để thuận tiện khi sử dụng. Không được nuốt vì máu vào dạ dày sẽ có thể gây nôn. Nên giải thích an ủi để bệnh nhân không hoang mang, lo lắng nhằm giúp nhanh cầm máu và giảm ho. Có thể cho uống thuốc an thần, giảm ho nhẹ ... Nên ăn nhẹ, nguội, chọn ăn đồ lỏng, dễ tiêu như súp, cháo. Không ăn cay và tuyệt đối cấm uống rượu.

Khi ho ra máu nặng, bệnh nhân phải nằm tại giường, nghỉ ngơi tuyệt đối. Mọi phục vụ sinh lý phải thực hiện tại chỗ. Người bệnh nằm đầu cao. Khi ho ra máu, nghiêng đầu sang một bên, người phục vụ đứng cạnh ghé sát cốc đựng vào miệng, người bệnh chỉ việc khạc ra mà không phải cất đầu lên. Cần dùng thuốc an thần giảm ho mạnh hơn. Không nên cho người đến thăm nom nhiều hoặc đánh thức người bệnh dậy, vì rất dễ gây ho ra máu trở lại.

Suy hô hấp mạn 

Một số trường hợp bệnh lao phổi bị phát hiện quá muộn, vi khuẩn lao đã tấn công, “gặm mòn” và làm hư hỏng rất nhiều trong hai lá phổi. Nguyên nhân thường do người bệnh chủ quan ít quan tâm đến sức khoẻ của mình hoặc vì lý do nào đó không có điều kiện đi khám bệnh khi xuất hiện những triệu chứng ban đầu. Vì bệnh lao vốn diễn tiến khá thầm lặng, chưa ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt và sức khỏe chung nên ít được chú ý nhận biết. Đến khi xuất hiện các triệu chứng nặng nề, người bệnh mới đi khám bệnh, chụp X-quang phổi thì phát hiện bệnh đã diễn tiến từ khá lâu và hai lá phổi bị tổn thương gần hết. Nếu được chữa bệnh đúng cách, tuân thủ điều trị lao theo nguyên tắc Đúng - Đủ - Đều, bệnh lao vẫn được chữa khỏi hoàn toàn. Vi khuẩn lao được tiêu diệt sạch hoàn toàn. Tuy nhiên, người bệnh vẫn không thấy khỏe. Đó là do các di chứng của bệnh lao để lại trên hai lá phổi gây cảm giác luôn khó thở, nặng ngực. Vi khuẩn lao tàn phá nhiều bộ phận trong phổi, nay tuy lành bệnh nhưng để lại nhiều vết sẹo, xơ hóa, co kéo trên phổi và những di chứng này tồn tại vĩnh viễn trên phổi.

Để đối phó với tình trạng này, người bệnh cần tránh những công việc đòi hỏi gắng sức nhiều, dùng thuốc giãn phế quản khi có khó thở nhiều. Một số trường hợp có thiếu oxy kéo dài (đo lượng oxy trong máu quá thấp), người bệnh nên thở oxy thường xuyên tại nhà.

Các câu hỏi liên quan

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...