Cà trời

Cà trời

Cà trời, Cà hung, Cà lông - Solarium ferox L., thuộc họ Cà - Solanaceae.

Mô tả Cà trời:

Cà trời là dạng cây thảo cao đến 1,5m, đầy lông mịn hình sao và gai nhọn. Lá có gai đứng, vàng, cao 1cm ở gân; cuống lá 10-15mm. Cụm hoa xim ở ngoài nách lá; cuống chung độ 1cm, có gai to nhiều hay ít, có lông len; đài có gai tím; tràng trắng, có lông ở ngoài; chỉ nhị dính nhau ở gốc. Quả mọng, vàng, hình cầu, to 15-20mm, đầy lông đứng hình sao, phân nhánh dài. Hạt hình dĩa, đường kính 2mm.

Sinh thái Cà trời:

Cà trời mọc thành bụi dây, rải rác trên các bãi hoang, lùm bụi, ven đường, ở độ cao 100-1500m. Ra hoa tháng 5-7.

Phân bố Cà trời:

Hà Nội, Nghệ An, Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đồng Nai, Tp. Hồ Chí Minh, An Giang.

Còn có ở Ấn Độ, Trung Quốc, Malaixia, Inđônêxia, Philippin.

Bộ phận dùng của Cà trời:

Quả, hạt, rễ - Fructus, Semen et Radix Solani Ferocis.

Tính vị, tác dụng của Cà trời:

Rễ Cà trời có độc; có tác dụng thông mạch, ngăn được đau nhức, tán ứ tiêu thũng.

Công dụng làm thuốc của Cà trời:

Quả Cà trời dùng làm gia vị chua trong chế biến cary. Ở Malaixia, người ta dùng hạt Cà trời để trị đau răng bằng cách đem rang lên và xông hơi, hoặc lấy lá chuối khô quấn hạt và đốt như hút thuốc. Sau đó phải súc miệng bằng nước nóng. Dùng ngoài, người ta lấy rễ Cà trời nấu nước tắm trị sốt về đêm và dùng đắp trị ghẻ, các vết đứt, vết thương, dao chém và đau bìu dái. Ở Trung Quốc, người ta dùng rễ Cà trời trị đòn ngã ứ đau và bệnh sa nang.

Các câu hỏi liên quan

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...