Bướu Máu

Bướu Máu

Bướu máu là bệnh gì?

Bướu máu là sự tích tụ bất thường của mạch máu trong da hoặc các cơ quan nội tạng. Chúng là những khối u lành tính và không di căn, phần lớn các u mạch máu nằm ở vị trí đầu và cổ. 

Căn bệnh này thường xuất hiện ở trẻ sơ sinh. Còn lại đa phần xuất hiện ở trẻ 1 tuổi. Tuy nhiên, căn bệnh này cũng có thể xuất hiện ở tuổi trưởng thành nhưng thường rất hiếm.

Cho đến nay, bướu máu có đầy đủ các tính chất của một khối u ngoại trừ một tính chất, đó là khối u lành tính và đa phần tự teo đi trong các giai đoạn về sau. Khối u có đặc điểm như một khối u thông thường nhưng chúng chứa đầy mạch máu và máu. Tuy nhiên nó khác với các khối u phần mềm khác, u máu đa phần lành tính và tự khỏi, thường xuất hiện ở mặt, đầu, cổ, mông, đùi của trẻ em. Chỉ một số ít xuất hiện ở gan, hầu họng, tim, cột sống. Những dạng này chiếm tỷ lệ rất ít và thường gặp ở người trưởng thành. Đa phần u máu nội tạng xuất hiện ở gan.

Bướu máu được chia làm 3 loại như sau:

U máu mao mạch: Xuất hiện như một vết son hay một mảng màu rượu chát trên da bình thường, ấn xuống không mất màu.

U máu dạng hang: Thường lớn, nhô khỏi mặt da. Trong đa số trường hợp, u lan rộng và xâm lấn mô dưới da, cơ và có thể làm biến dạng cơ thể. Loại u này có thể xuất hiện cả ở các cơ quan nội tạng hay trong não.

U hỗn hợp:

Thường gồm cả thể hang và mạch bạch huyết, gặp nhiều nhất ở tuyến mang tai, thương tổn nằm cả trong da và dưới da.

Nguyên nhân gây ra bệnh bướu máu là gì?

Cho đến nay, nguyên nhân gây ra căn bệnh này vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu đã đặt ra một số giả thuyết về các tác nhân có thể gây ra bướu máu như sau:

- Di truyền.

- Rối loạn hormon.

- Rối loạn miễn dịch.

- Bất thường về mạch máu.

- Ảnh hưởng của hoá chất hay các chất độc hại khác.

- Cha mẹ bị nhiễm khuẩn hay nhiễm virus trong thời kỳ mang thai.

- Sau chấn thương.

Triệu chứng thường thấy ở bướu máu là gì?

Thông thường, căn bệnh này chỉ xuất hiện khối u màu đỏ hay màu tím, không gây đau trên da.

Phương pháp điều trị bướu máu như thế nào?

Hiện nay, để điều trị căn bệnh này bác sĩ dựa vào vị trí khác nhau của bướu ở mỗi trường hợp cụ thể, sau đó họ sẽ đưa ra phương pháp điều trị thích hợp nhất cho từng trường hợp và đạt được các tiêu chí sau đây: 

- Khỏi bệnh.

- Không gây tác hại tới sự phát triển của cơ thể.

- Thẩm mỹ.

Sau đây phương pháp điều trị 2 dạng bướu máu phổ biến nhất như:

Điều trị u máu tế bào nội mạc mạch máu

Steroid đường uống: Liều lượng 2mg/kg/ngày, dùng liên tục trong 4 tuần (giảm liều sau từng tuần). Uống 1 tháng, nghỉ 15 ngày lại uống tiếp 1 tháng. Tuy nhiên, cần theo dõi diễn biến toàn thân của trẻ vì khi dùng Steroid trong thời gian dài vì có thể gây các biến chứng như bộ mặt Cushing, thay đổi tính cách, nấm miệng, chậm phát triển tinh thần, đái tháo đường, tăng huyết áp.

Tiêm xơ: Phương pháp này rất có hiệu quả đối với loại u máu tế bào nội mạc mạch máu. Thuốc được sử dụng trong phương pháp này là Scleremo hoặc Trombovard 1%, 3%. Tuy nhiên, khi tiến hành tiêm xơ phải do bác sĩ có kinh nghiệm thực hiện, đặc biệt vùng đầu, mặt, cổ.

Sử dụng Interferon 2b (Heberon): Điều trị u máu cho trẻ em từ 1,5 tháng đến 14 tuổi thì tỷ lệ thoái triển của trẻ 1 - 5 tuổi đạt tỷ lệ cao. Sử dụng liên tục trong 6 tháng. Tác dụng phụ do thuốc gây ra như sốt trong 1 - 2 ngày đầu dùng thuốc. Ngoài ra, trẻ có thể xuất hiện các triệu chứng khác như  nôn, sốt, biếng ăn… Vì thế cha hoặc mẹ của trẻ cần trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng thuốc.

Điều trị bằng phẫu thuật: Tuỳ theo từng thể bệnh, vị trí hay mức độ khu trú của khối u.

Các phương pháp khác: Có thể dùng phương pháp nút mạch và laser.

Điều trị u dị dạng mạch máu

Có thể lựa chọn phương pháp laser, nút mạch nếu dị dạng động mạch lớn thì cần tiến hành nút mạch kết hợp phẫu thuật ngay lập tức.

Thông thường phẫu thuật chỉ được sử dụng đối với các trường hợp u dị dạng bạch mạch, u dị dạng tĩnh mạch.

Các câu hỏi liên quan

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...