Bong gân - Giãn gân - Vết bầm
BONG GÂN
Bong gân là một vết thương nơi khớp xương, và dây chằng cột hai đầu xương vào nhau bị rách. Nếu nạn nhân bị bong gân thì không bị gãy xương, còn bị gãy xương thì không bị bong gân. Trì kéo tay chân thái quá hoặc vặn chéo thường gây nên bong gân. Dùng bắp thịt quá sức để nâng vật nặng lên, hay bị ngã té cũng là nguyên do thông thường của bong gân.
Dấu hiệu bong gân
Đau nhức khớp xương khi bị thương, sưng to mau lẹ, cử động khớp xương cách khó khăn và rất đau. Nơi bị thương có thể đỏ bầm nhiều khi không thay đổi màu sắc liền và phải mất nhiều tuần lễ mới tan hết.
Rất dễ phân biệt bong gân với sai khớp xương, nhưng đừng lẫn lộn giữa mẻ hoặc gãy ngay khớp xương. Trong trường hợp nghi ngờ, ta nên cứu trị như gãy xương.
Cấp cứu
1. Nâng cao chỗ bị thương lên. Nếu là cườm tay, dùng băng treo; nếu là mắt cá, nên để nạn nhân nằm và lót gối dưới chân.
2. Dùng bọc nước đá để đắp, hoặc nhúng khăn vào nước đá để đắp. Nếu không có nước đá, có thể dùng nước lạnh, hay mở vòi nước cho nước chảy thẳng lên khớp- ương trong nhiều giờ. Cách nầy làm cho nạn nhân đỡ đau và vết thương bớt sưng.
3. Nếu đã bớt sưng rồi, nên đắp nước nóng. Thoa bóp nhẹ chỗ khớp xương ấy cũng rất có lợi.
4. Nếu bong gân nặng, không nên cử-động khớp xương ấy cho đến khi bác sĩ đã khám nghiệm và cho ý kiến.
Khi ta đi đường một mình, chẳng may bị bong gân chơn mà không ai cứu giúp, hơn nữa, phải đi một đổi đường xa mới tới trạm cấp cứu, ta có thể dùng cách băng đỡ mắt cá để đi tiếp
đoạn đường. Nên để giày nguyên trong chân mà băng.
GIÃN GÂN
Giãn gân, nói chung, để chỉ sự tổn thương của bắp thịt hoặc của dây gân buộc bắp thịt vào xương, do sự vận dụng thái quá các cơ cấu nầy. Nó có thể chỉ là sự căng thẳng quá độ, hay các thớ thịt hoặc gân bị đứt do sự căng thẳng ấy gây ra. Nguyên nhân chính thường do việc nâng cao vật nặng không đúng cách. Nếu biết dùng những bắp thịt rắn chắc ở chân và đùi làm đòn chịu hơn là dùng lưng, người ta sẽ đỡ mệt và tránh những trường hợp giãn gân lưng.
Dấu hiệu giãn gân
Dấu hiệu thông thường là rất đau đớn khi bị thương. Chỗ ấy dường như bị đớ, cứng lại, vô cùng đau nhức khi phải cử động chỗ ấy. Vài giờ sau, những dấu hiệu trên kia càng tăng thêm nhiều.
Cấp cứu
1. Để bắp thịt bị tổn thương nghỉ ngơi hoàn toàn.
2. Cho nạn nhân nằm vào vị trí người cảm thấy êm ái nhứt.
3. Nên đắp nóng cho đỡ đau.
4. Thoa bóp nhẹ chỗ bị thương để kích thích máu tuần-hoàn.
VẾT BẦM
Vết bầm thường do sự va chạm mạnh vào cơ thể, làm cho huyết quản nhỏ trong cơ cấu ở dưới da bị bể. Máu từ các huyết quản bể chảy ra và tụ lại trong cơ cấu bị thương, làm cho sưng và bầm đen, hay xanh dương.
Vết thương này thường không cần phải cấp cứu, nhưng nếu đắp nước đá hoặc nhúng vải vào nước thật lạnh để đắp, có thể ngăn ngừa bớt vết bầm, đồng thời giúp nạn nhân đỡ đau và bớt sưng. Nếu bị bầm nặng, nên nhờ bác sĩ khám nghiệm.