Bố mẹ cần làm gì giúp con vượt qua bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD)?
Sự quan tâm, chăm sóc chu đáo về mặt tinh thần cho con mắc rối loạn tăng động giảm chú ý được xem là liều thuốc hiệu quả nhất để đẩy lùi tình trạng bệnh.
Để điều trị bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý, ngoài bác sĩ chuyên khoa tâm lý thần kinh ra, gia đình đóng vai trò then chốt trong quá trình này. Nếu các bậc cha mẹ đang lo lắng, băn khoăn không biết nên giúp đỡ con vượt qua như thế nào, bài viết sau đây sẽ chia sẻ cùng bố mẹ những phương pháp hữu hiệu.
Bạn nên cho trẻ biết về tình trạng bệnh
Lời khuyên dành cho bố mẹ có trẻ bị mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý đó là nên dành thời gian để tâm sự và khéo léo nói thật với con về tình trạng bệnh mắc phải. Tuy nhiên, một số bậc cha mẹ lại giấu và nói với con rằng thuốc bé đang điều trị bệnh là một loại “vitamin thần kỳ” và các bé không dễ bị đánh lừa như vậy, con vẫn biết đó là thuốc điều trị bệnh
Bố mẹ cần giúp cho con hiểu bệnh không phải do lỗi của con. Đây là một rối loạn về thần kinh khiến con gặp phải vấn đề về tập trung, khả năng hoàn thành yêu cầu đặt ra hay lên kế hoạch cho tương lai. Bố mẹ nên cởi mở chia sẻ với bé để làm giảm sự kỳ thị, mặc cảm và giúp con hòa nhập với cuộc sống. Con thực sự cần phải hiểu ra rằng đây chỉ là một phần trong con người và chúng ta có thể kiểm soát được.
Đừng lấy bệnh ra làm lý do
Tất cả chúng ta đều biết, trẻ mắc rối loạn tăng động giảm chú ý đều gặp khó khăn trong cuộc sống hơn so với các trẻ khác. Tuy nhiên, bạn cần phải tập thói quen cho trẻ tự chịu trách nhiệm với những gì mình làm, đừng để bệnh trở thành lý do khiến con gây nên những lỗi lầm và không chịu cố gắng.
Lập ra quy tắc và giữ bình tĩnh
Các bé mắc bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý vẫn có thể tiếp thu các vấn đề dễ dàng hơn bằng lời nói và bằng văn bản. Ví dụ như bố mẹ có thể làm một biểu đồ liệt kê các nhiệm vụ bé cần làm và các quy tắc con cần tuân thủ khi ở nhà. Vì trẻ mắc rối loạn tăng động giảm chú ý gặp khó khăn trong việc lên kế hoạch nên điều này giúp con nhận biết được những gì mình cần làm ở phía trước.
Nhiều ông bố, bà mẹ thường hay la mắng con khi họ không thể kiềm chế sự bốc đồng, bồng bột của con. Vì vậy, điều quan trọng nhất là bố mẹ cần giữ bình tĩnh và kiềm chế cảm xúc của mình khi vui chơi cùng bé.
Giúp con khám phá ra các thế mạnh khác của bản thân
Nếu các bố mẹ không thông cảm và có một so sánh khập khiễng giữa con với những đứa trẻ bình thường khác, điều này khiến con thấy tự ti và mặc cảm.
Các vấn đề về lòng tự trọng thường xảy ra đối với các bé từ 8 tuổi trở lên. Những trẻ mắc rối loạn tăng động giảm chú ý, đặc biệt là các trường hợp không được chẩn đoán kịp thời, bệnh thường tiến triển nặng thêm và có thể là vô phương cứu chữa.
Điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) theo cách tự nhiên
Thay đổi lối sống
1. Dành thời gian ở ngoài thiên nhiên nhiều hơn. Các chuyên gia cho rằng có sự liên kết giữa việc dành thời gian tiếp xúc thiên nhiên và việc giảm tác động của ADHD. Khi cố gắng tập trung vào một việc nào đó trong thời gian dài, các chất dẫn truyền thần kinh ở vỏ não trước trán bắt đầu mất đi. Việc tạm dừng sự tập trung có thể giúp hồi phục lại các chất dẫn truyền thần kinh này. Liệu pháp hữu hiệu nhất là ra ngoài trời, khi người đó bắt buộc phải ngừng tập trung vào công việc.
2. Ngủ đủ giấc. Thói quen ngủ xấu có thể làm tăng các triệu chứng ADHD, trong khi một đêm ngon giấc có tác dụng ngược lại. Cố gắng tạo thói quen ngủ đều đặn. Hàng ngày đi ngủ và thức dậy cùng một giờ mỗi sáng và tối. Người lớn cần ngủ từ 7-8 tiếng mỗi đêm, trẻ em cần 10 -11 tiếng.
Tắt các màn hình (laptop, máy tính bảng, điện thoại, v.v…) ít nhất 15 đến 20 phút trước khi ngủ. Các màn hình này kích thích chức năng nhận thức trong não khiến bạn không ngủ được.
3. Bắt đầu buổi sáng với bài tập thể dục. Mức serotonin thấp có thể làm tăng một số triệu chứng ADHD. Việc tập thể dục có thể giúp nâng cao mức serotonin.
Thử chạy bộ buổi sáng, đạp xe đến nơi làm việc hoặc tới trường hay đi dẫn chó đi dạo quanh khu nhà.
4. Giới hạn thời gian làm việc trước màn hình. Các hóa chất trong não bộ được sản sinh từ hoạt động và sự kích thích bên trong. Nếu dành nhiều thì giờ ngồi trước màn hình, bạn sẽ không có các hoạt động có ích để giúp tiếp tục sản xuất các hóa chất cần thiết cho não.
Giới hạn thời gian làm việc với các loại màn hình chỉ trong một tiếng đồng hồ mỗi ngày, bao gồm ti vi, video game, điện thoại thông minh, internet, máy tính bảng, v.v… Thay vào đó, bạn hãy dùng thời gian này đọc sách, làm bài tập, chơi ngoài trời, trò chuyện với bạn bè và người thân, v.v…
Cải thiện cách giao tiếp hàng ngày
1. Hạn chế những thứ gây xao lãng. Trẻ ADHD rất khó tập trung. Chúng dễ bị xao lãng bởi các sự việc diễn ra xung quanh. Bạn có thể cải thiện việc giao tiếp bằng cách loại trừ các thứ gây xao lãng trong khả năng có thể.
Khi nói chuyện với một đứa trẻ mắc chứng tăng động giảm trí nhớ, bạn cần tắt tivi và dàn âm thanh. Cài điện thoại ở chế độ rung và không cố nói chuyện với người khác cùng lúc nói chuyện với trẻ.
Thậm chí mùi hương đậm cũng có thể khiến người mắc chứng ADHD xao lãng. Tránh dùng nước hoa có mùi hương nồng hoặc nước hoa xịt phòng.
Hiệu ứng ánh sáng cũng có thể gây ra vấn đề Thay các bóng đèn chớp tắt hoặc các chụp đèn tạo ra các kiểu bóng và ánh sáng khác lạ.
2. Chờ cho đến khi trẻ chú ý. Không nói khi trẻ chưa tập trung. Nếu trẻ chưa hoàn toàn tập trung vào bạn, rất có thể bạn sẽ phải nói lại.
Chờ hoặc yêu cầu trẻ giao tiếp bằng mắt với bạn trước khi bắt đầu nói.
3. Truyền đạt một cách đơn giản. Nói chung, bạn nên cố gắng nói ít và dùng những câu đơn giản. Trẻ ADHD chỉ theo kịp những câu ngắn gọn. Bạn nên diễn đạt sao cho hiệu quả và tập trung vào vấn đề.
4. Khuyến khích trẻ tập luyện và vận động. Trẻ ADHD thường có biểu hiện tốt hơn nếu tập thể dục nhiều. Khi trẻ bồn chồn, việc vận động hoặc đứng lên có thể giúp trẻ tập trung và hạn chế xao lãng.
Một số người mắc chứng tăng động giảm chú ý thấy việc bóp bóng stress ball cũng giúp ích khi họ ở trong tình huống phải ngồi yên.
Khi biết con bạn sắp phải ngồi yên một lúc, trước đó bạn có thể cho trẻ chạy vài vòng hoặc tập bài tập thể dục nào đó cũng là một ý hay.
5. Trấn an trẻ. Nhiều trẻ ADHD có tính tự ti. Những thách thức mà các trẻ khác dễ dàng vượt qua lại là khó khăn không nhỏ đối với trẻ ADHD. Điều này có thể khiến trẻ cảm thấy mình ngu dốt hoặc vô dụng. Bạn có thể giúp bằng cách trấn an trẻ.
Rất khó để trẻ ADHD nghĩ rằng mình thông minh khi bạn bè hoặc anh chị em của trẻ có biểu hiện vượt trội hơn trẻ trong học tập. Điều này có thể khiến trẻ thiếu tự tin.
Cha mẹ nên khuyến khích những trẻ cần chăm sóc đặc biệt đặt ra các mục tiêu và dạy trẻ hoàn thành các mục tiêu đó.
Hướng dẫn và giao nhiệm vụ cho trẻ
1. Chia thành nhiều bước nhỏ. Trẻ tăng động giảm chú ý thường bị choáng ngợp trước những nhiệm vụ dường như đơn giản. Bạn có thể giúp nhiệm vụ đó dễ hoàn thành hơn bằng cách chia thành các bước nhỏ hơn.
Các thầy cô giáo sẽ không giao nhiệm vụ cho học sinh bằng cách thông báo rằng chúng có bài luận dài 10 trang bao gồm các trích dẫn phải nộp trong vòng một tháng, rồi sau đó bỏ đi và chờ đợi học sinh hoàn thành. Họ sẽ phát cho học sinh các tờ hướng dẫn với các nhiệm vụ được chia nhỏ thành từng phần với thời hạn cần hoàn thành. Học sinh sẽ nhận phản hồi cho từng phần trong suốt quá trình làm bài. Cha mẹ cũng có thể làm như vậy với các nhiệm vụ ở nhà, lập thời gian biểu có ghi các hướng dẫn thích hợp.
Ví dụ: Nếu con bạn được giao nhiệm vụ giặt quần áo, bạn có thể chia thành các nhiệm vụ nhỏ hơn như cho quần áo, bột giặt và nước xả vào máy, bật máy giặt, lấy quần áo ra khi giặt xong, v.v…
2. Yêu cầu trẻ lặp lại điều bạn vừa nói. Để chắc chắn là trẻ có nghe và hiểu các chỉ dẫn, bạn hãy yêu cầu trẻ lặp lại điều bạn vừa nói.
Điều này cho phép bạn chắc chắn là trẻ hiểu và nói rõ hơn nếu cần thiết. Điều này cũng giúp trẻ củng cố nhiệm vụ trong đầu.
3. Dùng các phương tiện nhắc nhở. Có nhiều kiểu nhắc nhở có thể giúp trẻ ADHD duy trì sự tập trung vào nhiệm vụ.
Với nhiệm vụ dọn dẹp, bạn có thể tạo ra một hệ thống các hộp và ngăn kệ được mã hóa bằng màu sắc. Ghi nhãn hoặc dán hình ảnh cũng có thể giúp trẻ nhớ thứ gì cần phải bỏ vào đâu trong khi dọn dẹp.
Bản liệt kê các việc cần làm, bảng kế hoạch trong ngày, lịch hoặc bảng ghi nhiệm vụ cũng có thể giúp ích cho trẻ có các vấn đề về việc tập trung chú ý.
Ở trường, bạn hãy cố gắng sắp xếp một “bạn cùng học” để giúp nhắc trẻ về các bài tập cần hoàn thành.
4. Giúp đỡ trẻ trong vấn đề thời gian. Trẻ em nói chung thường không có ý thức chính xác về thời gian. Trẻ ADHD lại càng khó khăn hơn. Để giúp trẻ ADHD làm theo chỉ dẫn và và kịp giờ, điều quan trọng là giải quyết các vấn đề về thời gian.
Ví dụ: Bạn có thể cài đặt thiết bị hẹn giờ. Cho trẻ biết bạn muốn công việc phải hoàn thành trước khi tiếng chuông báo giờ vang lên. Hoặc bạn có thể bật bản nhạc quen thuộc của trẻ và nói rằng bạn muốn trẻ hoàn thành nhiệm vụ trước khi hết nhạc, hoặc trước khi một bài hát nào đó kết thúc.
5. Khen ngợi trẻ sau mỗi bước thực hiện. Mỗi khi trẻ hoàn thành một bước, bạn hãy khen ngợi trẻ. Điều này sẽ giúp xây dựng lòng tự trọng và ý thức hoàn thành ở trẻ.
Những lời khen ngợi sau mỗi nhiệm vụ cũng giúp tăng khả năng thành công của trẻ trong tương lai.
6. Đem lại niềm vui trong công việc. Việc biến nhiệm vụ thành trò chơi có thể giúp giảm áp lực mà trẻ ADHD có thể cảm thấy khi thực hiện một nhiệm vụ mới. Sau đây là một vài ý tưởng:
Dùng giọng nói ngộ nghĩnh để chỉ dẫn cho trẻ.
Thử chơi trò sắm vai. Giả vờ là một nhân vật nào đó trong truyện, phim hoặc chương trình tivi, hoặc gợi ý cho trẻ đóng giả. Ví dụ: Con bạn có thể ăn mặc như cô bé Lọ Lem khi làm việc nhà trong khi bạn bật nhạc phim “Cô bé Lọ Lem”.
Nếu trẻ bắt đầu căng thẳng, tiếp theo bạn hãy cho trẻ làm một nhiệm vụ vui vẻ, hoặc bảo trẻ làm những động tác hay âm thanh ngộ nghĩnh khi làm việc. Đừng ngại cho trẻ tạm nghỉ ngơi và ăn vặt nếu thấy tình hình trở nên quá khó khăn.
Đưa trẻ ADHD vào kỷ luật
1. Chuẩn bị trước. Cũng như bao trẻ khác, trẻ ADHD đôi khi cũng cần phải được đưa vào kỷ luật. Lời khuyên ở đây là bạn phải đặt kỷ luật sao cho hiệu quả để cho bộ não của trẻ ADHD có thể theo được. Bước đầu tiên thích hợp là chuẩn bị trước những tình huống khó xử.
Khi biết rằng bạn sắp ở trong tình huống khó khăn với trẻ (ví dụ như khi ở một nơi trẻ cần im lặng và ngồi yên một thời gian khá lâu), bạn hãy thảo luận với trẻ trước. Nói về các quy tắc, thỏa thuận về phần thưởng nếu trẻ tuân theo quy tắc và hình phạt nếu trẻ không nghe lời.
Tiếp đó, nếu trẻ bắt đầu “ngọ ngoạy”, bạn hãy yêu cầu trẻ nhắc lại quy tắc và hình phạt đã nói trước đó. Điều này thường là đủ để ngăn chặn hoặc chấm dứt hành vi không hay của trẻ.
2. Có thái độ tích cực. Nếu có thể, bạn hãy dùng phần thưởng thay vì hình phạt. Điều này sẽ tốt hơn cho lòng tự trọng của trẻ và cũng hiệu quả hơn trong việc khuyến khích các hành vi tốt.
Cố gắng tìm các hành vi tốt của trẻ và thưởng cho trẻ hơn là cố gắng tìm lỗi và phạt trẻ.
Chuẩn bị một thùng hoặc hộp đựng các phần thưởng nho nhỏ như những đồ chơi nhỏ, hình dán, v.v… Kiểu phần thưởng hữu hình này sẽ giúp ích rất nhiều trong việc khuyến khích hành vi tốt của trẻ. Sau một thời gian, bạn có thể cắt bớt các phần thưởng hữu hình và thay vào bằng những lời khen ngợi hoặc những cái ôm, v.v…
Một phương pháp mà nhiều bậc cha mẹ thấy hữu ích là hệ thống điểm thưởng. Trẻ được thưởng điểm nhờ hành vi tốt có thể dùng điểm để “mua” các “đặc quyền” hoặc những hoạt động nào đó. Điểm thưởng có thể đổi lấy một buổi xem phim hoặc được thức thêm 30 phút sau giờ phải đi ngủ, v.v... Thử đặt ra các điểm thưởng trong thời gian biểu của trẻ. Điều này có thể củng cố các hành vi tốt hàng ngày và xây dựng lòng tự trọng cho trẻ thông qua chuỗi thành tích.
Nếu có thể, bạn cũng nên cố gắng đặt ra các quy tắc tích cực trong nhà thay vì các quy tắc tiêu cực. Các quy tắc nên đặt ra hình mẫu về hành vi tốt thay vì bảo trẻ những việc không nên làm. Điều này sẽ cung cấp cho trẻ ADHD một hình mẫu nên làm theo thay vì khiến trẻ buồn về những việc không nên làm.
3. Hãy nhất quán. Trong trường hợp cần phải dùng hình phạt, bạn cần nhất quán về hình phạt vì hành vi không đúng mực của trẻ. Trẻ em cần biết khuôn phép. Trẻ cần biết về hình phạt nếu phá vỡ quy tắc, và hình phạt cần phải luôn như nhau mỗi lần trẻ phạm lỗi.
Cả cha và mẹ nên nhất trí về việc các hình phạt theo cùng một cách.
Hình phạt cần được áp dụng cho hành vi không đúng mực ở nhà cũng như ở nơi công cộng. Tính nhất quán là điều thiết yếu, và nếu bạn không thực hiện trước sau như một thì có thể khiến đứa trẻ trở nên bối rối hoặc bướng bỉnh.
Không bao giờ tranh cãi về hình phạt hoặc nhân nhượng khi trẻ nài nỉ hoặc thách thức. Nếu bạn nhân nhượng dù chỉ một lần, đứa trẻ sẽ thấy rằng có thể “thương lượng” về hình phạt và tiếp tục phạm lỗi.
Tương tự, bạn cần hạn chế phản ứng với hành vi xấu. Không phản ứng với hành vi xấu bằng cách quan tâm nhiều hơn. Sự quan tâm nhiều hơn chỉ dùng để làm phần thưởng cho hành vi tốt.
4. Hành động tức thời. Trẻ ADHD gặp khó khăn về khoảng thời gian tập trung chú ý và tư duy về “nguyên nhân và kết quả”. Do đó, điều quan trọng là bạn cần áp dụng hình phạt sau khi trẻ phạm lỗi càng sớm càng tốt.
Hình phạt áp dụng quá muộn sau khi trẻ phạm lỗi có thể không còn ý nghĩa. Các hình phạt này đối với trẻ có vẻ như độc đoán và bất công, khiến trẻ cảm thấy tổn thương và tiếp tục hành vi xấu.
5. Đảm bảo tính hiệu lực. Hình phạt phải đủ mạnh mới có tác dụng. Nếu hình phạt quá nhẹ, trẻ sẽ coi thường và tiếp tục phạm lỗi.
Ví dụ: Nếu hình phạt khi trẻ không chịu làm việc nhà chỉ là trẻ phải làm sau thì có lẽ không thực sự có tác dụng. Tuy nhiên việc không được phép chơi game tối hôm đó có thể là hình phạt thích đáng.
6. Giữ bình tĩnh. Không phản ứng mất bình tĩnh với các hành vi không ngoan của trẻ. Giữ giọng nói bình tĩnh và thái độ điềm nhiên khi áp dụng hình phạt.
Thái độ giận dữ hoặc xúc động của bạn có thể khiến trẻ ADHD căng thẳng hoặc lo sợ. Điều này không có ích.
Thái độ nổi giận của bạn cũng là tín hiệu báo cho trẻ biết trẻ có thể điều khiển bạn bằng hành vi xấu. Đặc biệt nếu trẻ tỏ thái độ để gây chú ý thì điều này đã khuyến khích hành vi xấu đó.
7. Dùng hình phạt time-out (cách ly hoặc úp mặt vào tường) hiệu quả. Một hình phạt phổ biến khi trẻ phạm lỗi là “time-out”. Đây có thể là chiến thuật hiệu quả để kỷ luật trẻ ADHD nếu được sử dụng đúng. Sau đây là một số chỉ dẫn:
Không dùng hình phạt này như một “án phạt tù”. Thay vào đó, bạn cần coi hình phạt này như một dịp để trẻ bình tĩnh lại và suy ngẫm về tình huống. Yêu cầu trẻ suy nghĩ về tình huống xảy ra và cách giải quyết. Bảo trẻ suy nghĩ làm sao để điều này không xảy ra nữa và hình phạt sẽ như thế nào nếu trẻ tái phạm. Sau khi hết thời gian phạt, bạn hãy nói chuyện với trẻ về các đề tài này.
Khi ở nhà, tìm một nơi để trẻ có thể đứng hoặc ngồi. Đây phải là nơi trẻ không thể xem tivi hoặc có các phương tiện tiêu khiển khác.
Đặt ra một khoảng thời gian nhất định mà trẻ phải ở yên một chỗ và bình tĩnh lại (thông thường không quá 1 phút cho mỗi năm tuổi của trẻ).
Khi cơ thể bắt đầu thoải mái hơn, trẻ sẽ ngồi yên một chỗ cho đến khi bình tĩnh lại. Có thể đến lúc này trẻ sẽ xin nói chuyện. Chìa khóa ở đây là cho trẻ thời gian và sự yên tĩnh. Khi thời gian chịu time-out có hiệu quả, bạn hãy khen trẻ vì đã làm tốt.
Đừng coi đây là một hình phạt; hãy coi đó là “nút reset”.
Các hoạt động không tốt đối với trẻ ADHD
Xem tivi, phim ảnh và video
Bố mẹ nên giới hạn thời gian con ở trước màn hình tivi tối đa là 1 giờ, đặc biệt khi con có tivi hay laptop riêng. Xem tivi và video là một hoạt động cô lập khiến con không rèn luyện thể chất và giao lưu với các bạn và đặc biệt có thể quá sức với trẻ ADHD. Các phụ huynh cũng nên cùng xem với con để có thể theo dõi nội dung và trò chuyện về những gì đang xem.
Ứng dụng và trò chơi điện tử
Thoạt nhìn, bạn có thể nghĩ rằng tất cả các hành động trong game đôi khi hữu ích cho trẻ mắc chứng ADHD. Thế nhưng, những nghiên cứu cho thấy rằng các trò chơi điện tử là một trong những nguyên nhân dẫn đến rối loạn chú ý, rối loạn giấc ngủ và các vấn đề về hành vi ở trẻ em mọi lứa tuổi.
Các hoạt động có thời gian chờ đợi lâu
Bất kỳ trò chơi hoặc hoạt động nào kéo dài hoặc đòi hỏi một chuỗi các bước dài để hoàn thành đều gây khó khăn cho con, bởi vì trẻ mắc chứng ADHD thường thiếu kiên nhẫn. Một số trò yêu cầu bé phải đứng xếp hàng dài tại công viên, giải mã các trò chơi phức tạp, hoạt động thể chất nhiều, chờ đợi rất lâu trước khi bắt đầu chơi.
Nếu con vẫn muốn chơi thì bố mẹ hãy chuẩn bị sẵn những món ăn vặt và đồ chơi nhỏ mà con thích như một quả bóng hoặc búp bê. Trong lúc chờ đợi, bố mẹ cũng có thể bày các trò đơn giản, nói chuyện hoặc kể một câu chuyện cho bé nghe.
Các biện pháp khác:
Xoa bóp (massage):
Xoa bóp đặc biệt có lợi giúp thư giãn đối với những thanh thiếu niên bị chứng rối loạn không tập trung-hiếu động. Trẻ được điều trị bằng phương pháp mát-xa thư giãn giúp trẻ trầm tĩnh hơn, ngủ ngon hơn, tránh được những cơn ác mộng khi ngủ, cải thiện được hành vi, biết lắng nghe, vâng lời cha mẹ hơn.
Phương pháp Tomatis:
Nguyên tắc của phương pháp này là dùng âm nhạc để điều trị cho trẻ mắc chứng rối loạn không tập trung và hiếu động, được khởi xướng bởi một bác sĩ người Pháp tên Alfred A. Tomatis. Theo ông, đây là một phướng pháp cho kết quả rất tốt. Chính âm nhạc làm cải thiện khả năng nghe của trẻ, bằng cách kích thích não bộ giúp trẻ tập trung vào âm thanh mà không bị phân tán. Vì vậy, người ta thường cho trẻ nghe nhạc Mozart, hòa tấu, thậm chí nghe giọng nói của người mẹ.
Phương pháp Tâm vận động:
Phương pháp này đòi hỏi một số trang bị về phòng ốc, các dụng cụ giáo dục đặc biệt và những kiến thức chuyên môn. Ở Pháp, Tâm vận động (Psychomotricité) là một chuyên ngành của trị liệu tâm lý, các chuyên viên tâm vận động được đào tạo với kỹ năng và kiến thức chuyên môn để có thể trị liệu cho từng độ tuổi khác nhau.
Lời khuyên
Sẵn sàng lặp lại điều bạn đã nói. Trẻ mắc chứng tăng động giảm chú ý có khoảng thời gian tập trung ngắn, do đó bạn thường phải nói đi nói lại. Cố gắng đừng bực bội.
Khi thấy mọi việc trở nên khó khăn, bạn hãy nhớ rằng trẻ cũng đang phải vật lộn với chứng bệnh này. Trong hầu hết các trường hợp, hành vi quấy nhiễu của trẻ là không cố ý.