Bình cu

Bình cu

Bình cu, Cỏ bung cu - Mollugo pentaphylla L., thuộc họ Rau đắng đất - Molluginaceae.

Mô tả Bình cu:

Bình cu là dạng cỏ không lông, nằm rồi đứng, có nhánh mảnh. Lá xếp 2-5 cái; phiến dài 2-3cm, rộng 2-3mm, không lông; lá không cuống. Cụm hoa xim ở nách lá, phía ngọn; hoa có cuống 1-3cm, phiến hoa xanh xanh, cánh hoa không có; nhị 3; bầu có 3 vòi nhụy. Quả nang xoan, to 2mm, mở bằng 3 mảnh; các hạt thường đính lại trên giá noãn trung trụ; hạt nâu đỏ, nhỏ, hình thận.

Sinh thái Bình cu:

Bình cu thường gặp trên đất cát khô, trên các bãi bồi ven sông, ven suối, dọc đường đi, trên đất trồng dãi nắng. Ra hoa từ tháng 11 đến tháng 2-3; có quả tháng 3-4.

Phân bố Bình cu:

Thái Nguyên, Phú Thọ, Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Kon Tum, Quảng Ngãi, Khánh Hoà, Đồng Nai, Bình Dương, Tp. Hồ Chí Minh. Còn có ở Ấn Độ, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan và các nước nhiệt đới khác.

Bộ phận dùng của Bình cu:

Toàn cây Bình cu - Herba Molluginis.

Tính vị, tác dụng của Bình cu:

Toàn cây và lá Bình cu đều có vị đắng, nhạt, chát, tính bình; có tác dụng kháng khuẩn tiêu viêm, thanh nhiệt, chỉ tả, lợi thấp.

Công dụng làm thuốc của Bình cu:

Người ta thường dùng cây Bình cu sắc nước uống hay pha uống để điều hòa kinh nguyệt; cũng dùng chữa đau bụng đi ngoài. Lá Bình cu dùng trị sốt có chu kỳ. Ở Trung Quốc, cây Bình cu được dùng trị trúng thử đau bụng tiêu chảy, mụn nhọt ghẻ ngứa, trẻ em cam tích; có nơi dùng trị viêm kết mạc cấp. Ở Ấn Độ, toàn cây Bình cu lợi tiêu hóa, điều vị, kháng sinh, nước hãm cây Bình cu cũng dùng điều kinh và lá dùng hạ sốt.

Các câu hỏi liên quan

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...