Bìm gai
Bìm gai, Bìm mụt - Ipomoea muricata (L.) Jacq. [Calonyction muricatum (L.) G.Don], thuộc họ Khoai lang - Convolvulaceae.
Mô tả Bìm gai:
Bìm gai là dạng dây leo mọc hàng năm, gần như không lông; thân mềm có mụt như gai hay không. Lá mọc so le; phiến hình tim rộng, dài 7-18cm, đầu nhọn. Cụm hoa ít hoa ở nách lá. Hoa có 5 lá đài giống nhau, dài 6-7mm; tràng màu tía, màu lam tim tím, có ống hẹp dài 3-6cm; nhị 5, không thò ra ngoài; bầu không lông. Quả nang xoan, cao 2cm, mở thành 4 mảnh; hạt 4, màu đen, cao 1 cm.
Sinh thái Bìm gai:
Bìm gai mọc hoang ven đường, ven rừng. Cũng thường được trồng làm cảnh. Hoa nở về đêm.
Phân bố Bìm gai:
Khánh Hoà, Đăk Lăk, Bà Rịa- Vũng Tàu. Còn có ở Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, các nước nhiệt đới châu Á và châu Phi.
Bộ phận dùng của Bìm gai:
Hạt Bìm gai - Semen Ipomoeae Muricatae.
Thành phần hóa học của Bìm gai:
Cây Bìm gai chứa nhựa như nhựa của Bìm bìm vàng (Khiên ngưu) - Merremia hederacea; hạt Bìm gai chứa 6,74% dầu cố định.
Tính vị, tác dụng của Bìm gai:
Hạt Bìm gai đắng; có tác dụng thông tiện noãn tả.
Công dụng làm thuốc của Bìm gai:
Ở Ấn Độ, hạt Bìm gai dùng thay thế hạt Khiên ngưu và dùng tán ra làm thuốc hạ sốt; dịch cây dùng diệt rệp.
ở Trung Quốc, hạt Bìm gai dùng xổ để giải độc.