Bị kim tiêm nghi có HIV đâm trúng thì phải làm gì?
Bạn đọc Thủy Tiên (44 tuổi) hỏi: Hôm trước tôi lên mạng có thấy thông tin một người chia sẻ là có một người vào rạp chiếu phim, vô tình phát hiện trên ghế ngồi trong rạp có kim tiêm dính máu của ai đó gài trên ghế. Đọc xong thông tin này tôi hoang mang, không biết thực hư ra sao. Nếu lỡ bị đạp phải kim tiêm hay vô tình ngồi trúng như trường hợp trên thì tôi phải làm sao? Uống thuốc phòng chống HIV ở đâu? ...
Bác sĩ Trần Lê Việt Thanh, Trưởng Phòng khám G-link, trả lời
: Trường hợp bị giẫm phải bơm kim tiêm hoặc vì lý do nào đó bị kim tiêm đã qua sử dụng đâm trúng và nghi ngờ phơi nhiễm HIV thì nên nhanh chóng rửa vết thương đó dưới vòi nước sạch hoặc nước muối sinh lý NaCl 0.9% từ 5-10 phút, tùy mức độ vết thương. Nếu có chảy máu nên để máu tự chảy ra một thời gian ngắn sau đó, rửa lại bằng nước sạch và xà phòng. Nhiều người hay nghĩ rằng khi đâm phải kim tiêm thì nặn hay bóp chỗ vết thương cho máu chảy ra để không bị dính H. Tuy nhiên, đó là việc làm tối kỵ, vì dễ làm vết thương rộng ra và đưa virus H. vào máu nhanh hơn.
Sau đó, nhanh chóng đi tìm nơi có thuốc PEP (điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV) để uống càng sớm càng tốt, giờ vàng là từ 2-6 giờ sau phơi nhiễm; vẫn có thể uống trong vòng 72 giờ sau phơi nhiễm. Sau khi uống xong 28 ngày sẽ xét nghiệm kiểm tra lại HIV; sau 1 tháng và 3 tháng sau phơi nhiễm. Trong bất kỳ tình huống nào xảy ra, bệnh nhân cũng phải hết sức bình tĩnh, vì nhiễm H cũng giống như những căn bệnh mãn tính khác, có thể điều trị bằng thuốc.
Người nhiễm HIV/AIDS nếu được phát hiện sớm và kịp thời điều trị bằng thuốc kháng virus ARV, vẫn có thể sống và cống hiến như những người khỏe mạnh. Tuy nhiên, những người nhiễm H có thể trở thành nguồn lây nhiễm cho cộng đồng nếu không được tư vấn và tiếp cận các dịch vụ dự phòng, đặc biệt là dịch vụ điều trị ARV sớm.
Trịnh Thiệp ghi