Bệnh Xuất Huyết Não

Bệnh Xuất Huyết Não

Bệnh Xuất huyết não là gì?

Xuất huyết não hoặc xuất huyết nội sọ (ICH) là một loại đột quỵ, xảy ra khi máu đột nhiên tràn vào mô não, gây tổn thương não. Khi máu từ tổn thương kích thích các mô não thì sẽ gây ra phù não, máu tập trung thành một khối gọi là tụ máu. Tình trạng này làm tăng áp lực lên các mô xung quanh, cuối cùng giết chết các tế bào não.

Chảy máu có thể xảy ra bên trong, giữa và màng bao bọc não, giữa các lớp màng não hoặc giữa hộp sọ và phần bao ngoài của não.

Nếu bạn gặp phải tình trạng này thì cần điều trị ngay lập tức. Hầu hết người mắc bệnh sẽ bị thương tật vĩnh viễn ở một mức độ nào đó, một số người có cơ hội hồi phục hoàn toàn. Biến chứng có thể bao gồm đột quỵ, mất chức năng não, tác dụng phụ của thuốc hoặc phương pháp điều trị. Ngoài ra căn bệnh trên nếu bị phát hiện chậm trễ có thể dẫn đến mất ý thức hoặc tử vong. Theo các chuyên gia sức khỏe, 13% các ca đột quỵ xảy ra do chảy máu não.

Những ai thường mắc phải bệnh xuất huyết não (xuất huyết nội sọ)?

Bệnh xuất huyết não cực kỳ phổ biến và có thể ảnh hưởng bệnh nhân ở bất kỳ lứa tuổi nào nhưng thường gặp ở nam giới nhiều hơn nữ giới. 

Nguyên nhân gây ra bệnh Xuất huyết não

Nguyên nhân gây ra bệnh xuất huyết não (xuất huyết nội sọ) là gì?

1. Chấn thương đầu

Chấn thương là nguyên nhân phổ biến nhất gây chảy máu trong não ở những người dưới 50 tuổi.

2. Tăng huyết áp

Tình trạng mãn tính này làm suy yếu thành mạch máu, nếu không điều trị, tăng huyết áp có thể là nguyên nhân chính gây xuất huyết não.

3. Chứng phình động mạch

Đây là sự suy yếu thành mạch máu, có thể vỡ và chảy máu vào não, dẫn đến đột quỵ.

4. Mạch máu bất thường (dị dạng động tĩnh mạch)

Sự suy yếu các mạch máu trong và xung quanh não có thể xuất hiện lúc mới sinh và chỉ có thể chẩn đoán được khi có triệu chứng.

5. Bệnh mạch máu dạng bột

Đây là sự bất thường của các thành mạch máu, đôi khi xảy ra cùng với sự lão hóa và tăng huyết áp. Tình trạng này có thể gây ra các vi xuất huyết khó nhận biết trước khi gây ra xuất huyết nặng.

6. Rối loạn đông máu

Hemophilia và bệnh hồng cầu hình liềm có thể góp phần giảm số lượng tiểu huyết cầu.

7. Bệnh gan

Tình trạng này có liên quan đến chảy máu nghiêm trọng nói chung.

Ngoài ra các khối u não, phình mạch hoặc các bất thường mạch máu cũng có thể gây ra tình trạng này.

Bên cạnh đó, thói quen hút thuốc lá, cholesterol trong máu cao, nghiện rượu, béo phì, ít hoạt động, phụ nữ lạm dụng thuốc tránh thai... cũng là những yếu tố nguy cơ gây ra căn bệnh trên.

Triệu chứng dễ nhận thấy khi bị bệnh Xuất huyết não

Bình thường người bệnh xuất huyết não thường khỏe mạnh vẫn hoạt động sinh hoạt bình thường nhưng khi bị xuất huyết não thì đột ngột xuất hiện các triệu chứng:

- Liệt nửa người bên trái hoặc bên phải:

Giảm hoặc mất vận động ở 1 nửa bên thân trái hoặc phải.

- Liệt nửa mặt:

Liệt cùng bên hoặc khác bên so với liệt nửa thân, các nếp nhăn bên liệt mờ hơn bên lành, dễ chảy nước dãi ở bên liệt, không thổi lửa được...

- Rối loạn ngôn ngữ:

Nói khó, nói ngọng, hoặc cũng có thể không đọc hay nói được...

- Rối loạn về nuốt:

Nuốt khó, nuốt dễ bị sặc, không nhai được...

- Rối loạn cơ tròn:

Đại tiện và đi tiêu không tự chủ, bí tiểu, gây nhiều khó khăn khi vệ sinh...

- Rối loạn nhận thức:

Lú lẫn, lơ mơ, thờ ơ, suy giảm trí nhớ...

- Rối loạn hô hấp:

Dễ bị suy hô hấp, tụt lưỡi, sặc tắc đờm...

- Rối loạn phản xạ:

Giảm hoặc tăng phản xạ gân xương ở bên liệt.

Cách điều trị bệnh xuất huyết não

Khi nhập viện, các bác sỹ sẽ:

- Chỉ định thuốc và các điều trị khác để giảm tổn thương não do xuất huyết.

- Chỉ định dùng thuốc hạ huyết áp nếu huyết áp tăng quá cao.

- Yêu cầu bạn ngừng sử dụng các thuốc làm loãng máu. Nếu bạn đang sử dụng các loại thuốc này thì bác sỹ sẽ làm đông máu giúp ngừng xuất huyết.

- Làm các xét nghiệm xác định nguyên nhân xuất huyết.

- Theo dõi áp lực nội sọ để đảm bảo không tăng quá cao.

Tùy vào từng triệu chứng cụ thể của từng bệnh nhân mà có thể có chỉ định phẫu thuật. Các bác sỹ tiến hành làm phẫu thuật nhằm mục đích:

- Dẫn lưu máu tụ nếu như nó gây ra chèn ép não hay phù não.

- Làm ngừng xuất huyết trong não và nút mạch máu bị vỡ.

Cách phòng chống bệnh xuất huyết não

Bạn sẽ có thể kiểm soát bệnh này nếu áp dụng các biện pháp sau:

- Điều trị tăng huyết áp:

Nghiên cứu cho thấy 80% bệnh nhân xuất huyết não có tiền sử tăng huyết áp. Thường xuyên kiểm tra huyết áp đối với người có tiền sử bị bệnh cao huyết áp hoặc những người tuy chưa được chẩn đoán là bị cao huyết áp, nhưng có những triệu chứng đau đầu, chóng mặt hoặc có người nhà bị bệnh cao huyết áp cần chú ý thường xuyên kiểm tra đo huyết áp. Nếu phát hiện bị cao huyết áp cần tích cực khống chế, uống thuôc giúp điều hòa huyết áp.

- Hạn chế các tình huống gây xúc động mạnh:

Tránh hưng phấn quá độ, kích động mạnh, lo nghĩ, buồn phiền nhiều, bảo trì trạng thái tinh thần lạc quan, sống thanh thản, độ lượng, vị tha, yêu đời.

- Có chế độ sinh hoạt khoa học:

Sinh hoạt mọi mặt có quy luật, nề nếp, bảo đảm ngủ đủ giấc, đúng giờ, tránh thức khuya, căng thẳng, hạn chế ăn uống, khống chế thể trọng, chống béo phì, cai thuốc lá, tránh uống nhiều bia rượu.

- Hãy cẩn thận với một số chất như cocaine vì có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết não.

- Lái xe cẩn thận và thắt dây an toàn.

- Nếu bạn đi xe máy, hãy luôn đội mũ bảo hiểm.

- Hãy cẩn thận với Coumadin®, còn gọi là warfarin. Nếu bạn sử dụng thuốc này thì cần được bác sĩ theo dõi kỹ lưỡng để tránh rối loạn đông máu.

- Kiểm soát bệnh tiểu đường.

- Duy trì lối sống lành mạnh.

Các câu hỏi liên quan

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...