Bệnh Viêm Tụy
Bệnh viêm tụy là gì?
Bệnh viêm tụy (tên tiếng Anh là Acute Pancreatitis) dùng để chỉ tình trạng viêm của tụy. Tụy là một tuyến lớn nằm sau dạ dày và gần tá tràng. Tụy tiết ra các men tiêu hoá đổ vào tá tràng qua ống tuỵ để giúp tiêu hoá mỡ, các protein, chất đường bột trong thức ăn hàng ngày. Tụy còn tiết ra các hoạt chất vào máu, giúp cơ thể sử dụng đường glucose từ thức ăn để làm năng lượng hoạt động.
Tụy là một tuyến lớn nằm sau dạ dày và gần tá tràng.
Nguyên nhân gây ra bệnh viêm tụy là gì?
Nghiện rượu và sỏi mật là hai nguyên nhân chính gây viêm tụy, chiếm khoảng 80 - 90% các trường hợp.
Viêm tụy do rượu thường xuất hiện ở những bệnh nhân uống rượu trong một thời gian dài, ít nhất từ 5 - 7 năm. Hầu hết những trường hợp viêm tụy mãn tính đều do nghiện rượu.
Sỏi mật thường được tạo ra từ những chất có trong túi mật, hoặc do những cơ quan khác trong ổ bụng. Sỏi mật có thể làm tắc nghẽn ống tụy làm dịch tụy không thể thoát ra khỏi ống tụy. Viêm tụy do sỏi mật thường gặp ở phụ nữ trên 50 tuổi.
Viêm tụy do sỏi mật thường gặp ở phụ nữ trên 50 tuổi.
Ngoài ra, 10% - 20% trường hợp viêm tụy còn lại là do những nguyên sau:
- Thuốc.
- Tiếp xúc với một số hóa chất.
- Tổn thương (chấn thương) do tai nạn xe hoặc té ngã gây chấn thương bụng.
- Những bệnh lý di truyền.
- Phẫu thuật và một số thủ thuật ngoại khoa.
- Bệnh nhiễm trùng, chẳng hạn như sởi (ít gặp).
- Dị dạng tụy hay ruột.
- Mỡ trong máu cao.
Tuy nhiên cũng có khoảng 15% trường hợp viêm tụy cấp và 40% trường hợp viêm tụy mãn không biết rõ nguyên nhân.
Triệu chứng dễ nhận thấy ở bệnh viêm tụy là gì?
Đau là triệu chứng thường gặp nhất của viêm tụy. Cơn đau có thể xuất hiện đột ngột hoặc từ từ tăng dần. Nếu đau xuất hiện đột ngột, đó là một dấu hiệu thường gặp trong các trường hợp nặng. Nếu đau diễn tiến từ từ, bệnh có thể khởi đầu nhẹ nhưng cũng có thể trở nên nặng.
Đau thường tập trung ở nửa bụng trên hoặc vùng bụng trên bên trái. Đau có thể lan ra sau lưng.
Đau thường kéo dài trong vài ngày.
Đau thường xuất hiện hoặc nặng hơn khi ăn.
Đau tăng lên khi nằm ngửa.
Cơn đau có thể xuất hiện đột ngột hoặc từ từ tăng dần.
Ngoài ra những người bị viêm tụy cấp có thể cảm thấy mệt mỏi. Bên cạnh triệu chứng đau, bệnh nhân còn có thể có những triệu chứng khác như:
+ Buồn nôn (một số người có thể nôn ra ngoài nhưng sau đó vẫn không làm giảm cảm giác buồn nôn).
+ Sốt, ớn lạnh, hoặc cả hai.
+ Bụng chướng và nhạy cảm khi chạm.
+ Nhịp tim nhanh (có thể do đau hoặc sốt, cũng có thể do phản xạ bù trừ khi bệnh nhân bị xuất huyết nội).
Trong những trường hợp nặng bị nhiễm trùng hoặc chảy máu, cơ thể bệnh nhân có thể bị mất nước và huyết áp thấp với những triệu chứng sau:
+ Yếu hoặc cảm thấy mệt.
+ Hoa mắt, chóng mặt.
+ Hôn mê.
+ Dễ bị kích thích.
+ Bồn chồn hoặc khó tập trung.
+ Đau đầu.
Cách điều trị bệnh viêm tụy
Ăn kiêng
Trong hầu hết các trường hợp, tự điều trị tại nhà không thể chữa khỏi bệnh Viêm tụy. Tuy nhiên bệnh nhân có những triệu chứng nhẹ có thể điều trị tại nhà theo những phương pháp như sau:
- Ngưng tất cả các chất có cồn như rượu, bia.
- Tránh những thức ăn có nhiều dầu mỡ, sữa bò, phô mai. Những thức ăn này có thể làm quá trình viêm tiến triển nặng hơn.
- Sử dụng những thuốc giảm đau thông thường không cần kê toa.
Thuốc giảm đau
- Viêm tụy có thể gây ra cơn đau dữ dội. Bác sĩ sẽ cung cấp cho bạn các loại thuốc giúp kiểm soát cơn đau.
Điều trị viêm tụy cấp
Trong viêm tụy cấp, việc lựa chọn hướng điều trị được dựa vào mức độ của người bệnh. Nếu không có biến chứng, những phương pháp điều trị sau đây thường nhằm làm giảm triệu chứng và nâng cao thể trạng để tụy có thể hồi phục lại:
- Hầu hết những bệnh nhân đang trong cơn viêm tụy cấp được đề nghị nhập viện.
- Những bệnh nhân khó thở sẽ được cho thở oxy.
Những bệnh nhân khó thở sẽ được cho thở oxy.
- Truyền tĩnh mạch, thường ở cẳng tay để có thể truyền thuốc và dịch qua đường này. Dịch được cung cấp để bù vào lượng nước đã mất do nôn hoặc bệnh nhân không uống nước được, giúp bệnh nhân cảm thấy khỏe hơn.
- Nếu cần thiết, bệnh nhân sẽ được cho thuốc chống nôn và giảm đau.
- Kháng sinh được sử dụng nếu bác sĩ nghi ngờ có nhiễm trùng.
- Không được ăn hay uống bằng đường miệng trong vòng vài ngày để cho ruột có thời gian được nghỉ ngơi. Bằng cách này, ống tiêu hóa và tụy sẽ có cơ hội để bắt đầu hồi phục.
- Một số bệnh nhân sẽ cần phải sử dụng ống sond mũi - dạ dày, là một ống nhựa dẻo được đặt xuyên qua mũi để đi xuống dạ dày để hút dịch dạ dày ra ngoài giúp ruột có thể nghỉ ngơi và tụy có thời gian hồi phục.
- Nếu cơn đau kéo dài hơn vài ngày, thức ăn có thể sẽ được cung cấp qua đường tĩnh mạch.
Điều trị viêm tụy mãn tính
Trong viêm tụy mãn tính, hướng điều trị chú ý vào giảm đau và tránh làm tình trạng nặng thêm của tụy. Những hướng điều trị sau đây giúp làm tăng khả năng ăn và tiêu hóa của bệnh nhân:
- Thuốc giảm đau trong trường hợp đau nặng.
- Chế độ ăn giàu carbonhydrate ít béo và chia nhỏ bữa ăn thành nhiều lần có thể ngăn không cho tình trạng của tụy tiến triển xấu đi. Nếu bệnh nhân cảm thấy rắc rối khi thực hiện chế độ ăn này, các enzyme tụy sẽ được cung cấp cho bệnh nhân dưới dạng thuốc viên để giúp tiêu hóa thức ăn.
- Bệnh nhân được chẩn đoán viêm tụy mãn tính sẽ được đề nghị ngưng uống rượu hoàn toàn.
- Nếu tụy không sản xuất đủ insulin để điều hòa lượng đường trong máu, có thể cần phải sử dụng đến insulin theo đường chích.
Phẫu thuật
- Nếu nguyên nhân của viêm tụy là do sỏi mật, có thể cần phải phẫu thuật đề cắt túi mật và lấy sỏi ra ngoài.
- Nếu xuất hiện những biến chứng (tổn thương tụy lan rộng, chảy máu, nang giả tụy, hoặc áp xe), cần phải phẫu thuật để dẫn lưu hoặc lấy đi những mô bị ảnh hưởng.
Phòng chống bệnh viêm tụy
- Ngừng uống rượu.
- Ngừng hút thuốc.
- Chọn chế độ ăn ít chất béo. Ăn nhiều trái cây tươi và rau quả, ngũ cốc, protein nạc.
- Uống nhiều nước hơn.
- Vitamin và khoáng chất bổ sung, chẳng hạn như vitamin A, C và selen, có thể giúp làm giảm nhu cầu thuốc giảm đau ở những người viêm tụy.
- Viêm tụy cấp do giun: Cần tẩy giun định kỳ 4-6 tháng/lần.
- Viêm tụy cấp do tăng Triglyceride: Điều trị hạ mỡ máu - giảm tối đa ăn chất béo, đặc biệt chất béo có nguồn gốc động vật như: lòng đỏ trứng, mỡ, phủ tạng động vật, hạn chế cân nặng đối với người thừa cân hoặc béo phì, tăng cường ăn nhiều rau và chất xơ.