Bệnh Viêm Dạ Dày Ruột
Bệnh viêm dạ dày ruột là gì?
Viêm dạ dày ruột còn được biết đến là tình trạng viêm niêm mạc ruột, thường do nhiễm trùng gây ra. Đa phần các bệnh nhiễm trùng thường do một loại virus gây ra tuy nhiên vi khuẩn hoặc ký sinh trùng cũng có thể là tác nhân dẫn tới tình trạng này. Thông thường nó lây lan qua thực phẩm hoặc nước bị ô nhiễm và tiếp xúc với người bệnh. Bên cạnh đó dấu hiệu thường gặp nhất ở căn bệnh này là mất nước. Điều này xảy ra khi bệnh nhân bị mất quá nhiều chất lỏng do nôn mửa hoặc tiêu chảy.
Hiện tại căn bệnh này khá phổ biến, và đối tượng bị ảnh ảnh hưởng nhiều nhất là trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người lớn tuổi và những người có hệ miễn dịch yếu.
Nguyên nhân gây ra viêm dạ dày ruột là gì?
Hiện nay, nguyên nhân chủ yếu có thể gây ra căn bệnh này là nhiễm virus, nhiễm khuẩn hoặc nhiễm ký sinh trùng. Các vi sinh vật này thường lây lan qua thực phẩm hoặc nước bị ô nhiễm và tiếp xúc từ người bệnh.
Đối với nhiễm virus, Norovirus và Rotavirus được xem là loại virus phổ biến nhất gây bệnh viêm dạ dày ruột.
Trong một số trường hợp hiếm, vi khuẩn E.coli và Salmonella cũng có thể gây ra căn bệnh này. Những loại này thường tìm thấy trong thịt gia cầm chưa nấu chín....
Ngoài các nguyên nhân đã nêu ở trên thì các yếu tố sau đây có thể gia tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:
- Người cao tuổi thường có hệ thống miễn dịch yếu khiến họ dễ bị nhiễm trùng hơn. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cũng có hệ thống miễn dịch yếu.
- Hệ thống miễn dịch yếu. Các tình trạng sức khỏe có thể làm giảm hệ miễn dịch như HIV và AIDS cũng như sau hóa trị.
- Các khu vực nước kém vệ sinh.
- Vệ sinh kém.
Những triệu chứng viêm dạ dày ruột là gì?
Thông thường căn bệnh này xuất hiện rất nhiều triệu chứng, tuy nhiên các triệu chứng sau đây thường gặp nhất của căn bệnh này chẳng hạn như:
- Đau hoặc co thắt bụng.
- Tiêu chảy.
- Buồn nôn và ói mửa.
- Giảm cân.
- Sốt.
- Ớn lạnh hoặc đau đầu.
Ngoài ra, tùy thuộc vào nguyên nhân, các triệu chứng này có thể xảy ra 1–3 ngày sau khi bị nhiễm bệnh và thường kéo dài 1-2 ngày hoặc có thể đến 10 ngày.
Tuy nhiên bệnh nhân cần khám bác sĩ nếu nằm trong những trường hợp sau đây:
- Phân lỏng liên tục trong 24 giờ hoặc có máu trong phân.
- Ói mửa kéo dài hơn 2 ngày hoặc nôn ra máu.
- Nếu bị mất nước (dấu hiệu bao gồm khát nước, khô miệng, nước tiểu vàng đậm, ít hoặc không có nước tiểu, chóng mặt).
- Sốt từ 40°C trở lên.
Đối với trẻ sơ sinh và trẻ em:
- Bị sốt cao 38,9°C.
- Nhõng nhẽo hay cáu kỉnh.
- Có vẻ uể oải hay yếu.
- Tiêu chảy ra máu.
- Có dấu hiệu mất nước.
- Nôn mửa kéo dài hơn vài giờ.
- Tã không ướt trong vòng 6 giờ.
- Giấc ngủ bất thường.
Những phương pháp điều trị viêm dạ dày ruột như thế nào?
Cho đến nay để điều trị căn bệnh này bác sĩ thường kê toa thuốc cho bệnh nhân để quản lý và giảm triệu chứng. Còn đối với những trường hợp nhiễm vi khuẩn bệnh nhân có thể được chỉ định dùng kháng sinh. Ngoài ra bệnh nhân cần nghỉ ngơi và uống nhiều nước.
Nếu bạn đang nghi ngờ mình bị viêm dạ dày ruột, thì hãy thực hiện những điều sau đây:
- Dừng ăn trong một vài giờ để dạ dày được nghỉ ngơi.
- Uống nhiều chất lỏng.
- Dần dần bắt đầu ăn những thức ăn dễ tiêu hóa. Những thực phẩm này có thể bao gồm bánh quy giòn, chuối hoặc cháo.
- Tránh sữa, rượu, cà phê, thực phẩm rắn hoặc béo.
- Nghỉ ngơi nhiều.