Bệnh Uốn Ván
Bệnh Uốn ván là gì?
Uốn ván hay còn gọi là bệnh phong đòn gánh. Khi bị trầy xát hoặc có vết thương và tiếp xúc trực tiếp với trực khuẩn Uốn ván Clostridium tetani có trong đất, cát bụi, phân trâu bò ngựa, gia cầm, cống rãnh, dụng cụ phẫu thuật không tiệt trùng kỹ..., vi khuẩn xâm nhập vào các vết thương, vết xây xát phát triển thành ổ nhiễm trùng gây bệnh Uốn ván. Trẻ hiếu động dễ bị trầy xước bởi những vật dụng gỉ sét (nơi chứa nhiều vi khuẩn) sẽ dễ bị nhiễm bệnh nếu chưa được tiêm chủng. Không những thế vi khuẩn Uốn ván này tạo ra chất độc gây tổn thương thần kinh. Các cơ bắp được điều khiển bởi những dây thần kinh này sẽ bị cứng và tê liệt. Nếu không được điều trị nhanh chóng, bệnh có thể dẫn đến tử vong, khi cơ hô hấp ngưng hoạt động. Các loại uốn ván bao gồm uốn ván toàn thân, cục bộ và sơ sinh (trẻ sơ sinh). Bệnh uốn ván không lây nhiễm và có vắc xin uốn ván ngăn ngừa.
Ngoài ra bệnh thường xuất hiện rải rác ở các vùng nông thôn, ở các nước không có chương trình tiêm chủng thì bệnh ở trẻ sơ sinh và người trẻ tuổi chiếm tỷ lệ cao.
Đôi khi có trường hợp uốn ván sau phẫu thuật, nạo thai trong những điều kiện không vệ sinh. Có trường hợp tổ chức của cơ thể bị hoại tử và các dị vật xâm nhập vào cơ thể bị nhiễm bẩn tạo ra môi trường yếm khí cho các nha bào uốn ván phát triển.
Đối tượng dễ bị Uốn ván là ai?
Trẻ sơ sinh bị uốn ván sơ sinh là do nha bào uốn ván xâm nhập qua dây rốn trong khi sinh đẻ vì cắt rốn bằng dụng cụ bẩn hoặc sau khi sinh, trẻ không được chăm sóc rốn sạch sẽ, băng đầu rốn bị cắt không vô khuẩn nên đã bị nhiễm vi khuẩn Uốn ván.
Người lớn: Người làm vườn, người làm việc ở các trang trại, dọn vệ sinh cống rãnh, chuồng trại, các nông trường chăn nuôi gia súc và gia cầm, công nhân xây dựng các công trình là những người có nguy cơ cao.
Nguyên nhân gây ra bệnh Uốn ván
Bệnh Uốn ván không lây từ người sang người. Vi khuẩn Uốn ván có khắp nơi trong môi trường như cống rãnh, đất cát, phân gia súc và gia cầm, dụng cụ phẫu thuật không tiệt trùng kỹ...
Vi khuẩn Uốn ván có thể xâm nhập vào vết xây xước và vết thương phát triển thành ổ nhiễm trùng gây bệnh Uốn ván như:
- Thiếu hệ miễn dịch – hệ miễn dịch không nhận được thuốc tiêm phòng kịp thời để chống lại bệnh uốn ván.
- Vết thương đau buốt do bào tử uốn ván.
- Sự xuất hiện của vi khuẩn gây nhiễm bệnh khác.
- Mô bị tổn thương.
- Tình trạng sưng tấy xung quanh vết thương.
Những vết thương sau có thể gây ra uốn ván:
- Vết thương hở, bao gồm xăm mình, xỏ khuyên, vết tiêm.
- Vết thương do đạn bắn.
- Gãy xương hở.
- Bỏng.
- Vết thương do phẫu thuật.
- Nhiễm trùng tai.
- Vết cắn của động vật.
- Vết loét bị nhiễm trùng ở chân.
Triệu chứng bệnh uốn ván
Bệnh Uốn ván thường có có những dấu hiệu gồm các triệu chứng như sau:
1. Uốn ván toàn thân là loại phổ biến nhất:
Triệu chứng uốn ván toàn thân là cơ có thể bị căng cứng và xuất hiện những cơn co giật đau đớn trong vòng 7 ngày sau khi bị thương hoặc vi khuẩn xâm nhập. Các cơ bị ảnh hưởng hầu hết thường ở hàm, cổ, vai, lưng, bụng trên, tay và đùi. Cơ mặt bị co lại nên mặt bị nhăn. Một số người bị co giật cơ mạnh, đau đớn khắp toàn thân. Bệnh có thể nhẹ (cơ co cứng với vài cơn co giật), vừa (cứng hàm và khó nuốt) hoặc nặng (co giật dữ dội hoặc ngưng thở).
2. Uốn ván cục bộ không phổ biến:
Triệu chứng uốn ván cục bộ xuất hiện ở các cơ gần vết thương.
3. Rối loạn hệ thần kinh thực vật:
Như huyết áp tăng thất thường, nhịp tim nhanh, loạn nhịp tim, sốt cao, vã mồ hôi. Một số biến chứng về tim mạch có thể gặp là hạ huyết áp và chậm nhịp tim, đôi khi xuất hiện ngừng tim đột ngột. Những biến chứng khác là viêm phổi, gãy xương, vỡ cơ, loét do nằm và ly giải cơ vân.
4. Uốn ván ở trẻ sơ sinh:
Thường khởi phát trong 2 tuần đầu sau khi sinh với các dấu hiệu: trẻ bỏ bú, cứng cơ và các cơn co cứng, thường là uốn ván toàn thân và dễ dẫn đến tử vong nếu không điều trị.
5. Uốn ván cục bộ:
Thường ít gặp, biểu hiện chỉ giới hạn ở các cơ gần vết thương, đây là thể nhẹ, tiên lượng tốt. Uốn ván đầu là một hình thái hiếm gặp của uốn ván cục bộ, diễn ra sau chấn thương đầu hay nhiễm khuẩn tai. Các triệu chứng gồm cứng hàm, rối loạn chức năng một hoặc nhiều dây thần kinh sọ, thường gặp là dây số 7, tỷ lệ tử vong cao.
Cách điều trị bệnh uốn ván
Bác sĩ sẽ điều trị bệnh uốn ván bằng cách loại bỏ nguồn độc tố, giải độc, ngăn chặn và điều trị những cơn co giật cơ cho bạn, bao gồm:
- Tất cả các vết thương phải được rửa sạch và loại bỏ mô chết. Dùng thuốc kháng sinh để diệt khuẩn.
- Bạn sẽ được tiêm phòng loại thuốc kháng độc được gọi là globulin miễn dịch với uốn ván người để giải độc.
- Thuốc diazepam và thuốc an thần sẽ giúp kiểm soát những cơn co giật.
- Nếu bạn bị cứng hàm, khó nuốt và co giật cơ, bạn có thể cần máy thở.
- Bệnh uốn ván có thể kéo dài 2 đến 3 tháng. Việc hồi phục hoàn toàn có thể mất 4 tháng. Vật lý trị liệu sẽ giúp cơ khỏe mạnh lại.
Phòng chống bệnh Uốn ván
Khi bị Uốn ván mặc dù được điều trị tích cực nhưng vẫn có trường hợp người bị bệnh tử vong, do vậy việc phòng bệnh Uốn ván thường dễ hơn là chữa bệnh. Sau đây là các cách phòng bệnh Uốn ván:
Ảnh minh họa
- Thực hiện tiêm phòng Uốn ván:
+Ở nước ta, tiêm phòng uốn ván được triển khai trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ dưới 1 tuổi. Thường phối hợp với vaccine ho gà và bạch hầu (DPT). Tiêm từ tháng thứ 2 trở đi, ba lần liên tiếp, cách nhau 1 tháng. Tuy nhiên, lần tiêm nhắc lại sau 3 - 5 năm chưa được chú trọng.
+ Phụ nữ có thai được tiêm phòng 2 lần vào quý cuối và 1-2 tuần trước khi sinh.
+ Hữu hiệu nhất là tiêm phòng cho toàn dân. Tiêm liên tiếp 3 mũi, cách nhau một tháng, 5 năm rồi 10 năm tiếp theo, tiêm nhắc lại mỗi lần một mũi, có tác dụng phòng bệnh gần như suốt đời. Bệnh nhân sau khi khỏi uốn ván cũng phải tiêm phòng.
+ Cải thiện chất lượng các nhà hộ sinh cơ sở, nâng cao kiến thức vệ sinh cho nhân dân cũng làm giảm tỷ lệ uốn ván sơ sinh đáng kể, nhất là những vùng chưa tiêm phòng rộng rãi được.
- Ngay cả khi người mẹ đã được tiêm vắc-xin phòng Uốn ván, cũng khuyến khích đẻ vô trùng.
- Khi bị thương, xây xước bởi đinh, sắt, cát, bụi bẩn… cần xử lý sạch vết thương ngay, sau đó cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn, tiêm phòng Uốn ván và có thể được điều trị hoặc tự chăm sóc tại nhà tùy theo mức độ tổn thương.
- Giữ vệ sinh vết thương sạch sẽ phòng nhiễm trùng và hoại tử.
- Kể cả những người đã từng mắc Uốn ván cũng không có miễn dịch tự nhiên nên vẫn cần phải tiêm phòng khi có yếu tố nguy cơ kể trên.
- Uống thuốc kháng sinh để tránh nhiễm trùng theo chỉ định của bác sỹ.
- Khi phát hiện triệu chứng của bệnh Uốn ván, cần đến ngay bệnh viện càng sớm càng tốt để được khám và điều trị kịp thời.
Hi vọng qua bài viết này thì mọi người đã cập nhật thêm được kiến thức sức khỏe cho gia đình mình, từ đó có thể phòng ngừa cũng như phát hiện sớm bệnh để được điều trị kịp thời.