Bệnh ung thư phổi
Bệnh ung thư phổi là gì?
Ung thư phổi là căn bệnh có sự xuất hiện của những khối u ác tính trong các tế bào của ống dẫn khí. Nếu người bệnh không được điều trị kịp thời, khối u này sẽ dần lan ra ngoài phổi và đi đến các mô hoặc bộ phận khác trong cơ thể, đây cũng được biết đến là quá trình di căn.
Hầu hết, các loại ung thư khởi nguồn từ trong phổi được gọi là ung thư biểu mô. Có 2 loại ung thư chính là ung thư phổi tế bào nhỏ (SCLC) và ung thư phổi không phải tế bào nhỏ (NSCLC).
Đa phần các ca ung thư phổi (85%) có nguyên nhân bắt nguồn từ việc hút thuốc lá trong một thời gian dài. Khoảng 10–15% trường hợp còn lại bệnh xảy ra ở những người chưa từng hút thuốc. Đối với những trường hợp này, nguyên nhân là do sự kết hợp của các nhân tố di truyền, việc tiếp xúc trực tiếp với khí radon, amiăng, hút thuốc thụ động, không khí ô nhiễm....
Ung thư phổi chính là một trong các nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cao ở nam giới. Ngoài ra, ở nữ giới thì số người mắc bệnh và chết vì ung thư phổi cũng rất cao.
Ảnh minh họa
Nguyên nhân dẫn đến bệnh ung thư phổi bắt đầu từ đâu?
1. Hút thuốc lá thường xuyên:
Chính thói quen hút thuốc lá lâu dài có thể khiến các tế bào biểu mô phế quản sinh ra vẩy trồi lên biểu mô. Dần dần những vẩy ung thư biểu mô tế bào này sẽ phát triển hình thành lên tế bào ung thư. Ngoài những người hút thuốc lá thường xuyên, những người hít phải khói thuốc trực tiếp thuờng xuyên trong một thời gian dài cũng có nguy cơ rất cao mắc phải bệnh ung thư phổi. Do thuốc lá trong khi đốt cháy thành khói sẽ phát tán ra loại chất gây ung thư và khi bạn hấp thụ nó trong thời gian dài sẽ đem đến những tác hại cho cơ thể cũng như nguy hiểm tính mạng của bạn bất cứ lúc nào.
Ảnh minh họa
2. Mắc bệnh phổi mãn tính:
Những người có tiền sử mắc bệnh phổi mãn tính như bệnh lao, phổi... thường có tỷ lệ mắc bệnh ung thư phổi rất cao. Bên cạnh đó, người mắc bệnh viêm phế quản và bệnh phổi mãn tính cũng có thể gây ra sẹo xơ trong quá trình chữa bệnh, từ đó sản sinh ra vẩy tế bào trong quá trình diễn biến bệnh, dần dần phát triển thành ung thư phổi.
Ảnh minh họa
3. Ô nhiễm không khí:
Nguồn không khí quanh nơi bạn sống hoặc nơi làm việc bị ô nhiễm cũng có thể trở thành nguyên nhân dẫn đến bệnh ung thư phổi. Đặc biệt, nếu môi trường làm việc của bạn thường xuyên phải tiếp xúc với khí radon, amiăng, công nghiệp hóa dầu, công nghiệp nhựa, hay quá trình luyện thép, ni-ken, crôm, khí than... thì càng có nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi rất cao. Vì thế những người có công việc phải tiếp xúc trực tiếp trong môi trường có các chất như uranium, radium và các chất phóng xạ cũng có thể mắc phải bệnh ung thư phổi bất cứ lúc nào mà người bệnh không hề hay biết.
Ảnh minh họa
4. Yếu tố di truyền:
Ngoài những nguyên nhân trên thì bạn cũng nên tìm hiểu về những người thân trong gia đình. Vì nếu phát hiện thấy trong gia đình có người mắc bệnh ung thư phổi thì nên chủ động đi khám để xét nghiệm từ sớm. Do bệnh này nếu phát hiện ra càng sớm thì tỷ lệ chữa khỏi sẽ đạt hiệu quả cao hơn. Ngoài ra với những người có chức năng miễn dịch kém thường không có sức đề kháng cao, do đó hoạt động trao đổi chất cũng bị suy giảm, gây rối loạn nội tiết tố và có khả năng mắc phải các bệnh về phổi.
Ảnh minh họa
Triệu chứng của ung thư phổi
Triệu chứng của ung thư phổi rất đa dạng, phong phú, bệnh nhân có thể có rất nhiều triệu chứng, tuy nhiên nhiều trường hợp có thể không hề có triệu chứng hoặc chỉ tình cờ phát hiện khi khám sức khỏe định kỳ hoặc vì một lý do khác về sức khỏe mà phát hiện ra.
Có thể chia triệu chứng ung thư phổi thành các nhóm như sau:
Triệu chứng phế quản
- Ho: Đa số ung thư phổi đều bắt đầu bởi biểu hiện ho khan, sau đó có thể có ho đờm. Một số trường hợp có khạc đờm mủ, đờm màu xanh, màu vàng do bội nhiễm phế quản ở sau chỗ tắc nghẽn phế quản.
- Ho ra máu: Gặp triệu chứng này ở khoảng 50% các trường hợp, ho ra máu rất ít, lẫn với đờm thường ho về buổi sáng trong nhiều ngày, có thể nghe thấy tiếng rít phế quản chứng tỏ khối u đã làm tắc phế quản 1 phần nhưng không hoàn toàn.
- Viêm phế quản, viêm phổi tái diễn nhiều lần, sau điều trị bệnh nhân đã hết sốt, hết ho nhưng tổn thương trên X quang phổi còn tồn tại trên 1 tháng. Những dấu hiệu do sự lan tỏa của khối u phổi.
- Đau ngực: không có địa điểm đau rõ rệt, thường đau bên tổn thương đau kiểu thần kinh liên sườn. Có khi đau quanh bả vai, mặt trong cánh tay.
- Khó thở: khó thở ít gặp, thường do khối u phổi chèn ép gây tắc khí phế quản hoặc do tràn dịch màng phổi làm bệnh nhân khó thở.
- Nói khàn, giọng đôi do thần kinh quặt ngược bị chèn ép.
- Khó nuốt: do thực quản bị chèn ép.
- Các triệu chứng do khối u chèn ép vào tĩnh mạch chủ trên: phù mặt, cổ bạnh to, hố trên xương đòn đầy, tĩnh mạch nổi rõ ở cổ, ngực.
- Tràn dịch màng phổi: do khối u phổi xâm lấn ra màng phổi gây tràn dịch màng phổi, chẩn đoán xác định dựa vào khám lâm sàng và chụp x quang phổi. Chọc dò khoang màng phổi thấy dịch giúp chẩn đoán chắc chắn.
- Một số bệnh nhân có biểu hiện: nửa mặt đỏ, khe mí mắt hẹp, đồng tử nhỏ, nhãn cầu tụt về phía sau.
Ảnh minh họa
Dấu hiệu ngoài phổi
- Bệnh nhân thường gầy sút cân nhiều và nhanh.
- Móng tay khum, ngón dùi trống (đầu ngón tay, ngón chân to ra trông như đầu chiếc dùi trống).
- Đau các khớp xương cổ tay, bàn ngón tay, cổ chân, bàn ngón chân. Nhiều bệnh nhân được phát hiện u phổi khi đi khám chuyên khoa Cơ xương khớp vì các triệu chứng đau xương khớp này.
- Nổi hạch ở hố trên đòn, hạch ở cổ.
- Vú to ở nam giới có thể to một hoặc 2 bên.
Các phương pháp điều trị ung thư phổi
Mỗi phương pháp điều trị sẽ có những ưu điểm và nhược điểm khác nhau. Do đó, thì thông thường các bác sĩ sẽ kết hợp các biện pháp lại với nhau để cho một kết quả điều trị khả quan nhất. Cụ thể các phương pháp điều trị đem lại hiệu quả hữu hiệu hiện nay có thể kể đến như:
Phẫu thuật điều trị ung thư phổi
Đây là phương pháp thường được sử dụng để cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ cơ quan có chứa các tế bào ung thư. Phương pháp này thước được sử dụng ở giai đoạn đầu và đem lại hiệu quả khá khả quan bởi lúc này các tế bào mới phát triển và chưa lan sang cơ quan khác.
Trong phẫu thuật thì được thành nhiều loại khác nhau, phổ biến nhất vẫn là phẫu thuật chẩn đoán, phẫu thuật xác định giai đoạn, phẫu thuật cắt bỏ khối u.
+ Phẫu thuật chẩn đoán: Đây là phương pháp nhằm để xác định xem có sự có mặt của tế bào ung thư ở cơ quan đó hay không. Việc làm lúc này là các bác sĩ sẽ cắt hoặc rạch một vết nhỏ trên da để xác định những mô nghi ngờ ung thư.
+ Phẫu thuật xác định giai đoạn: Đây là phương pháp thực hiện khi đã xác định chắc chắn rằng đã bị ung thư. Biện pháp phẫu thuật này để giúp các bác sĩ có thể xác định được giai đoạn, kích thước của khối u và đánh giá được mức độ di căn để có những phương pháp điều trị kịp thời.
+ Phẫu thuật cắt bỏ khối u: Phương pháp này thường được sử dụng ở giai đoạn đầu của ung thư. Lúc này các bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật để cắt bỏ các khối u, các mô xung quanh, phương pháp này thì thường được kết hợp với xạ trị hoặc hóa trị để đem lại những kết quả tốt nhất.
Ảnh minh họa
Xạ trị điều trị ung thư phổi
Xạ trị là phương pháp sử dụng các tia bức xạ có nguồn năng lượng cao để chiếu trực tiếp vào vị trí của các khối u ác tính để phá hủy hoặc teo nhỏ khối u hạn chế sự phát triển của nó. Xạ trị thì thường được sử dụng khi bệnh chưa di căn.
Xạ trị có thể sử dụng riêng lẻ và cũng có thể kết hợp với các phương pháp khác để đem lại hiệu quả hơn như phẫu thuật kết hợp xạ trị. Khi xạ trị kết hợp với phẫu thuật thì có thể dùng xạ trị trước hoặc sau đều được đều đem lại hiệu quả tốt hơn cho người bệnh.
Trong xạ trị thì cũng có nhiều loại khác nhau, có thể kể tới như xạ trị ngoài là chiếu tia xạ từ bên ngoài vào cơ thể, xạ trị trong là dùng chiếc hộp nhỏ chứa phóng xạ đặt vào các hốc tự nhiên của cơ thể và căm trực tiếp vào các cơ quan có chứa khối u ác tính, xạ trị chuyển hóa là người bệnh sẽ được uống hoặc tiêm chất phóng xạ I313 vào cơ thể.
Phương pháp xạ trị này thì thường sẽ kèm theo những tác dụng phụ đối với người bệnh như sẽ làm người bệnh mệt mỏi, sốt cao, tiêu chảy... Có những tác dụng phụ này là bởi sử dụng phương pháp này thì không chỉ mỗi tế bào ung thư bị tiêu diệt mà ngay cả những tế bào khỏe mạnh khác cũng sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều.
Tuy nhiên thì thường các tác dụng phụ này cũng chỉ xảy ra trong thời gian ngắn sau xạ trị, nên người bệnh có thể yên tâm.
Ảnh minh họa
Hóa trị điều trị ung thư phổi
Hóa trị là phương pháp các bác sĩ sử dụng một lượng hóa chất để tiêm vào cơ thể nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư trong cơ thể. Đây là các hóa chất rất đặc biệt nên chỉ được sử dụng khi các bác sĩ chỉ định.
Hóa trị thường được áp dụng kết hợp với xạ trị và phẫu thuật hơn là sử dụng riêng lẻ bởi đây là phương pháp nhằm loại bỏ các tế bào ung thư còn lại sau khi xạ trị và phẫu thuật. Ngoài ra, thì hóa trị cũng được dùng để nhằm kéo dài sự sống khi các tế bào ung thư đã di căn, và nó giúp làm giảm sự đau đớn của các khối u tác động lên người bệnh.
Tương tự như với xạ trị thì hóa trị cũng có những tác dụng phụ đối với người bệnh khi các hóa chất này được tiêm vào cơ thể bởi chúng không thể phân biệt được đâu là tế bào ung thư đâu là tế bào khỏe mạnh.
Nhưng người bệnh cũng có thể yên tâm vì những mệt mỏi, hay tác dụng phụ khác sau hóa trị cũng sẽ biến mất nếu như người bệnh có được một chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng hợp lý nhất.
Ngoài các phương pháp điều trị phổ biến như trên thì hiện nay còn có rất nhiều biện pháp khác có thể kể đến như điều trị ung thư bằng phương pháp nội tiết, điều trị ung thư bằng phương pháp miễn dịch...
Ảnh minh họa
Cách phòng chống ung thư phổi
1. Không hút thuốc lá
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh thuốc lá là tác nhân chính gây ung thư phổi. Theo Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Thế giới, có 85% bệnh nhân mắc ung thư phổi có hút thuốc lá. Trong khói thuốc lá có chứa 7.000 hóa chất, trong đó có trên 200 chất độc hại và có 70 chất gây ung thư.
Hút thuốc lá không những gây ung thư phổi mà còn gây ra các bệnh ung thư khác như ung thư thanh quản, vòm họng, thực quản, dạ dày...
2. Tránh tiếp xúc với khói thuốc lá
Cứ 10 người bị ung thư phổi thì trong đó có hơn 8 người có thói quen hút thuốc lá, còn 2 người còn lại thì cũng có tần suất cao thường xuyên phải tiếp xúc với khói thuốc lá hay còn gọi là hút thuốc lá thụ động.
Người hút thuốc hấp thu khoảng 15% lượng khói thuốc lá, lượng còn lại sẽ thải ra môi trường xung quanh, khiến những người khác hít phải. Tiếp xúc với khói thuốc sẽ làm tăng nguy cơ mắc UT phổi 20-30%. Khói thuốc gây hại đến sức khỏe mọi lứa tuổi, đặc biệt là đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ vì chức năng phổi của trẻ chưa hoàn thiện.
Để phòng tránh bệnh, bạn hãy khuyên các thành viên trong gia đình và những người xung quanh nên từ bỏ thói quen hút thuốc lá để bảo vệ sức khỏe cho chính họ và những người xung quanh. Đồng thời hãy tránh xa những nơi có khói thuốc lá.
3. Tránh xa nguồn không khí ô nhiễm
Không khí đang ngày càng ô nhiễm bởi khí thải công nghiệp từ các nhà máy, khói phương tiện giao thông, nước thải sinh hoạt... Tất cả chúng đều chứa chất độc hại gây hại cho sức khỏe của chúng ta, trong đó có lá phổi.
Do đó, bạn nên chú ý khử trùng nơi ở sạch sẽ, tránh xa nguồn không khí ô nhiễm và hạn chế việc hấp thu các khí thải độc hại bằng cách đeo khẩu trang khi tham gia giao thông,...
Ảnh minh họa
4. Giảm phơi nhiễm hóa chất
Có hơn 40 chất gây ung thư có trong môi trường làm việc tại các nhà máy, công xưởng... như amiăng, thạch tín (asen), crom, chì... Nếu do tính chất công việc, bạn thường xuyên phải tiếp xúc với các chất độc hại, bạn nên tuân thủ các nội quy lao động, các quy định an toàn và trang bị đầy đủ trang phục bảo hộ lao động (áo quần, găng tay, mặt nạ phòng độc,...)
Ngoài ra, bạn nên kiểm tra mức radon trong nhà. Radon là chất phóng xạ nguy hiểm, là một trong những tác nhân nguy hiểm gây ung thư phổi. Radon hình thành do sự phân hủy tự nhiên của Uranium có trong đất, đá, nước xung quanh nhà bạn.
5. Ăn uống lành mạnh
Để phòng ngừa ung thư, bạn nên có chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học với nhiều rau xanh, trái cây cung cấp các vitamin, khoáng chất và các chất chống oxy hóa, nhằm giúp hệ miễn dịch hoạt động tốt và hỗ trợ cơ thể đẩy lùi nguy cơ mắc ung thư, trong đó có phòng ngừa bệnh ung thư phổi.
6. Tập thể dục đều đặn
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, bạn cần có chế độ luyện tập đều đặn mỗi ngày nhằm giúp tăng cường sức khỏe, tăng cường sức đề kháng phòng ngừa ung thư.
7. Khám sức khỏe định kỳ
Để đề phòng nguy cơ mắc bệnh, bạn nên đi khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt là những người hút thuốc lá lâu năm, người có tiền sử gia đình mắc ung thư phổi, người trên 40 tuổi...
Hiện nay, các phương pháp chụp CT, X-quang, xét nghiệm máu... có thể giúp bạn phát hiện ung thư phổi ngay từ giai đoạn sớm, khi chưa có biểu hiện triệu chứng ra bên ngoài.
Hi vọng qua bài viết này thì mọi người đã cập nhật thêm được kiến thức sức khỏe cho gia đình mình, từ đó có thể phòng ngừa cũng như phát hiện sớm bệnh để được điều trị kịp thời