Bệnh tiêu chảy ở trẻ em
I. Tiêu chảy là gì?
Tiêu chảy là chỉ số lần đại tiện tăng, thường mỗi ngày trên ba lần, phân loãng hoặc như nước, có khi còn lẫn những chất không bình thường như thức ăn chưa tiêu hoá, niêm dịch, máu mủ. Trẻ em tiêu chảy thường do nhiều nguyên nhân gây ra, là bệnh rất thường gặp. Do sự phân bố nước trong cơ thể trẻ em khác với người lớn, nên khi bị tiêu chảy dễ làm rối loạn nước và chất điện giải, dẫn đến mất nước, kali thấp, natri thấp và canxi thấp. Khi tiêu chảy nặng, nếu không kịp thời bổ sung nước, khiến dung lượng máu trong cơ thể giảm thấp dẫn đến choáng, thậm chí nguy hiểm tính mạng.
Tiêu chảy kéo dài ngoài ảnh hưởng tới sự hấp thu của trẻ đối với chất dinh dưỡng trong thức ăn còn tiêu hao chất dinh dưỡng và các mô nào đó trong cơ thể, khiến trẻ gầy gò, da nhăn nheo, không còn độ nẩy, sức đề kháng giảm, dễ bị nhiễm trùng, ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển bình thường của trẻ. Nếu thiếu vitamin A còn gây đục, khô, mềm giác mạc, nghiêm trọng sẽ thủng, mù. Vì thế cần tích cực điều trị tiêu chảy cấp, mạn tính ở trẻ.
II. Tiêu chảy được chia ra thành mấy loại?
Căn cứ vào nguyên nhân gây bệnh, tiêu chảy có thể chia ra hai loại: nhiễm trùng và không nhiễm trùng. Tiêu chảy nhiễm trùng còn gọi là viêm ruột trẻ em. Viêm trong ruột thường thấy viêm ruột do trực khuẩn đại tràng, lỵ trực trùng, viêm ruột do virus, viêm ruột dạng nấm. Nhiễm trùng ngoài ruột như nhiễm trùng đường hô hấp, viêm phổi, nhiễm trùng da và các loại bệnh truyền nhiễm khác đều có thể kèm theo tiêu chảy. Tiêu chảy không nhiễm trùng còn gọi là tiêu hoá kém hoặc tiêu chảy đơn thuần, thường gặp ở các trường hợp nuôi dưỡng không đúng, dị ứng sữa bò, không hợp với đường sữa, thời tiết thay đổi đột ngột và bụng bị lạnh.
Căn cứ vào tình hình bệnh có thể chia tiêu chảy dạng nhẹ, dạng vừa và dạng nặng. Tiêu chảy nhẹ thì mỗi ngày đại tiện dưới 10 lần, số lượng phân đi mỗi lần dưới l0ml/kg trọng lượng cơ thể, không có tình trạng mất nước, ngộ độc. Tiêu chảy mức độ vừa mỗi ngày 10 - 20 lần, lượng phân đi mỗi lần từ 10 - 20 ml/kg trọng lượng cơ thể kèm theo mất nước nhẹ hoặc vừa, hoặc ngộ độc nhẹ. Tiêu chảy nặng mỗi ngày đại tiện trên 20 lần, số phân đi mỗi lần trên 20 ml/kg trọng lượng cơ thể, kèm theo mất nước nặng hoặc có triệu chứng ngộ độc rõ.
III. Tiêu chảy xảy ra như thế nào?
Tiêu chảy là bệnh thường gặp ở trẻ em, muốn phòng ngừa và điều trị tốt cần tìm hiểu nguyên nhân và cơ chế phát bệnh.
Sự hấp thu và vận chuyển nước cùng chất điện giải gặp trở ngại hoặc tiết ra khác thường. Tổn thương tế bào niêm mạc ruột do các nguyên nhân gây ra khiến sự hấp thu và vận chuyển nước cùng chất điện giải gặp trục trặc, hoặc tiết dịch ruột quá nhiều, dẫn đến tiêu chảy.
Hấp thu gặp trở ngại: diện tích hấp thu trở nên hẹp, như niêm mạc ruột bị hoại tử, hoặc ruột bị cắt, nhu động ruột quá nhanh, nước trong ruột không được hấp thu đầy đủ, thiếu men tiêu hóa gây ra hấp thu kém.
Áp lực trong khoang ruột tăng: cản trở tuần hoàn máu thành ruột, thẩm thấu tăng dẫn đến tiêu chảy.
Áp lực thẩm thấu các chất chứa trong ruột như đường, chất trao đổi protein, chất điện giải... tăng lên, lúc đó, nước thẩm thấu vào khoang ruột, làm tăng lượng nước ở phân, gây tiêu chảy thẩm thấu. Khi rối loạn chức năng tiêu hóa, thức ăn không được tiêu hóa hấp thu tốt, sinh ra axit lactic làm tăng áp lực thẩm thấu trong khoang ruột, dẫn đến tiêu chảy.
Yếu tố dị ứng: ăn phải thức ăn dị ứng như sữa bò, hải sản có thể làm tổn thương thành ruột, khiến ruột nhu động tăng, gây tiêu chảy.