Bệnh tăng huyết áp và những điều cần biết

Bệnh tăng huyết áp và những điều cần biết

Theo Tiến sĩ. Bác sĩ Phạm Trần Linh - Trưởng phòng Điều trị C5-Viện Tim mạch Việt Nam (Bệnh viện Bạch Mai), tăng huyết áp (THA) là bệnh mãn tính, trong đó áp lực máu hệ thống động mạch tăng cao. Người bị coi là tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu lớn hơn hoặc bằng 140 mmHg và (hoặc) huyết áp tâm trương lớn hơn hoặc bằng 90 mmHg. Đây là bệnh thường gặp và là vấn đề sức khỏe xã hội. 

Ở các nước phát triển, tỷ lệ tăng huyết áp ở người lớn là gần 40% dân số và có trên một nửa dân số trên 50 tuổi bị tăng huyết áp. Tại Việt Nam, thống kê từ những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước cho thấy, tỷ lệ tăng huyết áp ở người lớn là khoảng 11%. Tuy nhiên, gần đây tỷ lệ này tăng lên, trong đó tỷ lệ tăng huyết áp ở người trưởng thành là khoảng 25%. Đáng chú ý, số người bị tăng huyết áp có sự trẻ hóa.

Một số yếu tố được coi là nguy cơ của bệnh tăng huyết áp là: Hút thuốc lá, rối loạn lipid máu, đái tháo đường, hơn 60 tuổi, tiền sử gia đình có người thân bị bệnh động mạch vành.

Tiến sĩ. Bác sĩ Phạm Trần Linh cho biết, tăng huyết áp thường được phân thành tăng huyết áp nguyên phát và tăng huyết áp thứ phát. Đại đa số tăng huyết áp ở người lớn là không có nguyên nhân (tăng huyết áp nguyên phát), chiếm tới hơn 90% trường hợp. 

Tăng huyết áp thứ phát (tăng huyết áp căn nguyên) cần được chú ý, nhất là trong các trường hợp: Phát hiện ở người dưới 30 tuổi, tăng huyết áp rất khó khống chế bằng thuốc, tăng huyết áp tiến triển nhanh, có biểu hiện bệnh lý ở cơ quan khác mà có thể là nguyên nhân. Tăng huyết áp thứ phát chủ yếu do các bệnh về thận (viêm cầu thận cấp, sỏi thận, hẹp động mạch thận), các bệnh nội tiết, các bệnh hệ tim mạch, do lạm dụng một số thuốc như cam thảo, thuốc tránh thai, ngộ độc thai nghén. 

Dấu hiệu của tăng huyết áp là không rõ ràng, phần lớn bệnh nhân không có triệu chứng rõ ràng. Nhiều người tình cờ khi đi khám sức khỏe được đo huyết áp mới phát hiện tăng huyết áp, cũng có những người khi bị biến chứng của tăng huyết áp mới phát hiện ra bệnh. Một số dấu hiệu thường gặp của bệnh tăng huyết áp là đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi, khó thở khi gắng sức, đau tức ngực, tăng huyết áp rất nguy hiểm nếu không được chữa trị kịp thời. Bệnh có thể gây biến chứng như suy tim, bệnh lý về mắt, suy thận, bệnh não…

“Đáng chú ý, tăng huyết áp có thể gây biến chứng tức thời như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim cấp. Biến chứng trên không chỉ có thể gây tử vong mà còn để lại di chứng nặng nề, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân và là gánh nặng cho gia đình, xã hội”, chuyên gia này nhấn mạnh.

TS.BS Phạm Trần Linh - Trưởng phòng Điều trị C5-Viện Tim mạch Việt Nam.

Về điều trị tăng huyết áp, mục đích của điều trị tăng huyết áp là ngăn ngừa lâu dài các biến chứng do tăng huyết áp gây ra. Bệnh này cần điều trị suốt đời, chỉ tuân thủ chế độ điều trị thích hợp mới giảm được đáng kể các tai biến do tăng huyết áp. 

Đặc biệt, khi dùng thuốc điều trị, huyết áp về được giới hạn bình thường thì bệnh nhân vẫn rất cần tuân thủ chế độ điều trị để duy trì huyết áp trong giới hạn cho phép. Một việc nữa cũng hay gặp là bệnh nhân tự mua thuốc hoặc tự sao chép thuốc điều trị của người khác để điều trị cho mình. 

“Đây là việc không nên, bệnh nhân cần được các bác sĩ chuyên khoa tư vấn cụ thể, tùy tình trạng bệnh, thể trạng của mỗi bệnh nhân, bệnh kèm theo để có phác đồ điều trị tối ưu. Có loại thuốc điều trị huyết áp rất tốt với người này nhưng lại là chống chỉ định ở người khác”, Tiến sĩ. Bác sĩ Phạm Trần Linh khuyến cáo.

Bên cạnh đó, việc thay đổi lối sống là phương pháp điều trị bắt buộc dù có kèm theo dùng thuốc hay không. Đó là: Giảm cân nặng nếu thừa cân, hạn chế rượu, bởi nếu dùng quá nhiều rượu sẽ dễ làm tăng nguy cơ tai biến mạch máu não ở bệnh nhân tăng huyết áp, làm tăng trở kháng với thuốc điều trị tăng huyết áp, giảm ăn mặn (lượng muối mỗi ngày là dưới 2,4g Natri/ngày), bảo đảm đầy đủ canxi và magiê, hạn chế ăn các mỡ động vật, các thức ăn giàu cholesterol, bỏ thuốc lá. Một việc nữa là tăng cường luyện tập thể lực, chế độ luyện tập cần đều đặn ít nhất 30-45 phút mỗi ngày vào hầu hết các ngày trong tuần. Tuy nhiên, với những bệnh nhân có triệu chứng hoặc nguy cơ bệnh mạch vành, cần cho bệnh nhân làm các nghiệm pháp gắng sức thể lực trước khi quyết định cho bệnh nhân chế độ tập thể lực.

Tiến sĩ. Bác sĩ Phạm Trần Linh đưa ra lời khuyên, mỗi người nên khám sức khỏe định kỳ và luôn nhớ số đo huyết áp của chính mình.

Hương Thủy

Các câu hỏi liên quan

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...