Bệnh Tâm Thần
Bệnh tâm thần là gì?
Bệnh Tâm thần (tên tiếng Anh là Mental Illness) liên quan đến một loạt các vấn đề về sức khỏe về tâm thần, gây ra các rối loạn có ảnh hưởng đến suy nghĩ, tâm trạng và hành vi của người mắc bệnh. Các nguyên nhân thường dẫn đến bệnh Tâm thần bao gồm: Bệnh trầm cảm, rối loạn lo âu, tâm thần phân liệt, rối loạn ăn uống và hành vi gây nghiện. Không những thế, Bệnh tâm thần có thể gây ra cho người bệnh cảm giác đau khổ và gặp nhiều khó khăn khi giải quyết vấn đề trong cuộc sống hàng ngày như tại nơi làm việc hoặc trong các mối quan hệ.
Nguyên nhân gây ra bệnh tâm thần là gì?
Hiện nay, theo các nghiên cứu cho thấy chưa có nguyên nhân chính xác gây bệnh tâm thần. Tuy nhiên căn bệnh trên thường được gây ra bởi một loạt các yếu tố di truyền và môi trường như sau:
Di truyền
- Bệnh tâm thần phổ biến hơn ở những người mà trong gia đình đã có người mắc bệnh tâm thần.
Yếu tố sinh học
- Ngoài những đặc điểm di truyền, các chấn thương từ bên ngoài có thể dẫn đến bệnh tâm thần như chấn thương sọ não, tiếp xúc với virus hoặc các chất độc hại từ khi trong khi trong bụng mẹ.
Trải nghiệm cuộc sống
- Khi con người trải qua các nỗi đau hoặc khó khăn trong cuộc sống như người thân qua đời, thiếu thốn tài chính và những căng thẳng tâm lý kéo dài có thể góp phần dẫn đến bệnh Tâm thần. Trải nghiệm cuộc sống có thể do giáo dục gia đình dẫn đến lòng tự trọng kém hoặc có tiền sử lạm dụng tình dục hoặc thể chất. Trải nghiệm cuộc sống có thể dẫn đến những lối suy nghĩ không lành mạnh liên quan đến bệnh tâm thần, chẳng hạn như bi quan hay tư duy lệch lạc.
Rối loạn sinh hóa não
- Những thay đổi xảy ra trong não được cho là ảnh hưởng đến tâm trạng cũng như các khía cạnh khác của sức khỏe. Các chất dẫn truyền thần kinh đóng vai trò quan trọng trong một số bệnh tâm thần. Trong một số trường hợp khác thì sự mất cân bằng nội tiết tố làm ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần. Đặc điểm di truyền, kinh nghiệm sống, các yếu tố sinh học đều có thể ảnh hưởng đến sinh hóa não liên quan đến bệnh tâm thần.
Ngoài các nguyên nhân trên thì các yếu tố sau đây cũng làm tăng nguy cơ gây ra bệnh Tâm thần như:
- Có một người thân, chẳng hạn như cha mẹ hoặc anh chị em ruột, bị bệnh tâm thần.
- Gặp phải những căng thẳng trong cuộc sống, chẳng hạn như các vấn đề về tài chính, cái chết của người thân hay ly dị.
- Tình trạng sức khỏe không tốt, mắc các bệnh mãn tính chẳng hạn như bệnh tiểu đường.
- Tổn thương não do chấn thương nghiêm trọng.
- Trải qua những chấn thương gây ảnh hưởng mạnh đến tinh thần.
- Sử dụng rượu hoặc chất kích thích.
- Bị lạm dụng hoặc bỏ rơi khi còn nhỏ.
Triệu chứng dễ nhận thấy ở bệnh tâm thần là gì?
Thông thường thì triệu chứng bệnh tâm thần có thể ảnh hưởng đến cảm xúc, suy nghĩ và hành vi. Tuy nhiên, các triệu chứng rối loạn sức khỏe tâm thần có thể xuất hiện dưới dạng bệnh lý về thể chất. Sau đây là những triệu chứng chứng phổ biến thường thấy ở căn bệnh trên như sau:
Nói nhiều, quá khích
- Người bệnh luôn có biểu hiện hân hoan, vui vẻ, hạnh phúc cao độ không có lý do cụ thể. Một số người còn đề cao bản thân mình quá mức, tăng động, sẵn sàng can thiệp vào chuyện của người khác, nói nhiều, nói nhanh, thậm chí nói suốt ngày đêm. Khi hưng cảm, người bệnh ngủ rất ít và không thấy mệt mỏi. Trạng thái này thường diễn ra trong khoảng 4 - 5 tháng rồi tự khỏi nhưng tái diễn lâu dài có thể là suốt đời.
- Khi diễn biến nặng, người bệnh có thể gặp hội chứng lên đồng (tự cho rằng có ma quỷ nhập) và có xu hướng nghiện ngập (tình dục, rượu, ma túy, cờ bạc,....).
Cảm thấy buồn, bi quan và suy nghĩ tiêu cực
- Trái ngược với một số trường hợp hưng cảm cao độ, một số người mắc bệnh tâm thần lại thường cảm thấy buồn bã, bi quan và suy nghĩ tiêu cực, luôn muốn tự gây hại của bản thân, có khi suy nghĩ đến tự tử.
Rối loạn nhịp sinh học giấc ngủ
- Người bệnh thường có những biểu hiện như khó ngủ, trằn trọc, thức dậy sớm hơn thường lệ, mất ngủ kéo dài hàng tuần thậm chí cả tháng. Một số người bệnh bị rối loạn chu kỳ giấc ngủ (ngày ngủ, đêm thức) mà không phải nguyên nhân do nghề nghiệp, thói quen hoặc công việc đặc biệt khác.
Đa nghi
- Đây có thể là những biểu hiện của bệnh tâm thần phân liệt. Người bệnh thường xuyên nghi ngờ cả với người thân, có hành vi theo dõi, kiểm tra... hoặc có những ý nghĩ sai lệch, không phù hợp với hoàn cảnh thực tế.
Thay đổi thói quen ăn uống
- Khi mắc bệnh tâm thần, nhiều người có xu hướng thay đổi thói quen ăn uống của mình. Có người sẽ ăn nhiều hơn nhưng có người lại chán ăn, thậm chí xem ăn uống như một sự ám ảnh.
Có hành vi lạ
- Sự thay đổi trong hành vi của người mắc bệnh tâm thần dễ dàng nhận thấy. Họ có thể đi lang thang, trở nên thờ ơ với mọi viêc. Cũng có thể sống khép kín, không muốn giao tiếp với bất kỳ ai. Người bệnh còn có thể nói về những thứ kỳ quái và không bao giờ có thật.
Cách điều trị bệnh tâm thần
Tùy vào mức độ bệnh của mỗi đối tượng, bác sĩ có thể sử dụng một số các phương pháp điều trị sau:
Phương pháp chữa bệnh bằng thuốc
- Thuốc rất quan trọng để dập tắt nhanh chóng các cơn kích động dữ dội hoặc các triệu chứng của người bệnh. Có rất nhiều loại thuốc sẽ được sử dụng để điều trị bệnh Tâm thần và loại thuốc điều trị bệnh này chủ yếu là thuốc an thần. Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh cần phải dùng loại thuốc nào.
Phương pháp chữa bệnh bằng tâm lý
- Can thiệp về tâm lý là phương pháp cần thiết trong chữa bệnh tâm thần. Thực tế nguyên nhân dẫn đến bệnh tâm thần do các tổn thương về tâm lý, vì vậy nhất định phải dùng liệu pháp này mới đem lại kết quả tốt nhất. Thường thì bác sĩ sẽ dùng các tác động tâm lý trực tiếp như giải thích hợp lý, liệu pháp ám thị,... để điều trị căn bệnh trên.
Ngoài ra có một số lưu ý đối với bệnh nhân như sau:
- Cần trung thực khi đi khám, người bệnh cần nói rõ các triệu chứng với bác sĩ để chẩn đoán chính xác bệnh.
- Tuân thủ phác đồ điều trị: bệnh nhân cần tuân thủ theo những chỉ dẫn của bác sĩ và kiên trì điều trị bệnh.
- Không được tự ý sử dụng thuốc hay ngưng thuốc.
- Cần báo ngay với bác sĩ khi có các dấu hiệu phản ứng phụ của thuốc.
- Tái khám sau đó để đảm bảo hiệu quả trong quá trình điều trị.
Phòng chống bệnh tâm thần
- Khi cảm thấy bản thân hay người thân có những biểu hiện bất thường về ý nghĩ, hành vi, cảm xúc hay mất ngủ, căng thẳng hoặc có băn khoăn, lo lắng về một điều gì đó mà không phù hợp với thực tế, hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa tâm thần hoặc cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn, tư vấn điều trị càng sớm càng tốt.
- Phòng chống các nguyên nhân gây tổn thương tổ chức não như: phòng chống các bệnh nhiễm trùng thần kinh, đặc biệt các bệnh viêm não, màng não và các bệnh nhiễm độc thần kinh như nhiễm độc rượu, ma túy, nhiễm độc nghề nghiệp. Bảo đảm an toàn lao động, an toàn giao thông đề phòng chấn thương sọ não.
- Bên cạnh đó, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, có tinh thần thoải mái, lạc quan, hòa đồng trong mối quan hệ với mọi người trong gia đình và cộng đồng, làm việc, học tập và nghỉ ngơi hợp lý, thường xuyên tập thể dục, giữ gìn vệ sinh để tăng cường sức khoẻ là một rong những yếu tố quan trọng giúp phòng chống bệnh tâm thần hiệu quả.