BỆNH SUY TIM

BỆNH SUY TIM

Tim có hai chức năng cụ thể:

1. Co bóp để đẩy máu qua các động mạch đi nuôi toàn cơ thể.

2. Giãn ra để hút máu đã hết oxy và chứa chất thải trở về tim qua các tĩnh mạch.

Nếu vì một lý do nào đó tim không làm trọn được một trong hai chức năng đó, hoặc cả hai, người ta nói đó là suy tim. Như vậy suy tim không phải là một bệnh, mà là một hội chứng, nghĩa là một tập hợp của nhiều triệu chứng và dấu hiệu. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến suy tim?

Trước hết, tất nhiên các bệnh của bản thân tim là nguyên nhân thường gặp nhất của suy tim. Có thể nói rằng bệnh nào của tim cuối cùng cũng đưa đến suy tim, chẳng khác gì thời cổ đại, người ta hay nói rằng con đường nào cũng dẫn đến thành Rome.

Những bệnh chính của tim có thể gây suy tim là:

Những bệnh tim bẩm sinh mắc từ khi còn nằm trong bụng mẹ, như thông liên nhĩ, thông liên thất, còn ống động mạch... Cứ 100 trẻ đẻ sớm, thì có 1 trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh.

Những bệnh van tim do thấp khớp cấp để lại hậu quả, nhiều nhất là hẹp hai lá, rồi đến hở hai lá, hở van chủ, hẹp van chủ. Những bệnh này thường mắc từ tuổi đi học, 7-16 tuổi, nhưng phần nhiều lớn lên mới được chẩn đoán. Đây là nguyên nhân suy tim hay gặp nhất ở Việt Nam.

Những bệnh tim do thiếu máu cục bộ, như đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, một số rối loạn nhịp tim hoặc suy tim. Đây là bệnh của những người đứng tuổi 40-50 tuổi trở lên, động mạch vành hay bị hẹp vì xơ vữa.

Những chứng viêm cơ tim do nhiễm trùng; những bệnh cơ tim nguyên nhân chưa rõ như bệnh cơ tim giãn, bệnh cơ tim phì đại, tuổi nào cũng có thể mắc.

Những bệnh màng ngoài tim như tràn dịch, viêm co thắt màng ngoài tim, phần lớn do nhiễm trùng các loại, nên không phụ thuộc vào tuổi.

Những rối loạn nhịp tim như loạn nhịp hoàn toàn (còn gọi là rung nhĩ), tim quá chậm hoặc quá nhanh, dù do thiếu máu cục bộ hay không, cũng có thể gây suy tim.

Các bệnh khác có khả năng gây suy tim

Ngoài những bệnh của quả tim kể trên, một số bệnh của mạch máu chủ yếu là của động mạch, cũng có thể đưa đến suy tim. Quan trọng nhất là tăng huyết áp, còn hẹp động mạch vành đã được coi là thiếu máu cục bộ cơ tim nói ở trên rồi. Hẹp động mạch thận cũng có thể dẫn đến suy tim vì nó cũng làm tăng huyết áp.

Những bệnh của phế quản hoặc phổi mãn tính (gọi là COPD - Chronic Obstructive Pulmonary Disease = bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính) lâu ngày có thể đưa đến suy tim, gọi là tim phổi mạn. Cuối cùng một số bệnh toàn thân cũng có khi dẫn đến suy tim, điển hình là suy tim do tuyến giáp hoạt động thái quá hoặc kém quá (suy giáp); nhiễm độc giáp; suy tim do thiếu máu. Một số nhiễm độc hoặc suy dinh dưỡng, rối loạn điện giải cũng đôi khi gây ra suy tim.

Nên chú ý rằng lao động thể lực quá sức nếu tim bình thường, không thể đưa đến suy tim được. Người đưa tin chiến thắng chạy 42km từ Marathon đến Athens (Hy Lạp) năm 490 trước Công nguyên, chết vì kiệt sức chứ tìm không suy. Gần đây, một số võ sĩ quyền Anh chết ngay sau trận đấu, cũng không phải vì suy tim, mà vì chảy máu não. Cho nên nếu tim không có bệnh thì các vận động viên cũng như những người lao động nặng, không nên sợ suy tìm mà không dám tập và làm việc hết sức mình.

Đổi với lao động trí óc cũng vậy, làm việc quá sức cũng không gây suy tim. Mất ngủ kéo dài, buồn phiền lo lắng, căng thẳng tinh thần có thể gây những rối loạn chức năng nhẹ về thần kinh tim chứ không thể trực tiếp gây suy tim được. Theo kinh nghiệm thực tế Việt Nam, có thể phần nào dựa theo tuổi để tìm nguyên nhân suy tim. Ở tuổi trẻ, thanh thiếu niên bị suy tìm phần nhiều do thấp khớp cấp, các bệnh van tim, các bệnh tim bẩm sinh. Ở người đứng tuổi, từ 40-45 trở lên, nên nghĩ đến các nguyên nhân tăng huyết áp, thiếu máu cục bộ cơ tim, nhồi máu cơ tim. Còn các nguyên nhân có thể gặp ở bất kỳ tuổi nào là viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, bệnh cơ tim, rối loạn nhịp tim và các bệnh toàn thân.

Triệu chứng của suy tim là gì?

Khó thở là dấu hiệu quan trọng nhất.

Khó thở ở đây có nghĩa là người bệnh phải khó nhọc hơn bình thường mới thở được. Có người dùng những từ khác chỉ triệu chứng khó thở như hụt hơi, ngắn hơi, thở gấp, tức thở. Người ngoài nhìn thấy cũng thấy bệnh nhân thở nhanh hơn, nông hơn và có vẻ khó nhọc hơn.

Khi suy tim mới bắt đầu, chỉ khi nào hoạt động nặng, khi nào gắng sức mới khó thở vì thế gọi là khó thở gắng sức. Tất nhiên người bình thường cũng thấy khó thở khi làm nặng. Những người suy tim dễ bị khó thở hơn nhiều. Dần dần suy tim càng nặng bao nhiêu thì người bệnh càng khó thở nhiều, thậm chí có người chí bước lên vài bậc thêm, hoặc tự tắm giặt kỳ cọ cũng khó thở. Cuối cùng, người bệnh khó thở cả khi ngồi nghỉ không làm gì cả.

Người bệnh nên chú ý nhận xét xem mình gắng sức đến mức nào thì bắt đầu khó thở, để đánh giá mức độ khó thở.

Nên chú ý rằng “gắng sức”, ở đây chỉ tính đến những gắng sức về thể lực như lên dốc, mang vác nặng, chạy, nhảy, đi ngược gió... Đó là những gắng sức tiêu thụ nhiều oxygen. Các gắng sức về trí óc như suy nghĩ tìm cách giải quyết một vấn đề gì, tập trung tư tưởng học tập, lo lắng vì kinh tế khó khăn, không đòi hỏi nhiều oxygen nên cũng không gây khó thở và suy tim.

Căn cứ vào mức độ khó thở, xảy ra khi gắng sức ít hay nhiều, ngày nay các nhà chuyên khoa Việt Nam cũng như trên thể giới chia ra 4 độ suy tim:

  • Suy tim độ I:

    Người bệnh chưa thấy triệu chứng gì của suy tim dù lúc nghỉ ngơi hay khi gắng sức, sinh hoạt hàng ngày vẫn bình thường. Có thể coi là suy tim tiềm ẩn.
  • Suy tim độ II:

    Sinh hoạt hàng ngày đã bị ảnh hưởng nhẹ, nghỉ ngơi thì không có triệu chứng gì, nhưng hoạt động thường nhật đã thấy khó thở. Có thể gọi là suy tim nhẹ.
  • Suy tim độ III:

    Sinh hoạt bị ảnh hưởng mức độ trung bình, nghĩa là nghỉ ngơi vẫn không có triệu chứng gì, nhưng chỉ hoạt động nhẹ hơn thường nhật đã thấy khó thở rồi. Đây là suy tim trung bình.
  • Suy tim độ IV:

    Sinh hoạt bị ảnh hưởng nhiều, cả khi nghỉ ngơi cũng thấy khó thở, chỉ làm được những việc nhẹ.

Suy tim ở đây được coi là nặng. Ở các độ trung bình và nặng (độ III và IV), khó thở có khi xuất hiện cả lúc nằm buộc bệnh nhân phải ngồi suốt đêm. Cũng nên hiểu qua tại sao suy tim lại làm bệnh nhân khó thở? Vì “bơm” tim bị yếu, không hút được máu từ phổi về nên phổi bị ứ huyết. Do đó phổi mất tính đàn hồi trở nên cứng đờ, các cơ thở phải mất nhiều công sức. Như vậy chúng vừa phải làm việc nhiều hơn, mà lại chỉ nhận được ít oxygen hơn do suy tim, nên chóng mệt hơn.

Triệu chứng khó thở này khá đặc trưng cho suy tim nhưng lại làm cho bệnh nhân, đôi khi cho cả thầy thuốc ít kinh nghiệm, tưởng là bệnh phổi, và đi khám lao hoặc khám hen. Chúng tôi đã gặp nhiều bệnh nhân đã đi “vái tứ phương” nhất là phương Viện Lao và Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Dị ứng, cuối cùng mới đến “phương” đúng là Bệnh viện Tim mạch.

Các triệu chứng khác không quan trọng bằng:

- Ho, cũng vì máu ứ trong phổi. Ho khan hoặc ho ra máu, thường xuất hiện khi gắng sức. Phù, do máu ứ ở các tĩnh mạch xa tim không được “hút” về tim. Gan to, cũng do máu ứ ở gan. Đái ít vì thận không được nhận đủ máu do tim suy.

- Trông ngực vì tim suy hay đập nhanh.

- Mệt mỏi, yếu cơ vì máu không đến đủ nuôi các cơ.

Còn các triệu chứng không phải của suy tim: Ngất, đau ngực, ngủ mê, bóng đè... Những triệu chứng này có thể là của bệnh tim, nhưng không phải là suy tim.

Những triệu chứng mô tả ở trên rất có giá trị làm ta nghĩ đến suy tim, nhưng để chẩn đoán suy tim thì chưa đủ. Bác sĩ còn phải khám thực thể, như quan sát vùng trước tim, nghe tim, nghe phổi, đo huyết áp... Sau đó, lại còn cần phải ghi điện tim (điện tâm đồ) và trong một số trường hợp còn phải chụp tim phổi (hình trên). Làm siêu âm tim, ghi điện tim gắng sức, xét nghiệm trong máu một số chất có liên quan đến tim như cholesterol, glucose... Những ca đặc biệt khó, phải dùng đến những thăm khám đặc biệt như chụp động mạch vành, chụp buồng tim, ghi điện đồ bó His... Với những khám nghiệm công phu, chuyên khoa cao như vậy, số trường hợp chẩn đoán không ra chỉ còn rất ít.

Phòng ngừa

Muốn để phòng suy tim, trước tiên cần phải ngăn chặn những bệnh gây suy tim.

1. Đề phòng các bệnh tim bẩm sinh, với trình độ khoa học hiện nay, vẫn còn rất khó. Người ta chỉ mới đề ra được một số biện pháp như khi có thai, nhất là trong 3 tháng đầu, phải tránh một số tác nhân có thể gây ra dị tật ở thai nhi như thuốc lá, rượu, một số virus như cúm, sởi... Cũng nên nhấn mạnh rằng nhiều thuốc có thể gây hại cho bào thai, từ các thuốc an thần như bacbituric, phenothiazine, đến các thuốc chữa khớp như indomethacin, chữa lao như isoniazid, có một số vitamin như vitamin A, vitamin D và cả một số kháng sinh nữa.

2. Đề phòng những bệnh van tim, cần làm sạch môi trường, nhà ở phải thoáng đãng, khô ráo, ít người ở chung. Khi trẻ bị viêm họng, cần đến bác sĩ xem có cần cho penicillin không? Sau đợt thấp khớp đầu tiên, dù có biến chứng tim hay không, cũng cần theo lời khuyên của bác sĩ về việc tiêm penicillin chậm mỗi tháng một lần cho đến khi trưởng thành hoặc lâu hơn. Và khi đã rõ bệnh van tim rồi, thì phải xem việc “can thiệp” như trong van, sửa van, thay van... Đây là những kỹ thuật mà các thành phố lớn đã có thể làm được.

3. Những bệnh cơ tim, bệnh màng ngoài tim, bệnh phổi mãn tính, hoặc nhiễm độc giáp, suy giáp, thiếu máu... Đều phải được điều trị đến nơi đến chốn mới ngăn chặn được khỏi tiến triển đến suy tim.

Nhưng nói chung, bàn đến phòng bệnh tim mạch là người ta bàn nhiều nhất đến các biện pháp để phòng tăng huyết áp và các bệnh tim thiếu máu cục bộ, cụ thể là để phòng xơ vữa động mạch. Hiện nay sang thiên niên kỷ thứ ba, xơ vữa động mạch vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới.

Thống kê năm 1990 về tử vong cho thấy bệnh tim thiếu máu cục bộ đứng hàng đầu và tai biến mạch não đứng thứ hai, cả hai đều do xơ vữa động mạch; trong khi lao phổi đứng thứ bảy, ung thư đường thở thứ mười trong số 30 nhóm bệnh được khảo sát.

Cũng thống kê trên dự kiến năm 2020, các bệnh nhiễm trùng sẽ giảm đi nhiều và các bệnh ung thư tăng lên nhiều, nhưng tim thiếu máu cục bộ và tai biến mạch não mà người ta gọi chung là bệnh tim mạch vẫn cứ giữ nguyên vị trí thứ nhất và thứ hai như 30 năm trước. Cho nên để phòng suy tim, điều chính yếu là để phòng xơ vữa động mạch, thủ phạm gây ra cả bệnh tim thiếu máu cục bộ lẫn tai biến mạch máu não. Theo lời khuyên của Tổ chức Y tế Thế giới, để phòng xơ vữa động mạch ở các nước đang phát triển như Việt Nam chẳng hạn, nên tập trung vào 4 nội dung giáo dục sức khỏe sau:

1. Cải tiến cách ăn uống: Bớt mỡ, bớt muối, bớt calorie. 

2. Chống hút thuốc lá.

3. Phòng và chữa tăng huyết áp.

4. Tăng hoạt động thể lực và chứng béo phì.

Lời khuyên cho người bị bệnh tim

Tuy nhiên, cũng cần nói thêm về cách sống của người có bệnh tim, dù đã suy tim hay chưa.

Về hoạt động

Nên tránh những công việc đòi hỏi nhiều công sức như gồng gánh, mang vác nặng, cuốc đất, lên gác cao... Những việc quá nặng như vậy bắt tim phải làm việc quá nhiều, quá tải và sẽ chóng bị suy hơn. Vì vậy, có khi người mắc bệnh tim phải đổi nghề, mặc dù tim chưa suy. Nếu cần làm, nên làm thong thả, và khi thấm mệt nên ngừng ngay. Chỉ trong suy tim cấp mới phải nằm nghỉ trên giường.

Tuy nhiên, nghỉ nhiều quá cũng không có lợi cho tim và cho các cơ khác. Phải đi lại, làm việc nhẹ nhàng trong nhà hoặc ở cơ quan, tập thể dục nhẹ, giải trí điều độ. Như vậy có lợi cả cho tim mạch và cho thần kinh. Xin nhắc những phụ nữ có bệnh tim: Dù tim chưa suy, cũng chỉ nên đẻ một lần, vì mỗi khi có thai hoặc sinh đẻ, tim phải làm việc nhiều hơn và dễ suy hơn. Nên đẻ ở bệnh viện, có mặt bác sĩ theo dõi để xử trí nhanh chóng nếu có sự cố.

Người suy tim độ I và độ II có thể đi máy bay được. Suy tim nặng hơn, độ III và độ IV, khi thời gian bay quá dài, ngồi lâu có thể viêm tĩnh mạch nên chú ý cử động chỉ dưới. Làm việc trí óc, trái lại, không có hại cho tim và người bị bệnh tim có thể lao động trí óc được. Chỉ nên làm điều độ, có giờ giấc, xen kẽ với nghỉ ngơi hợp lý.

Còn một điểm hơi tế nhị, nhưng cũng cần nói, là hoạt động tình dục. Hoạt động tình dục thật ra chỉ tốn ít năng lượng và không làm tim quá tải đáng kể, cho nên “sinh hoạt” vợ chồng không cần “kiêng”. Tất nhiên phải có điều độ, tránh quá sức.

Các vaccine nên dùng như ở người bình thường. Không nên vì bệnh tim mà miễn tiêm chủng, thí dụ như vaccine chống viêm gan B.

Trong sinh hoạt cũng như trong công việc, nên giữ bình tĩnh, lạc quan. Mọi xúc cảm mạnh, như cáu giận, buồn quá, vui quá đều làm tim đập nhanh nghĩa là làm tim bị mệt.

Về ăn uống

Ngoài những điều đã nói ở trên cần nhấn mạnh thêm:

a. Hạn chế ăn muối.

Bình thường người có bệnh tim nên ăn nửa lượng muối so với người bình thường, tức là 4 gram muối mỗi ngày, nhưng nếu chớm thấy có hiện tượng giữ nước như phù mặt buổi sáng, phù mắt cá chân buổi chiều hoặc khi phải đứng lâu, bụng hơi to ra, tăng cân quá nhanh, người thấy nặng nề, thì phải hạn chế hơn nữa, chỉ được 3 gram muối mỗi ngày. Đối với phụ nữ, những ngày sắp có kinh nguyệt hay bị ứ nước, gây phù khó thở, hết kỳ kinh nguyệt lại trở lại bình thường. Những ngày ứ nước như vậy nên ăn nhạt hơn nữa.

b. Nước uống cũng không được nhiều, không nên quá 1,5 lít mỗi ngày là vì uống nước nhiều sẽ tăng gánh nặng cho tim, tim đã có bệnh lại bị quá tải, sẽ chóng bị suy hơn. Đặc biệt nước nên uống từng lượng nhỏ, uống một hơi liền 1-2 cốc có thể suy đột ngột. Không nên theo một số người khuyên uống liền 1-2 lít nước buổi sáng, rất nguy hiểm. Trường hợp ra mồ hôi, hoặc tiêu chảy, mất nước, có thể uống nhiều hơn, nhưng cũng phải uống từng ngụm nhỏ. Truyền dịch cũng cần cân nhắc, cần lắm mới nên truyền vì tăng gánh nặng cho tim.

c. Chú ý những thức ăn có nhiều kalium, như rau xanh, trái cây, nước luộc rau có thể dùng thay nước uống trong ngày. Cơ thể đủ kalium, tim làm việc tốt hơn.

d. Ăn đúng mức, đừng để bị béo phì. Cơ thể quá nặng, tim phục vụ khó khăn hơn. Người hơi gầy một chút, có thể tránh được suy tim. Tất nhiên cũng không nên gầy quá. Những thức ăn cho nhiều calorie như đường, gạo, mỡ, các quả ngọt nhiều... Đều phải hạn chế. Nên theo dõi cân nặng thường xuyên, nếu lên cân quá, phải ăn bớt đi nhưng vẫn phải đủ chất bổ theo nhu cầu của cơ thể. Còn nếu lên cân quá nhanh, 1-2 ngày mà tăng quá 2 kg thì tức là ứ nước phải tăng liều thuốc lợi tiểu theo hướng dẫn của bác sĩ.

Nhiều bệnh khi xảy ra ở người có bệnh tim mạch, có thể đẩy nhanh đến suy tim

Rõ nhất là các bệnh gây thiếu máu (chảy máu trĩ, rong kinh, chảy máu dạ dày), rồi đến các bệnh tuyến giáp (cường giáp, còn gọi là bệnh bướu cổ lồi mắt; suy giáp...), các bệnh nhiễm trùng (thương hàn, bạch hầu, cúm). Phải đề phòng những bệnh đó, và nếu có phải điều trị cho tốt.

Một số thuốc có thể gây suy tim ở những người có bệnh tim mạch, khi dùng phải thận trọng, theo đơn và có sự theo dõi của thầy thuốc. Đó là một số thuốc chẹn calcium (verapamil, diltiazem...); nhiều thuốc chống loạn nhịp (quinidine, và nhất là những thuộc không biết rõ thì không nên dùng, dù là thuốc Tây hay thuốc Đông. Những thuốc làm tim đập nhanh quá cũng cần thận trọng khi dùng như caffeine, ephedrin...

Theo đúng chỉ dẫn của thầy thuốc về sinh hoạt và thuốc men. Các thuốc dùng trong bệnh tim, nhất là thuốc chữa suy tim, đều tương đối độc và khó đùng. Sai một ly đi một dặm, tuyệt đối không được nghe ai, kể cả bệnh nhân cũ “có kinh nghiệm”, người nhà, đơn thuốc kèm lọ thuốc, cán bộ y tế, và cả các bác sĩ ngoài bác sĩ điều trị chính của bạn.

Tóm lại

1. Suy tim có nhiều nguyên nhân, kể cả bệnh tim mạch lẫn một số bệnh ngoài tim.

2. Nên nghĩ đến suy tim khi thấy khó thở, phải đến bác sĩ để được khám và làm các xét nghiệm cần thiết và có biện pháp điều trị như thuốc men, can thiệp hay phẫu thuật.

3. Phòng bệnh suy tim chủ yếu là ngăn chặn xơ vữa động mạch bằng cách cải tiến cách ăn, bỏ thuốc lá, phòng và chữa tăng huyết áp, hoạt động thể lực nhiều và chống béo phì.

Các câu hỏi liên quan

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...