Bệnh sùi mào gà

Bệnh sùi mào gà

Thai phụ bị lây nhiễm sùi mào gà, tùy bệnh nặng hay nhẹ mà có tổn thương nhiều hay ít ở âm hộ, âm đạo, cổ tử cung. 

Sùi mào gà là một bệnh lây lan qua đường tình dục do virus gây bệnh sùi mào gà Human Papilloma Virus (HPV) gây nên. Virus HPV gây bệnh bằng cách xâm nhập vào tế bào, nhân lên trong tế bào tạo ra nhiều vimt mới và gây bệnh.

Những yếu tố nguy cơ nhiễm HPV 

Những yếu tố nguy cơ bao gồm: sinh hoạt tình dục sớm; sinh hoạt tình dục bằng các động tác thô bạo gây tổn thương cơ quan sinh dục; quan hệ tình dục với nhiều đối tượng; mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác; hút thuốc lá; dinh dưỡng kém; suy giảm miễn dịch. 

Đường lây truyền của bệnh sùi mào gà 

Bệnh sùi mào gà lây truyền qua 2 đường: lây qua đường tình dục và lây truyền dọc từ mẹ sang con.

Biểu hiện lâm sàng nhiễm HPV sinh dục 

Sau khi xâm nhập vào tế bào cận đáy, HPV đã kích thích tăng sinh tế bào đáy dẫn đến sự hình thành những tổn thương ở biểu mô tạo nên những nốt sùi mào gà. Tuy nhiên, cũng giống như hầu hết các loại virus khác, HPV có khả năng gây nhiễm khuẩn với các hình thái có biểu hiện lâm sàng (có tổn thương là các nốt sùi) và không có triệu chứng lâm sàng (không thấy xuất hiện các nốt sùi). HPV gây nên các hình thái tổn thương được gọi là condyloma. Trường hợp có những tổn thương rõ ràng bao gồm các hình thái: condyloma nhọn gây nên những nốt sùi mào gà; condyloma khổng lồ là khối sùi lớn; condyloma phẳng; u nhú đỏ…

Những nguy hiểm của bệnh đối với thai phụ 

Bệnh sùi mào gà có thể gây cho thai phụ những tai họa đó là nguy cơ ung thư cổ tử cung, âm đạo, âm hộ, hậu môn; chảy máu khó cầm nguy hiểm đến tính mạng; nguy cơ phải mổ lấy thai; nguy cơ lây bệnh từ mẹ sang con trong khi sinh đẻ. Vì vậy việc điều trị khỏi bệnh cho thai phụ trước khi sinh con là rất quan trọng, giúp thai phụ tránh được những mối nguy hiểm này. 

Phương pháp điều trị, quản lý theo dõi bệnh sùi mào gà 

- Khi có ít và những mụn sùi mào gà nhỏ thì có thể cắt bỏ, đốt điện hay laser. Điều trị như vậy chỉ loại bỏ được các nốt sùi chứ không tiêu diệt được virus. Đối với tổn thương sùi mào gà ở âm hộ, âm đạo có thể chấm dung dịch trichloactic acid lên nốt sùi, chấm đến khi nốt sùi chuyển màu trắng. Có thể dùng dung dịch podophyllotoxine 20 - 25% bôi lên những nốt sùi nhỏ lẻ ở âm hộ, bôi thuốc để từ 1 - 3 giờ phải rửa sạch để tránh loét xuống phần da lành, tuần bôi 1 lần. Thuốc này cũng không được bôi vào các nụ sùi ở trong âm đạo, cổ tử cung và trong hậu môn. 

- Trường hợp sùi mào gà nhiều ở âm đạo, cổ tử cung, âm hộ có nguy cơ chảy máu nhiều phải mổ lấy thai, không nên cho đẻ đường dưới. Dùng kháng sinh uống để chống bội nhiễm khi có chảy máu.

- Do nguy cơ bị ung thư cổ tử cung khá cao nên tất cả những thai phụ bị bệnh sùi mào gà phải được làm xét nghiệm để sàng lọc ung thư cổ tử cung. Sau khi sinh phải được quản lý và theo dõi chặt chẽ bằng soi cổ tử cung, xét nghiệm tế bào âm đạo, cổ tử cung và khi cần thì sinh thiết để chẩn đoán. 

Phòng bệnh 

Sống chung thủy một vợ một chồng, không quan hệ tình dục với nhiều đối tượng. Tránh quan hệ tình dục khi vợ hay chồng hoặc bạn tình đang bị bệnh hoặc đang điều trị bệnh sùi mào gà. Nên dùng bao cao su trong quan hệ tình dục để phòng lây nhiễm bệnh sùi mào gà và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác. Khi mẹ bị bệnh sùi mào gà có tổn thương sùi ở âm đạo, cổ tử cung thì nên mổ lấy thai để tránh lây truyền dọc từ mẹ sang con.

Các câu hỏi liên quan

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...