Bệnh sởi, không nên xem thường
Bệnh sởi có tên tiếng Anh là measles hoặc rubeola, là một bệnh truyền nhiễm cấp tính với các triệu chứng sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ... Bệnh có thể gặp ở trẻ em, người lớn nếu không có miễn dịch phòng bệnh, có thể gây thành dịch.
Bệnh sởi nguy hiểm như thế nào?
Khi chưa có vắc xin trên thế giới, hàng năm bệnh sởi gây ra khoảng 2,6 triệu ca tử vong. Đến nay mặc dù tỷ lệ mắc bệnh đã giảm mạnh so với trước khi triển khai vắc xin, nhưng sởi vẫn là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi.
Theo báo cáo của Tổ chức y tế Thế giới WHO, chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2014 đã ghi nhận gần 56.000 trường hợp mắc sởi, tại 75 quốc gia trên thế giới. Theo đó, cứ mỗi một giờ trôi qua, trên toàn cầu có 14 trẻ tử vong do sởi.
Ở nước ta, trong dịch sởi đầu năm 2014, tính đến ngày 19 tháng 4 đã có 8.500 ca mắc bệnh và trong đó ít nhất 114 ca tử vong.
Mù lòa, tiêu chảy cấp, viêm phổi, viêm não... Là các biến chứng nguy hiểm sau mắc sởi có thể dẫn đến tàn phế, tử vong đặc biệt ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng, mắc HIV/AIDS hoặc các bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh. Mắc sởi khi mang thai có thể gây ra xảy thai, đẻ non.
Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh sởi do vi rút sởi thuộc nhóm Paramyxovirus gây nên. Đây là loại virus có sức chịu đựng yếu, dễ bị tiêu diệt bởi các thuốc sát khuẩn thông thường, ánh sáng mặt trời…Virus sởi tồn tại ở họng và máu bệnh nhân từ cuối thời kỳ ủ bệnh đến sau khi phát ban một thời gian ngắn. Bệnh rất dễ lây, thường gặp ở trẻ em, gây viêm long ở kết mạc mắt, đường hô hấp, tiêu hoá và các phát ban đặc hiệu...Có nhiều biến chứng nặng nề.
Lây truyền
Sởi là một bệnh dễ lây lan, trong gia đình nếu có một người bị bệnh thì có đến 90% những người chưa có miễn dịch sẽ bị nhiễm bệnh.
- Lây qua đường hô hấp.
- Lây trực tiếp khi bệnh nhân ho, hắt hơi, nói chuyện…
- Lây gián tiếp ít gặp vì virus sởi dễ bị diệt ở ngoại cảnh.
Virus sởi có trong hàng triệu hạt nước bọt li ti từ mũi và miệng của người bệnh mỗi khi họ ho hoặc hắt hơi. Bạn có thể dễ dàng bị lây nhiễm bệnh sởi khi hít thở phải các hạt nước bọt này. Ngoài ra nếu như để tay mình tiếp xúc với một bề mặt đã có nhiều virus sởi rồi sau đó đưa tay lên miệng hoặc mũi, bạn cũng có thể nhiễm sởi. Virus sởi có thể tồn tại trong môi trường trong vòng vài giờ đồng hồ.
Khi đã xâm nhập vào cơ thể, virus sởi sẽ nhanh chóng sinh sôi nảy nở trong vòm họng và trong phổi trước khi lây lan ra toàn bộ cơ thể.
Những người mắc bệnh sởi có khả năng lây bệnh cho người khác từ khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên cho đến thời điểm 4 ngày sau khi vết ban đầu tiên xuất hiện. Do đó, người bệnh cần tránh đến những chỗ đông người trong giai đoạn đó nhằm tránh lây bệnh cho người khác.
Đáng buồn là khó có biện pháp phòng ngừa do giai đoạn lây lan mạnh là lúc khi bệnh chưa được chẩn đoán.
Các triệu chứng của sởi
Có 2 loại là thể sởi lành tính và thể sởi ác tính
Thể sởi lành tính:
Bệnh nhân trải qua các giai đoạn:
1. Giai đoạn ủ bệnh: 10 -12 ngày.
2. Giai đoạn khởi phát: Những triệu chứng sau đây có thể xảy ra:
- Hội chứng nhiễm khuẩn: Sốt 38,5oC – 40oC, nhức đầu, mệt mỏi …
- Mắt: Kết mạc đỏ, phù mi mắt, chảy nước mắt, sợ ánh sáng.
- Hô hấp: Sổ mũi, hắt hơi, khản tiếng, ho khan, có khi có ít đờm.
- Tiêu hoá: Nôn, chớ, đi ngoài phân lỏng.
Bên trong miệng nơi gò má nổi lên Những nốt nhỏ xíu với trung tâm màu xanh trắng, đường kính khoảng 1mm. Những nốt này có tên là đốm Koplik.
3. Giai đoạn phát ban:
Sốt cao 39oC - 40oC, có thể mê sảng co giật, trẻ ho nhiều, viêm nhiễm và xuất tiết đường hô hấp, chảy nước mắt, có nhiều dử mắt.
Phát ban với đặc điểm:
- Là ban rát sẩn, màu đỏ, hồng hay tía. Hình tròn hạt hình bầu dục, to bàng hạt đậu, hay cánh bèo tấm, sờ vào mềm, mịn như nhung và không đau, không hoặc ít ngứa, không sinh mủ, giữa các ban sởi có khoảng da lành.
- Trong trường hợp nhẹ, ban thường đứng gần nhau nhưng riêng rẽ. Trong trường hợp nặng, ban có xu hướng hợp với nhau làm thành những ban lớn hơn, thậm chí từng mảng xuất huyết (sởi đen). Trong thể đặc biệt nặng, ban có thể có dấu hiệu xuất huyết.
Thứ tự mọc ban:
- Ngày thứ nhất: Ban sởi mọc ở chân tóc, sau tai, sau gáy, trán, má đầu, mặt, cổ.
- Ngày thứ hai: Ban mọc tới ngực lưng và hai tay.
- Ngày thứ ba: Ban mọc xuống bụng và hai chân.
Khi ban lan đến chân thì sốt cũng đột ngột giảm đi nếu không có biến chứng. Sau đó ban cũng nhạt dần và mất đi đúng theo tuần tự nó đã xuất hiện, nghĩa là cũng từ trên xuống dưới. Sau khi ban mất đi, trên da còn lại những dấu màu sậm lốm đốm như vằn da báo.
Cách phân biệt bệnh sởi và sốt phát ban do virus
Nếu như trẻ chỉ bị sốt phát ban thông thường cũng có triệu chứng sốt cao nhưng không có viêm kết mạc, viêm đường hô hấp. Sốt phát ban thông thường sẽ mọc toàn thân chứ không mọc lần lượt như bệnh sởi.
Thể sởi ác tính:
Các dấu hiệu ác tính thường xuất hiện nhanh chóng trong vài giờ trên những thể địa quá mẫn, vào cuối giai đoạn khởi phát, trước lúc mọc ban. Thường có các triệu chứng sau: Sốt cao vọt 39 – 41 độ C, vật vã, mê sảng, hôn mê, co giật, mạch nhanh, huyết áp tụt, thở nhanh, tím tái, nôn, ỉa lỏng, đái ít, xuất huyết dưới da hay phủ tạng.
Theo bác sĩ, trường hợp mắc sởi ác tính thường nhiều, tử vong nhanh trong 2-3 ngày. Diễn biến của sởi ác tính thường rất nhanh, ngày đầu trẻ sốt cao, ngày thứ 2 ho rất nhiều, khản tiếng, viêm kết mạc. Vào cuối ngày thứ 2 bệnh có thể tiến triển thành viêm phổi nặng và tử vong rất nhanh.
Biến chứng:
Virus sởi phá huỷ lớp biểu mô niêm mạc và hệ thống miễn dịch, làm giảm lượng vitamin A, do đó bạn có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm khác.
- Bội nhiễm: Viêm phổi, viêm phế quản, viêm thanh quản, viêm tai giữa.
- Thần kinh: Viêm não sau sởi, hội chứng Guillain-Barrée, liệt nửa người, huyết khối tĩnh mạch não...
- Suy dinh dưỡng do ăn uống kiêng khem.
- Loét miệng: Các vết loét ở trong miệng, môi lưỡi, vết loét có màu đỏ, được phủ một lớp trắng rất đau. Vết loét có thể sâu, rộng làm cho trẻ ăn khó khăn.
- Chảy mủ mắt.
- Tiêu chảy cũng là biến chứng thường gặp sau sởi đặc biệt ở những trẻ suy dinh dưỡng và thiếu vitamin A. Trẻ dễ bị mắc lỵ trực trùng và tiêu chảy kéo dài. Đôi khi do cơ địa suy kiệt, bệnh nhi dễ có nguy cơ nhiễm trùng huyết tiêu điểm từ ruột.
- Viêm loét giác mạc: Đây là biến chứng kinh điển và đáng sợ.
- Sởi làm suy giảm chức năng miễn dịch của cơ thể nên có thể tạo điều kiện cho thể lao tiềm ẩn tái bùng phát mạnh mẽ.
- Viêm cơ tim cũng có thể xảy ra nhưng hiếm gặp hơn.
Tử vong có thể xảy ra do các biến chứng như viêm phổi, viêm não... Ở Mỹ, tỷ lệ tử vong ước tính 1 - 2/1000 trường hợp. Ở các nước đang phát triển, nơi mà tình trạng suy dinh dưỡng còn cao và hệ thống y tế còn nhiều khiếm khuyết thì tỷ lệ tử vong chắc chắn cao hơn, biến chứng cũng cao hơn.
Tiêm vắc xin sởi, biện pháp không nên xem thường
Sởi có thể gây dịch khắp nơi trên thế giới. Trong quá khứ, các vụ dịch thường xảy ra cứ mỗi 2 đến 4 năm vào mùa xuân ở các thành phố lớn, khi mà số lượng một nhóm trẻ không có miễn dịch với sởi đủ lớn.
Hiện nay bệnh thường gặp ở trẻ ở độ tuổi trước khi đi học không được tiêm chủng ngừa sởi. Ở nước ta, sởi vẫn còn là một bệnh tương đối thường gặp mặc dù tỷ lệ mắc đã giảm rõ rệt so với trước khi có chương trình tiêm chủng mở rộng.
Trong chương trình tiêm chủng mở rộng, trẻ sẽ được tiêm miễn phí vắc xin phòng sởi theo lịch:
- Khi trẻ 9 tháng tuổi sẽ được tiêm sởi mũi 1.
- Khi trẻ 18 tháng tuổi sẽ được tiêm vắc xin phối hợp sởi - rubella.
Trẻ cần được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch để mang lại hiệu quả phòng bệnh tốt nhất.
Trẻ sơ sinh được mẹ truyền các kháng thể miễn dịch thông qua nhau thai. Lượng kháng thể có thể tồn tại từ 4 đến 6 tháng, do vậy trẻ ít khi mắc bệnh trong giai đoạn này. Tuy vậy, một số bằng chứng cho thấy kháng thể từ mẹ có thể bảo vệ trẻ đến tháng thứ 9 sau khi sinh. Đây là lý do tiêm chủng ngừa sởi thường được thực hiện trước 12 tháng.
Những thắc mắc thường gặp về việc tiêm vắc xin sởi
1. Tiêm vắc xin sởi có thể phòng được hoàn toàn không mắc bệnh sởi?
Cũng như các vắc xin khác, tiêm vắc xin sởi không có hiệu quả phòng bệnh 100%.
Tuy nhiên, đáp ứng miễn dịch còn tuỳ thuộc vào tuổi tiêm vắc xin, loại vắc xin và tuỳ thuộc đặc điểm miễn dịch, tình trạng sức khoẻ của từng người, chất lượng vắc xin và kỹ thuật thực hành tiêm chủng.
2. Miễn dịch sau tiêm vắc xin sởi có bền vững suốt đời?
Tổ chức Y tế thế giới cho biết những trường hợp đã có đáp ứng miễn dịch với sởi sau tiêm vắc xin hoặc sau mắc bệnh thì miễn dịch này là bền vững suốt đời.
3. Vắc xin có tác dụng phòng bệnh khi đã tiếp xúc với vi rút sởi không?
Virus sởi cần thời gian để xâm nhập vào các mô cơ thể gây bệnh. Do vậy, vắc xin có thể phòng bệnh nếu tiêm trong vòng 72 giờ kể từ khi tiếp xúc.
Việc tiêm vắc xin trong vòng 6 ngày kể từ khi tiếp xúc có thể phòng biến chứng nặng của bệnh.
Dự phòng tình huống khẩn cấp
Dùng Gramma globulin 40mg/kg để phòng bệnh khẩn cấp cho trẻ suy dinh dưỡng, hoặc trẻ đang bị một bệnh khác… Mà có tiếp xúc với trẻ bị sởi.