Bệnh Sarcoma Mô Mềm
Sarcoma mô mềm là gì?
Sarcoma mô mềm là một dạng ung thư bắt đầu ở các mô mềm của cơ thể. Mô mềm là bộ phận giúp kết nối, hỗ trợ và bao quanh các cấu trúc khác của cơ thể. Các mô mềm bao gồm cơ, mỡ, mạch máu, dây thần kinh, gân và niêm mạc bao quanh các khớp.
Hiện có rất nhiều loại sarcoma mô mềm, trong đó một số loại có nhiều khả năng ảnh hưởng đến trẻ em, trong khi những loại khác chủ yếu ảnh hưởng đến người lớn.
Hiện tại căn bệnh này có thể xảy ra bất cứ nơi nào trong cơ thể, nhưng vị trí bệnh thường xuất hiện phổ biến nhất là ở vùng bụng, cánh tay và chân.
Nguyên nhân gây sarcoma mô mềm là gì?
Cho đến nay, nguyên nhân gây ra căn bệnh này vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, căn bệnh này xảy ra khi các tế bào bị đột biến trong ADN của chúng làm cho tế bào phát triển và phân chia ngoài tầm kiểm soát. Sau đó các tế bào bất thường này sẽ tụ lại và tạo thành một khối u và có thể phát triển xâm lấn các cấu trúc lân cận và lan sang các phần khác của cơ thể.
Thông thường loại tế bào phát triển đột biến gen sẽ xác định được loại sarcoma mô mềm mà bệnh nhân mắc phải. Sau đây là một số loại sarcoma mô mềm bao gồm:
- Sarcoma phế nang phần mềm.
- Sarcoma mạch.
- Sarcoma tế bào sáng.
- Các khối u sarcoma sợi trên da.
- Khối u tế bào sợi tròn nhỏ và tổ chức liên kết.
- U nội mạch dạng biểu mô.
- Sarcoma biểu mô.
- U dạng vân ngoài thận.
- Sarcoma sợi.
- Khối u mô đệm tiêu hóa.
- Sarcoma mạch máu.
- Sarcoma sợi ở trẻ sơ sinh.
- Khối u viêm myofibroblastic.
- Sarcoma Kaposi.
- Sarcoma cơ trơn.
- Sarcoma mỡ.
- Sarcoma hệ bạch huyết.
- U sợi mô bào ác tính.
- Khối u bao thần kinh ngoại vi ác tính.
- Sarcoma sợi cơ.
- Sarcoma sợi hỗn hợp.
- Sarcoma thần kinh.
- Khối u tế bào biểu mô xung quanh mạch máu (PEComa).
- Sarcoma tế bào cơ vân.
- Sarcoma bao hoạt dịch.
- Sarcoma mô mềm chưa phân loại, không xác định.
Mặc dù nguyên nhân gây ra bệnh vẫn chưa được xác định nhưng các yếu tố nguy sau đây góp phần gia tăng nguy cơ bị sarcoma mô mềm như:
- Các hội chứng do di truyền:Sarcoma mô mềm có thể được di truyền từ cha hoặc mẹ. Trong đó các hội chứng di truyền làm tăng nguy cơ bao gồm khối u ác tính mắt do di truyền, hội chứng Li-Fraumeni, bệnh đa polyp tuyến gia đình, u sợi thần kinh, xơ cứng củ và hội chứng Werner.
- Phơi nhiễm hóa chất: Tiếp xúc với một số hóa chất nhất định như chất diệt cỏ, asen và dioxin, có thể làm tăng nguy cơ mắc sarcoma mô mềm.
- Tiếp xúc với bức xạ: Điều trị bức xạ trước đó cho các bệnh ung thư khác cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc sarcoma mô mềm.
Những triệu chứng sarcoma mô mềm là gì?
Hiện nay các triệu chứng phổ biến của sarcoma mô mềm như:
- Một khối u hoặc sưng đáng chú ý.
- Đau nếu khối u chèn ép vào dây thần kinh hoặc cơ bắp.
Những kỹ thuật y tế dùng để chẩn đoán sarcoma mô mềm là gì?
Để chẩn đoán sarcoma mô mềm, bác sĩ chuyên khoa sẽ dựa vào các triệu chứng, và làm một số xét nghiệm như sau:
Siêu âm:
Thường là xét nghiệm đầu tiên được thực hiện, khá đơn giản và nhanh chóng. Sau đó, chẩn đoán hình ảnh như cộng hưởng từ (MRI) có thể được thực hiện tiếp theo.Sinh thiết:
Một mẫu mô nghi ngờ ung thư được lấy ra bằng cây kim hoặc trong quá trình phẫu thuật để kiểm tra và phân tích trong phòng thí nghiệm.
Nếu chẩn đoán sarcoma mô mềm được xác nhận, những xét nghiệm này cũng sẽ giúp xác định khả năng ung thư lây lan (được gọi là loại) và ung thư có lan rộng hay không (còn được gọi là "giai đoạn").
Những phương pháp điều trị sarcoma mô mềm là gì?
Ở thời điểm hiện tại, cách điều trị bệnh tốt nhất là phụ thuộc vào mức độ phát triển của ung thư, loại sarcoma, mức độ lây lan, tuổi tác và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.
Sau đây là một số phương pháp điều trị chính bao gồm:
Phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp điều trị chính cho sarcoma mô mềm ở giai đoạn ban đầu.
Phương pháp này được thực hiện để loại bỏ khối u cùng với một phần mô khỏe mạnh xung quanh. Điều này giúp đảm bảo không có tế bào ung thư nào bị bỏ sót lại.
Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ nỗ lực giảm tác động của phẫu thuật đối với hình thái và chức năng của phần cơ thể bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, người bệnh sẽ gặp khó khăn khi sử dụng phần cơ thể bị ảnh hưởng sau phẫu thuật, do đó đôi khi cần phẫu thuật bổ sung.
Trong một số ít trường hợp, có thể bệnh nhân phải cắt bỏ một phần cơ thể bị ung thư (ví dụ như một phần của chân).
Xạ trị
Trong một số trường hợp khác mắc bệnh, xạ trị được sử dụng trước hoặc sau phẫu thuật để nâng cao cơ hội chữa trị. Điều này được thực hiện bằng cách sử dụng một máy chiếu tập trung chùm tia bức xạ vào khu vực điều trị.
Đôi khi, xạ trị đơn lẻ được sử dụng khi không thể thực hiện phẫu thuật, liệu pháp này giúp giảm các triệu chứng gây ra bởi sarcoma hoặc làm chậm sự tiến triển của nó.
Tuy nhiên các tác dụng phụ thường gặp của xạ trị bao gồm đau da, mệt mỏi và rụng tóc ở vùng điều trị. Chúng có xu hướng cải thiện tốt hơn trong vòng vài ngày hoặc vài tuần sau khi kết thúc điều trị.
Hóa trị
Thỉnh thoảng, hóa trị liệu được sử dụng trước khi phẫu thuật để thu nhỏ khối u và có thể dễ dàng được loại bỏ. Khi đó bác sĩ sẽ tiêm trực tiếp thuốc trị ung thư vào tĩnh mạch.
Hóa trị cũng có thể được sử dụng đơn lẻ hoặc kết hợp với xạ trị cho những trường hợp bị sarcoma mô mềm không thể loại bỏ bằng phẫu thuật.
Các tác dụng phụ thường gặp của hóa trị liệu bao gồm cảm giác mệt mỏi và yếu mọi lúc, cảm giác bệnh và rụng tóc. Tuy nhiên các vấn đề này có thể khó chịu nhưng thường là tạm thời.
Ngoài ra còn có các loại thuốc chống ung thư khác được sử dụng để điều trị sarcoma dưới dạng thuốc tiêm hoặc viên nén.