Bệnh phổi mô kẽ thường gặp ở trẻ nhũ nhi
Theo thạc sĩ, bác sĩ Trần Anh Tuấn, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM, bệnh phổi mô kẽ (ILD) ở trẻ em không chỉ ảnh hưởng đến phế nang mà còn ở toàn bộ mô kẽ xung quanh. Bệnh này ở trẻ em có sự khác biệt lớn so với người trưởng thành từ thuật ngữ tên gọi đến cách phân loại và điều trị.
Đây là bệnh hiếm gặp ở trẻ, chưa thể xác định được tỷ lệ hiện mắc cũng như tỷ suất. Bệnh có xu hướng khu trú ở tuổi nhũ nhi với tỷ lệ 50% trên tổng số trường hợp mắc. Khoảng 10-16% có tính gia đình.
Bệnh diễn tiến và biểu hiện lâm sàng thay đổi theo độ tuổi. Ban đầu bệnh có thể âm thầm hoặc biểu hiện triệu chứng nghèo nàn. Giai đoạn này có thể kéo dài vài tháng tới nhiều năm. Các triệu chứng thường gặp là ho (75% tổng số trường hợp), thở nhanh (75%, nhất là trẻ nhũ nhi), thở co lõm ngực, tím tái, khò khè (40%), mệt khi gắng sức ở trẻ lớn, sụt cân, chậm lớn, ho máu, đau ngực, sốt, bú khó, vã mồ hôi.
Các dấu hiệu thường gặp khi bác sĩ thăm khám lâm sàng ở bệnh nhân bị phổi mô kẽ gồm chậm tăng trường, sụt cân, biến dạng lồng ngực, giảm oxy máu (87%), nghe phổi nghèo nàn, gan lách to, tăng áo phổ. Ở giai đoạn muộn trẻ có thể bị tím tái và hiện tượng ngón biến dạng có hình như chiếc dùi trống. Bệnh nhân có thể có các triệu chứng của bệnh nền như bệnh collagen, viêm mạch máu hay bệnh hệ thống.
Bệnh phổi mô kẽ ở trẻ do các rối loạn đã biết nguyên nhân hoặc chưa rõ nguyên nhân. Khoảng 8 đến 10% do nhiễm khuẩn, nấm, ký sinh trùng. 13% yếu tố môi trường như bụi hữu cơ, vô cơ, hơi hóa chất, khí oxy, chlorine, nitrogen ioxide, manoniac, phóng xạ. Các loại thuốc cũng có thể gây bệnh này như thuốc khoáng penicillamine, nitrofurantoin, muối vàng. Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như tổn thương phổi từ trước, bệnh phổi hít mạn tính, loạn sản quản phổi, bệnh tăng sinh lympho bào, u tân sinh, bạch cầu cấp, Langerhanscell histiocytosis, rối loạn chuyển hóa. 19-27% trường hợp không rõ nguyên nhân, có liên quan đến bệnh hệ thống như bệnh mô liên kết, bệnh tự miễn, bệnh gan, ống tiêu hóa...
Báo cáo tại Hội nghị Khoa học thường niên Hội Hô hấp Việt Nam và Chương trình đào tạo y khoa liên tục năm 2015, bác sĩ Tuấn cho biết hiện nay chưa có đầy đủ dữ liệu để khuyến cáo chế độ điều trị chung cho bệnh phổi mô kẽ ở trẻ em. Việc thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết để tìm ra nguyên nhân (nếu có) là điều kiện tiên quyết đảm bảo bệnh đáp ứng với thuốc điều trị.
Trên thế giới và tại Việt Nam có nhiều loại thuốc đã được sử dụng để điều trị các thể lâm sàng khác nhau của bệnh phổi mô kẽ nói chung. Tuy nhiên ở trẻ em chưa có một công thức trị liệu thử nghiệm ngẫu nhiên có nhóm chứng nào. Corticoid là thuốc chủ yếu để điều trị bệnh này, đặc biệt ở nhóm chưa rõ nguyên nhân. Đáp ứng điều trị với corticoid là yếu tố quan trọng nhất để tiên lượng bệnh. Một số thuốc khác cũng được báo cáo mang lại kết quả thay đổi. Ngoài ra có thể áp dụng điều trị chuyên biệt tùy vào nguyên nhân bằng cách dùng thuốc chống virus, phẫn thuật trong trường hợp tăng sản bạch huyết, thuốc ứng chế bơm proton hay phẫu thuật Nissen trong bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản.
Bác sĩ Tuấn khuyên bệnh nhân bị phổi mô kẽ cần tránh tuyệt đối hút thuốc lá chủ động hay thụ động. Bên cạnh đó cần có chế độ dinh dưỡng và vận động phù hợp.