Bệnh nhiệt miệng và sức khỏe răng miệng

Bệnh nhiệt miệng và sức khỏe răng miệng

Nhiệt miệng là một vết loét nhỏ, thường xuất hiện trong miệng, và gây ảnh hưởng khá nhiều đến sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt là trong ăn uống. Hiện có hai loại nhiệt miệng:

  • Nhiệt miệng thông thường: Xuất hiện ba hoặc bốn lần trong một năm và kéo dài đến một tuần. Chúng thường xảy ra ở những người từ 10 đến 20 tuổi.
  • Nhiệt miệng mãn tính: Loại nhiệt miệng này ít phổ biến hơn và xảy ra thường xuyên hơn ở những người thường xuyên tái phát bệnh.

Nguyên nhân gây ra nhiệt miệng là gì?

Hiện tại nguyên nhân chính xác gây ra nhiệt miệng vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, căng thẳng hoặc chấn thương mô có thể là tác nhân gây ra nhiệt miệng. Ngoài ra, một số loại thực phẩm - bao gồm các loại trái cây và rau quả có tính axit (như chanh, cam, dứa, táo, quả sung, cà chua và dâu tây) có thể gây ra nhiệt miệng hoặc làm cho tình trạng trở nên tồi tệ hơn. Đôi khi, một bề mặt răng hoặc dụng cụ nha khoa, chẳng hạn như niềng răng hoặc răng giả, cũng có thể gây ra vết loét.

Một số trường hợp bị nhiệt miệng là do tình trạng sức khỏe tiềm ẩn, chẳng hạn như hệ thống miễn dịch bị suy yếu, vấn đề dinh dưỡng, chẳng hạn như thiếu vitamin B-12, kẽm, axit folic hoặc thiếu sắt, hoặc bệnh đường tiêu hóa như bệnh celiac hay bệnh Crohn.

Bệnh lở miệng và nhiệt miệng giống nhau không?

Câu trả lời là không. Mặc dù vết lở miệng và nhiệt miệng thường bị lẫn lộn với nhau, nhưng chúng không giống nhau. Bệnh lở miệng, hay còn gọi là giộp môi, là những tổn thương đau nhức xuất hiện quanh vùng miệng. Đây là một dạng nhiễm trùng gây ra bởi virus Herpes Simplex loại 1 (HSV-1). Không giống như nhiệt miệng, bệnh lở miệng là do virus gây ra và rất dễ lây lan. Ngoài ra, bệnh lở miệng thường xuất hiện bên ngoài miệng - thường là dưới mũi, quanh môi hoặc dưới cằm - trong khi nhiệt miệng xảy ra bên trong miệng.

Các triệu chứng của nhiệt miệng là gì?

Bạn có thể bị đau nếu xuất hiện những dấu hiệu sau:

  • Một vết loét xuất hiện bên trong miệng - trên lưỡi, trên vòm miệng mềm (phần sau của vòm miệng) hoặc bên trong má.
  • Cảm giác ngứa ran hoặc nóng rát trước khi vết loét xuất hiện.
  • Các vết loét trong miệng có hình tròn, màu trắng hoặc xám, có viền trắng hoặc màu đỏ.

Bên cạnh đó bạn cũng có thể xảy ra các triệu chứng như sau:

  • Sốt.
  • Thể chất chậm chạp.
  • Hạch bạch huyết sưng.

Nhiệt miệng được điều trị như thế nào?

Cơn đau của nhiệt miệng sẽ giảm dần trong vài ngày và vết loét thường lành mà không cần điều trị trong khoảng một hoặc hai tuần. Bên cạnh đó, các vết loét cũng có thể được điều trị bằng laser nha khoa giúp giảm gần như hoàn toàn các triệu chứng ngay lập tức. Tuy nhiên bạn nên thảo luận với bác sĩ về phương pháp này.

Nhiệt miệng có thể được ngăn chặn hay không?

Mặc dù hiện tại vẫn chưa có cách điều trị nhiệt miệng và chúng thường tái phát, nhưng bạn có thể giảm tần suất của chúng bằng cách:

  • Tránh các thực phẩm gây kích ứng miệng bao gồm trái cây họ cam quýt, rau có tính axit và thực phẩm cay.
  • Tránh kích ứng từ kẹo cao su.
  • Đánh răng bằng bàn chải lông mềm sau bữa ăn và dùng chỉ nha khoa hàng ngày.

Bạn nên khám bác sĩ nếu xuất hiện những dấu hiệu sau:

  • Vết loét lớn bất thường.
  • Các vết loét đang lan rộng.
  • Các vết loét kéo dài 3 tuần hoặc lâu hơn.
  • Đau không thể chịu được mặc dù tránh thực phẩm kích hoạt và dùng thuốc giảm đau không kê đơn.
  • Uống nước khó khăn.
  • Sốt cao (với sự xuất hiện của các vết loét).

Các câu hỏi liên quan

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...