Bệnh lao kháng thuốc
Ngược dòng lịch sử từ thuở sơ khai của nhân loại cho đến đầu thế kỷ 20, bệnh lao vẫn là căn bệnh nan y không có thuốc chữa trị. Từ khi streptomycin ra đời năm 1943 khởi đầu kỷ nguyên hóa trị liệu bệnh lao, hiện nay bệnh lao đã có thể chữa khỏi hoàn toàn với các phác đồ điều trị lao thông dụng dùng phối hợp 4 hoặc 5 loại thuốc trong các thuốc streptomycin, Rifampicin, Pyrazynamide, lsoniazide và Ethambutol. Năm loại thuốc này được gọi là thuốc kháng lao hàng thứ nhất. Thông thường vi khuẩn lao sẽ dễ dàng bị tiêu diệt bởi các thuốc kháng lao hàng thứ nhất này. Nếu vì một lý do nào đó mà các thuốc kháng lao này không thể tiêu diệt được vi khuẩn lao hay nói cách khác, vi khuẩn lao “khoẻ” hơn, có cách thức nào đó “chịu đựng” được thuốc kháng lao và các thuốc diệt vi khuẩn lao không còn công hiệu nữa, tình trạng này gọi là lao kháng thuốc.
Vì sao bị lao kháng thuốc?
Phần lớn lý do dẫn đến bị lao kháng thuốc là do người bệnh dùng thuốc lao không đúng cách, không tuân thủ nguyên tắc Đúng - Đủ - Đều. Một số vi khuẩn lao còn “sống sót” này vẫn tồn tại được trong lúc đang dùng thuốc lao, tự hình thành được khả năng “đối phó” với thuốc và theo thời gian sẽ phát triển thành một dòng vi khuẩn đề kháng với thuốc kháng lao. Các vi khuẩn lao có thể bị tiêu diệt bời thuốc kháng lao dần dần bị tiêu diệt hết, còn lại dòng vi khuẩn đề kháng với thuốc ngày càng sinh sôi phát triển vì lúc này thuốc kháng lao không thể tiêu diệt được chúng nữa và trở thành bệnh lao kháng thuốc.
Một số trường hợp bị bệnh lao kháng thuốc là lỗi của thầy thuốc, thường là các bác sĩ không chuyên khoa: kê đơn không đúng, không phối hợp đầy đủ các thuốc chống lao, liều lượng thuốc không đủ, hướng dẫn bệnh nhân không đúng cách...hoặc do bệnh nhân ra nhà thuốc, hiệu thuốc mua thuốc về tự chữa không đúng cách mà không được hướng dẫn đầy đủ.
Tuy nhiên cũng có những người tuân thủ đúng các nguyên tắc điều trị lao nhưng vẫn bị bệnh lao kháng thuốc. Đó là do những người này bị lây nhiễm trực tiếp bởi chủng vi khuẩn lao đã bị kháng thuốc từ trước. Tình huống thường gặp là do tiếp xúc gần gũi lâu ngày với người đã bị lao kháng thuốc hoặc người đã phải điều trị bệnh lao nhiều lần mà chưa khỏi hẳn bệnh.
Triệu chứng bệnh của lao kháng thuốc cũng không khác với lao thông thường: người bệnh cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, sụt cân, hay bị sốt, đêm thường ra mồ hôi, đau ngực, ho ra máu...
Làm sao xác định đã bị bệnh lao kháng thuốc?
Những người nghi ngờ bị lao kháng thuốc là những người đã điều trị thất bại với các phác đồ điều trị lao thông thường, tức là đã điều trị đủ thời gian các phác đồ điều trị lao nhưng vẫn còn tìm thấy vi khuẩn lao trong đàm. Hoặc là những người bị mắc bệnh lao mà có tiền sử tiếp xúc với người lao kháng thuốc.
Mẫu đàm của người bệnh mang đến sẽ được đặt ở môi trường và nhiệt độ thích hợp trong phòng xét nghiệm để vi khuẩn lao có thể sinh sôi phát triển, sau đó cho thêm vào các loại thuốc kháng lao. Sau 2 đến 3 tháng, kết quả sẽ cho biết vi khuẩn lao có thể bị tiêu diệt bởi loại thuốc kháng lao nào và đề kháng với loại thuốc kháng lao nào. Kết quả kháng sinh đồ rất quan trọng vì không những giúp xác định có bị lao kháng thuốc hay không mà còn giúp hướng dẫn cho việc điều trị sau này. Kỹ thuật thực hiện kháng sinh đồ đòi hỏi nhiều tháng mới có kết quả (do vi khuẩn lao sinh sản chậm), người bệnh cần kiên nhẫn và quan tâm đúng mức để nhận được kết quả cần thiết này. Gần đây, nhiều kỹ thuật mới đang được nghiên cứu và triển khai nhằm rút ngắn thời gian thực hiện kháng sinh đồ.
Điều trị lao kháng thuốc
Khi đã xác định là lao kháng thuốc (kháng ít nhất một trong 5 thuốc kháng lao hàng thứ nhất streptomycin, Rifampicin, Pyrazynamide, lsoniazide và Ethambutol), bệnh nhân sẽ được thay thế thuốc đã bị kháng với một hoặc nhiều thuốc trong nhóm thuốc kháng lao hàng thứ hai (như Kanamycin, Cycloserin, Ethionamid, PAS, Pluoroquinilones...). Thông thường các bác sĩ sẽ dựa vào kháng sinh đồ để chọn lựa thuốc thích hợp cho người bệnh. Khi dùng các thuốc kháng lao hàng thứ hai này thường có nhiều tác dụng không mong muốn hơn các thuốc kháng lao hàng thứ nhất như chán ăn, nôn ói, viêm gan, viêm thần kinh, rối loạn tâm thần kinh hay trầm cảm, suy thận... Thời gian điều trị cũng kéo dài hơn nhiều so với thuốc kháng lao hàng thứ nhất; trung bình 18 - 24 tháng, nhưng khả năng trị khỏi bệnh hoàn toàn chỉ đạt khoảng 50 - 60% mà thôi. Nếu người bệnh lao kháng thuốc mà lại tiếp tục không tuân thủ điều trị thì khả năng khỏi bệnh càng thấp hơn, thậm chí sẽ dẫn đến không còn loại thuốc nào để chữa.
- Lao đa kháng thuốc (MDR): Là trường hợp bệnh nhân có vi khuẩn lao kháng đồng thời với hai loại thuốc điều trị chủ lực hiện nay: lsoniazide và Rifampicin.
- Lao siêu kháng thuốc (XDR); Là trường hợp bệnh nhân có vi khuẩn lao đa kháng thuốc (kháng lsoniazide và Ritampicin) lại đồng thời kháng cả với các thuốc uống nhóm Pluoroquinolone và ít nhất là với một trong ba loại thuốc chích là Capreomycin, Kanamycin và Amikacin.
Tinh hình bệnh lao kháng thuốc trên thế giới
Theo số liệu thu thập được từ hơn 100 nước trong khoảng năm 1998 đến 2008, có khoảng 5% - 22% trong số bệnh nhân lao mới bị lao đa kháng thuốc; và trong số những bệnh nhân lao đa kháng thuốc, có khoảng 10% bị lao siêu kháng thuốc. Riêng ở khu vực Tây Thái Bình Dương, tỷ lệ đa kháng thuốc trong bệnh nhân lao mới dao động trong khoảng 0% đến 10,8%.
Lao kháng thuốc tại Việt Nam
Theo kết quả điều tra trong vòng 10 năm trở lại đây, tỷ lệ bệnh nhân lao kháng thuốc trong số khoảng 90.000-100.000 bệnh nhân lao mới mỗi năm là khoảng 2,3%.
Nếu tính trong số các bệnh nhân đã điều trị lao, tỷ lệ lao kháng thuốc còn cao hơn. Tỷ lệ kháng đa thuốc là khoảng 3%; chi phí điều trị cho trường hợp này cao hơn hàng chục lần so với bệnh nhân lao thông thường. Thành phố Hồ Chí Minh có tỷ lệ lao kháng thuốc cao nhất nước, gần 40%. Với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới, Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng hệ thống phòng lưu bệnh đạt chuẩn dành cho điều trị lao kháng thuốc, triển khai hệ thống giám sát người bệnh và cải thiện năng lực xét nghiệm. Hiện bệnh viện Phạm Ngọc Thạch triển khai thí điểm điều trị lao đa kháng thuốc theo phác đồ mới gồm các thuốc ít bị kháng nhất. Tuy nhiên, thời gian điều trị rất dài (18-24 tháng), tỷ lệ lành bệnh chỉ khoảng 50-60%. Khi dùng phác đồ này, nếu bệnh nhân không tuân thủ đúng hướng dẫn thì khả năng khỏi rất thấp, lúc đó không còn thuốc nào để chữa.