Bệnh Huyết Khối Tĩnh Mạch Sâu
Bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu là gì?
Huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) được hình thành khi có cục máu đông ở tĩnh mạch. Khi đó tĩnh mạch bị ảnh hưởng thường nằm ở lớp cơ sâu trong chân hoặc cũng có thể ở những vùng khác và cục máu đông này khiến máu khó lưu thông. Đối với những vị trí có mạch máu bị tắc nghẽn sẽ trở nên sưng phù, bầm đỏ, và gây ra đau đớn. Không những thế khi máu tụ di chuyển đến phổi sẽ dẫn đến tình trạng tắt mạch phổi và có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng về hô hấp.
Thông thường căn bệnh này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là trên 60 tuổi. Ngoài ra những người ít vận động, thai phụ, hoặc trường hợp mắc chứng rối loạn máu gây cục máu đông cũng có khả năng mắc huyết khối tĩnh mạch sâu cao hơn.
Nguyên nhân gây ra huyết khối tĩnh mạch sâu là gì?
Hiện tại các nguyên nhân gây ra huyết khối tĩnh mạch sâu bao gồm:
Do lớp bên trong của mạch máu bị tổn thương:
Tổn thương này có thể bị gây ra do các yếu tố vật lý, hóa học, hoặc sinh học. Và các yếu tố này bao gồm phẫu thuật, chấn thương nghiêm trọng, viêm nhiễm, phản ứng miễn dịch.
Lưu lượng máu chảy chậm:
Ít vận động có thể khiến lưu lượng máu chảy chậm. Điều này có thể xảy ra sau khi bạn vừa trải qua một ca phẫu thuật, khi bị bệnh phải nằm trên giường trong nhiều ngày, hoặc phải di chuyển trên máy bay hay ô tô trong thời gian dài.
Máu dày và dễ đông hơn bình thường:
Trong một số điều kiện di truyền (như yếu tố V Leiden), liệu pháp hormone và thuốc tránh thai có thể làm tăng nguy cơ đông máu.
Ngoài những nguyên nhân đã nêu ở trên thì một số yếu tố sau đây có thể gia tăng nguy cơ mắc huyết khối tĩnh mạch sâu, chẳng hạn như:
- Rối loạn đông máu di truyền: Một số trường hợp có các rối loạn di truyền làm cho máu đông dễ dàng hơn. Tuy nhiên thường thì tình trạng này có thể không gây ra các vấn đề trừ khi được kết hợp với các yếu tố gây huyết khối.
- Thời gian nằm trên giường kéo dài, ví dụ như phải nằm viện hay bị liệt.
- Chấn thương hay phẫu thuật: Chấn thương liên quan đến tĩnh mạch hay phẫu thuật có thể gia tăng nguy cơ huyết khối.
- Mang thai: Thai nhi tạo áp lực lớn lên tĩnh mạch trong vùng chậu và vùng chân của sản phụ. Bên cạnh đó những trường hợp có rối loạn đông máu di truyền cũng có nguy cơ cao mắc phải căn bệnh này. Không những thế nguy cơ huyết khối vẫn có thể tiếp tục xảy ra trong thai kỳ tiếp tục đến sáu tuần sau khi sản phụ đã sinh.
- Dùng thuốc trách thai hay các liệu pháp thay thế hormon: Thuốc tránh thai (thuốc viên uống) và các liệu pháp thay thế hormon đều có thể dẫn đến khả năng xuất hiện huyết khối.
- Quá cân hay béo phì: Trọng lượng quá lớn sẽ khiến áp lực đè vào tĩnh mạch ở vùng chậu và vùng chân tăng cao.
- Hút thuốc: Hút thuốc ảnh hưởng đến máu đông và tuần hoàn máu, có thể tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT).
- Ung thư: Một số bệnh ung thư có thể gây huyết khối. Bên cạnh đó một số thuốc trị ung thư cũng có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện huyết khối.
- Suy tim: Đối với những trường hợp mắc bệnh suy tim đều có nguy cơ cao huyết khối tĩnh mạch sâu và tắc nghẽn mạch phổi. Suy tim còn có thể khiến các triệu chứng tắc nghẽn mạch phổi nghiêm trọng hơn.
- Bệnh viêm ruột: Các bệnh lý về đường ruột, ví dụ như bệnh Crohn’s, hay viêm loét đại tràng, gia tăng nguy cơ mắc huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT).
- Gia đình có tiền sử mắc huyết khối tĩnh mạch sâu hay tắc nghẽn mạch phổ: Nếu trong gia đình bạn có người đã từng mắc huyết khối tĩnh mạch sâu hay tắc nghẽn mạch phổi, bạn có dễ mắc phải huyết khối tĩnh mạch sâu.
- Tuổi tác: Từ 60 tuổi trở lên, nguy cơ mắc huyết khối tĩnh mạch sâu sẽ tăng lên, mặc dù huyết khối có thể xảy ra ở mọi độ tuổi.
Những triệu chứng phổ biến của huyết khối tĩnh mạch sâu là gì?
Cho đến nay, chỉ một nửa trong số những trường hợp mắc huyết khối tĩnh mạch sâu là xuất hiện triệu chứng. Sau đây là một số triệu chứng có thể thấy như:
- Sưng vù cả chân hoặc dọc theo mạch máu.
- Chân bị đau nhức khi đứng hoặc đi bộ.
- Cảm thấy nóng ở vùng chân bị sưng hoặc đau.
- Da bị bầm đỏ.
Tuy nhiên nếu cục máu đông di chuyển đến phổi, người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng tắc mạch phổi, bao gồm:
- Khó thở không rõ nguyên nhân.
- Cảm thấy đau khi hít vào.
- Ho ra máu.
- Thở gấp và nhịp tim nhanh cũng có thể là những dấu hiệu của tắc mạch phổi.
Những phương pháp điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu như thế nào?
Hiện tại, để điều trị căn bệnh này bác sĩ thường sử dụng phương pháp tiêm tức thì chất làm loãng máu (heparin) để ngăn ngừa hình thành huyết khối và làm loãng máu. Heparin có thể được tiêm vào tĩnh mạch hoặc tiêm dưới da. Bên cạnh đó bác sĩ sẽ kê toa một số thuốc loãng máu như warfarin để ngăn tình trạng huyết khối diện rộng đồng thời ngăn chặn hình thành các huyết khối mới. Sau một vài ngày, bệnh nhân sẽ sử dụng đồng thời warfarin và heparin. Khi warfarin đạt mức lý tưởng trong máu, heparin sẽ được ngưng sử dụng và tiếp tục dùng warfarin trong khoảng vòng 6 tháng, hoặc lâu hơn tùy vào nguyên nhân gây bệnh. Ngoài ra, xét nghiệm máu giúp xác định lượng warfarin thích hợp nhất cần dùng.
Bên cạnh đó chất ức chế thrombin cũng có thể được sử dụng cho các bệnh nhân không thể dùng heparin.
Thrombolytics có thể nhanh chóng làm tan các cục máu đông nhưng cũng có thể gây xuất huyết. Do đó loại thuốc này chỉ được sử dụng trong trường hợp đang nguy hiểm đến tính mạng.
Nếu bệnh nhân không thể sử dụng thuốc làm loãng máu, bác sĩ có thể đề nghị họ sử dụng lưới lọc tĩnh mạch chủ. Ở phương pháp này, một tấm lưới sẽ được đặt vào tĩnh mạch chủ. Tấm lưới này sẽ lọc các huyết khối trước khi chúng di chuyển đến phổi.
Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể tư vấn bệnh nhân sử dụng loại vớ đặc biệt để kiểm soát tình trạng sưng phù chân.