Bệnh Hoại Tử Vô Mạch

Bệnh Hoại Tử Vô Mạch

Hoại tử vô mạch là bệnh gì?

Hoại tử vô mạch là một căn bệnh về xương (còn được gọi là hoại tử xương, hoại tử vô trùng và hoại tử xương thiếu máu cục bộ), xảy ra do mất tạm thời hoặc vĩnh viễn nguồn cung cấp máu tới xương. Thông thường nếu không được cung cấp đủ máu, các tế bào xương sẽ bắt đầu chết đi khiến cho xương trở nên dễ gãy. Và nếu hoại tử vô mạch xảy ra ở gần khớp, thì bề mặt khớp sẽ bị phá hủy.

Cho đến nay, hoại tử vô mạch thường ảnh hưởng nhiều nhất đến phía cuối các đoạn xương dài, chẳng hạn như xương đùi, xương cánh tay, xương đầu gối, xương vai, xương mắt cá chân và xương hông. Ngoài ra, bệnh có thể ảnh hưởng đến một hay nhiều xương cùng lúc hoặc cũng có thể là nhiều xương tại nhiều thời điểm khác nhau. 

Nguyên nhân gây ra hoại tử vô mạch là gì?

Hiện nay nguyên nhân gây ra căn bệnh này là do sự suy giảm nguồn cung cấp từ máu đến xương, đôi khi nguyên nhân gây ra sự suy giảm đó không phải lúc nào cũng được xác định rõ ràng. Ngoài ra, sự suy giảm xương có thể gây ra bởi các căn bệnh khác, hoặc sau một chấn thương nghiêm trọng, chẳng hạn như bị gãy xương hoặc trật khớp. Không những thế tình trạng này cũng có thể xảy ra một cách tự phát, nghĩa là bệnh xảy ra mà không có bất kỳ chấn thương hoặc bệnh tật nào.

Sau đây là các yếu tố làm tăng nguy cơ dễ bị hoại tử vô mạch bao gồm:

Chấn thương:

Những chấn thương như trật hay gãy khớp háng, có thể làm tổn thương mạch máu lân cận và giảm nguồn máu nuôi tới xương.

Sử dụng steroid:

Mặc dù nguyên nhân chính xác vẫn chưa được xác định, nhưng đã có giả thiết cho rằng corticosteroid làm tăng lipid máu, giảm lượng máu nuôi xương gây hoại tử vô mạch.

Sử dụng rượu quá nhiều:

Uống rượu nhiều mỗi ngày trong vòng nhiều năm làm tích tụ mỡ trong máu.

Sử dụng biphosphonate:

Dùng thuốc làm tăng mật độ xương kéo dài có thể gây hoại tử xương hàm.

Hậu quả của điều trị:

Xạ trị ung thư có thể làm yếu xương. Ghép tạng, đặc biệt là ghép thận có thể làm tăng nguy cơ mắc hoại tử vô mạch.

Một số bệnh lý liên quan đến hoại tử vô mạch:

Viêm tụy cấp, đái tháo đường, bệnh Gaucher, HIV/AIDS, Lupus ban đỏ toàn thân, thiếu máu hồng cầu liềm.

Những triệu chứng của hoại tử vô mạch là gì?

Hiện tại, ở giai đoạn đầu căn bệnh này thường không xuất hiện triệu chứng. Tuy nhiên khi bệnh tiến triển ở các giai đoạn sau, hầu hết người bệnh sẽ bị đau khớp. Đầu tiên chỉ đau khi mang vác vật nặng và sau đó cơn đau xảy ra kể cả lúc nghỉ ngơi. Thông thường cơn đau có thể nhẹ hoặc nặng và gia tăng mức độ từ từ theo thời gian.

Và nếu bệnh hoại tử vô mạch trở nên nghiêm trọng, lúc đó xương cũng như bề mặt các khớp bị vỡ, cơn đau sẽ trở nên rất tồi tệ và có thể làm hạn chế khả năng hoạt động của khớp xương bị ảnh hưởng.

Ở một số trường hợp, đặc biệt là hoại tử vô mạch ở hông, người bệnh có thể bị mất chức năng khớp xương, và có thể dẫn đến tàn tật.

Những kỹ thuật y tế dùng để chẩn đoán hoại tử vô mạch là gì?

  • X-quang.
  • Chụp MRI và CT.
  • Xạ hình xương.

Những phương pháp điều trị hoại tử vô mạch là gì?

Ở giai đoạn đầu của bệnh, bác sĩ thường đưa ra các phương pháp điều trị phi phẫu thuật. Các phương pháp này có thể giúp bệnh nhân giảm các cơn đau trong khoản thời gian ngắn, nhưng không thể chữa khỏi hoàn toàn căn bệnh này. Sau đây là các phương pháp điều trị bao gồm:

Sử dụng dược phẩm:

Bác sĩ sẽ kê đơn cho người bệnh các loại thuốc chống viêm không chứa steroid (NSAID) để giảm đau và sưng. Đối với những trường hợp bị hoại tử vô mạch do khối máu đông làm tắc nghẽn đường lưu thông của máu, bác sĩ có thể kê toa các loại thuốc làm loãng máu.

Hạn chế hoạt động các khớp:

Bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh sử dụng nạng và hạn chế các hoạt động ảnh hưởng đến các khớp xương nhằm làm giảm các tổn thương từ đó giúp cho xương có thời gian hồi phục. Ngoài ra, kết hợp sử dụng thuốc, có thể giúp người bệnh hồi phục và tránh việc phải phẫu thuật.

Tập các bài tập vận động nâng cao:

Tầm hoạt động của khớp xương.

Kích thích điện:

Các nghiên cứu đã cho thấy phương pháp này có thể giúp thúc đẩy khả năng phát triển của xương.

Hầu hết các trường hợp mắc bệnh hoại tử vô mạch, bệnh nhân cần phải phẫu thuật để có thể chữa trị hoàn toàn.

Cho đến nay có bốn loại phẫu thuật phổ biến được sử dụng để điều trị bệnh hoại tử vô mạch, bao gồm:

  • Phẫu thuật giải tỏa chèn ép lõi: Giúp giảm áp lực bên trong xương để máu lưu thông hiệu quả hơn.
  • Phẫu thuật mở xương: Thay đổi hình dạng của xương để giảm áp lực lên xương bị tổn thương.
  • Phẫu thuật ghép xương: Dùng xương khỏe mạnh từ một bộ phận khác trên cơ thể để thay thế cho xương bị tổn thương.
  • Phẫu thuật thay thế xương hoàn toàn: Thay thế xương bị hoại tử bằng xương nhân tạo.

Để ngăn ngừa bệnh và cải thiện sức khỏe, cần áp dụng các biện pháp sau đây:

  • Giảm uống rượu bia.
  • Giữ mức cholesterol máu thấp: Những phân tử cholesterol nhỏ li ti là chất thường gây tắc mạch máu.
  • Quản lý việc sử dụng steroid: Báo cho bác sĩ nếu bạn đã hoặc đang sử dụng steroid liều cao.

Các câu hỏi liên quan

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...