Bệnh giun đũa có nguy hiểm tính mạng không?
Giun đũa có thói quen đục lỗ, quấn với nhau thành cục, và thích kiềm sợ axit. Khi trẻ bị sốt cao, môi trường đường ruột thay đổi hoặc xổ giun không đúng cách, không đúng liều lượng đều có thể gây ra các biến chứng, nếu không được xử lý kịp thời sẽ nguy hiểm tính mạng.
1. Bệnh giun chui ống mật: là triệu chứng lâm sàng thường gặp. Giun đũa di chuyển lên, chui vào ống mật, khiến cơ thắt ống mật co mạnh, gây đau nhiều từng cơn ở dưới mỏ ác hoặc bụng trên phải. Khi bệnh bùng phát, trẻ khóc thét, quằn quại, mồ hôi đầm đìa, mặt trắng bạch, thậm chí sốc. Giun mang cả vi khuẩn trong ruột vào ống mật hoặc gan gây viêm mật, ống mật, áp xe gan, trẻ xuất hiện triệu chứng nhiễm độc toàn thân.
2. Tắc ruột do giun đũa: là biến chứng thường gặp nhất của bệnh giun đũa. Khi bình thường, giun trong đường ruột ở trạng thái yên tĩnh, song hễ bị kích thích như sốt cao, tiêu chảy, xổ giun không đúng đều khiến giun náo động, quấn với nhau thành búi chèn kín đường ruột, có khi lên đến hàng trăm con, hoặc do kích thích cd học của giun và chất độc do chúng tiết ra kích thích thành ruột gây co thắt, dẫn tới hẹp lòng ruột. Lâm sàng xuất hiện triệu chứng tắc ruột không hoàn toàn như đau bụng dữ dội từng cơn, kèm theo nôn (có thể nôn ra giun), chướng bụng, táo bón, có thể sờ thấy búi sợi kích cỡ khác nhau, ấn không đau, xoa bóp nhẹ, búi giun có thể tan. Nếu tắc lâu, ruột co thắt cục bộ, phù nề, có thể diễn tiến thành tắc hoàn toàn. Lúc này trẻ nôn nhiều, bụng trướng, nặng, cục ở bụng cố định, ấn đau, kèm theo sốt cao, rối loạn nước, điện giải, sốc.
Nếu tắc không hoàn toàn thì có thể điều trị nội khoa, nhưng phải giám sát chặt chẽ. Nếu tắc hoàn toàn thì phải phẫu thuật cấp cứu ngay.