Bệnh Cuồng Nhĩ
Cuồng nhĩ là gì?
Cuồng nhĩ (tên tiếng Anh là Atrial Flutter), là tình trạng xảy ra khi tim có hiện tượng các tâm nhĩ bắt đầu đập nhanh hơn do có quá nhiều luồng xung điện bất thường. Khi đó các tâm nhĩ rung lên khi chúng cố gắng co, nhưng sự co thắt này xảy ra với tốc độ quá nhanh. Các tâm nhĩ có thể đập đến 300 lần/ phút, thay vì từ 60 đến 100 lần/phút như bình thường. Căn bệnh trên thường xuất hiện phổ biến ở người lớn tuổi và tỷ lệ nam giới có nguy cơ mắc bệnh cuồng nhĩ cao hơn nữ giới.
Nguyên nhân gây ra bệnh cuồng nhĩ là gì?
Hiện nay căn bệnh trên có nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó nguyên nhân chính gây ra bệnh là liên quan đến các bệnh về tim như:
- Tăng huyết áp.
- Nhồi máu cơ tim.
- Bất thường van tim.
- Dị tật tim bẩm sinh.
- Cường giáp.
Mặc dù các nguyên nhân gây ra căn bệnh đã được nêu ở trên nhưng các các yếu tố nguy cơ sau đây làm tăng khả năng mắc bệnh cuồng nhĩ bao gồm:
- Tuổi tác: Người lớn tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn bình thường.
- Tiền sử bệnh: Người có tiền sử mắc bệnh tim mạch, các vấn đề về van tim, có tiền căn nhồi máu cơ tim và phẩu thuật tim.
- Tăng huyết áp: Nếu không được kiểm soát tốt, người bệnh có thể tăng nguy cơ mắc bệnh cuồng nhĩ.
- Nghiện rượu bia.
- Tiền sử gia đình có người mắc bệnh cuồng nhĩ.
Triệu chứng thường thấy ở bệnh cuồng nhĩ là gì?
Hiện nay, các dấu hiệu chính thường thấy của căn bệnh trên là đánh trống ngực, chóng mặt, đầu lâng lâng, choáng váng (muốn ngất), đột ngột thay đổi về khả năng nói, ăn uống, đi lại hay cử động chi. Tuy nhiên bệnh có thể có các dấu hiệu khác như đau thắt ngực hoặc suy tim. Đối với trường hợp khi bị đau thắt ngực người bệnh sẽ có cảm giác đau ở tim, nguyên nhân là do lượng máu được cung cấp đến tim bị giảm. Ngoài ra, với trường hợp có triệu chứng suy tim, người bệnh có thể gặp các vấn đề về hô hấp hoặc ngất xỉu.
Điều trị bệnh cuồng nhĩ
Thực tế hiện nay, mục đích chính của việc điều trị căn bệnh trên là khắc phục nguyên nhân gây lối loạn nhịp tim, đồng thời làm chậm số lần tim đập và ngăn ngừa sự hình thành máu đông nhằm giữ cho tim hoạt động bình thường. Vì thế, các phương pháp điều trị hiện nay phụ thuộc vào các triệu chứng và nguyên nhân gây ra bệnh. Đôi khi bác sĩ có thể sử dụng một số thuốc để giúp kiểm soát tần số co của các tâm thất để lấy lại nhịp đập bình thường của tim. Phương pháp này còn được gọi là khử rung bằng thuốc.
Tuy nhiên, nếu thuốc không có tác dụng hoặc người bệnh có các triệu chứng trầm trọng hơn, bác sĩ có thể sẽ tiến hành dùng biện pháp sốc điện cho tim (khử rung bằng điện). Khi đó dòng điện ngắn đó sẽ làm ngưng hoạt động điện của tim để lấy lại nhịp đập bình thường của tim.
Nếu tất cả các phương pháp trên điều không có hữu ích, bác sĩ có thể sẽ đề xuất sử dụng phương pháp khảo sát điện sinh lý (EPS). Khi đó thông qua kết quả phân tích EPS, bác sĩ có thể sẽ quyết định lựa chọn các biện pháp chữa trị khác như đốt sóng cao tần, đặt máy tạo nhịp và phẫu thuật.
Ngăn ngừa bệnh cuồng nhĩ
- Tập thể dục thường xuyên và tăng hoạt động thể chất.
- Ăn uống lành mạnh, ăn các thức ăn có lợi cho tim mạch, hạn chế muối và chất béo không tan, tăng cường ăn rau xanh, trái cây và ngũ cốc nguyên cám.
- Tránh uống quá nhiều rượu bia và cà phê.
- Không hút thuốc.
- Duy trì cân nặng có lợi cho sức khỏe.
- Điều trị các bệnh nền hiện có như đái tháo đường (tiểu đường), bệnh phổi, tăng huyết áp,...