Bệnh Cường Aldosterone
Cường aldosterone là bệnh gì?
Cường aldosterone là một dạng rối loạn xảy ra khi tuyến thượng thận sản sinh quá nhiều hormone aldosterone trong máu. Tuyến thượng thận là tuyến có hình tam giác nằm sau thận, có kích thước bằng đầu ngón tay cái. Và đây là nơi sản xuất ra hormone aldosterone, giúp cân bằng lượng muối và kali trong máu. Tuy nhiên, nếu mắc phải căn bệnh này, thì nồng độ kali trong máu của cơ thể có thể bị giảm, còn nồng độ muối tăng lên, từ đó khiến huyết áp tăng cao.
Hiện tại, Cường aldosterone không phải là căn bệnh quá phổ biến. Và tỷ lệ mắc bệnh của nam giới và nữ giới là như nhau. Bệnh thường xuất hiện ở những trường hợp bị cao huyết áp, hoặc trong độ tuổi từ 30 đến 50.
Nguyên nhân gây ra cường aldosterone là gì?
Cho đến nay, nguyên nhân chính gây ra tình trạng này là do tuyến thượng thận tiết ra quá nhiều hormone aldosterone.
Ngoài ra, căn bệnh này còn được chia làm 2 loại đó là cường aldosterone nguyên phát và thứ phát.
Ở Cường aldosterone nguyên phát thường xảy ra khi xuất hiện khối u ở tuyến thượng thận. Tuy nhiên, đây là những khối u lành tính, và còn được gọi là u tuyến hoặc là hội chứng Conn.
Còn đối với Cường aldosterone thứ phát thường do những bệnh khác trong cơ thể gây ra như suy tim sung huyết, suy gan, bệnh thận, mất nước, hoặc do một số các loại thuốc như thuốc lợi tiểu hay fludrocortisone gây ra.
Sau đây là một số các yếu tố có thể gia tăng nguy cơ mắc bệnh cường aldosterone tăng cao chẳng hạn như:
- Tình trạng cao huyết áp cần phải được điều trị kết hợp 3 loại thuốc trở lên.
- Tình trạng cao huyết áp từ lúc trẻ tuổi (dưới 30 tuổi).
- Gia đình có tiền sử bị đột quỵ lúc trẻ tuổi.
- Lượng kali trong máu thấp.
Những triệu chứng phổ biến của chứng cường aldosterone là gì?
Thông thường triệu chứng đầu tiên và rõ ràng nhất của căn bệnh này đó là cao huyết áp, hoặc cao huyết áp đi kèm với chứng hạ kali huyết. Ngoài ra, một vài triệu chứng khác có thể xuất hiện như yếu toàn thân, vọp bẻ, buồn nôn, táo bón, co thắt cơ bắp, và đi tiểu thường xuyên. Tuy nhiên cũng có một số trường hợp, bệnh nhân có thể không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào.
Những phương pháp điều trị cường aldosterone như thế nào?
Hiện nay, dựa vào nguyên nhân gây bệnh, các bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Và mục tiêu chủ yếu của tất cả các phương pháp này đều giúp ngăn chặn sự sản sinh aldosterone, đồng thời phòng ngừa những biến chứng do cao huyết áp và nồng độ kali trong máu thấp gây ra. Sau đây là các phương pháp điều trị phổ biến ở căn bệnh này bao gồm:
Điều trị khối u ở một tuyến thượng thận
Phẫu thuật: Bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân cần phẫu thuật để loại bỏ tuyến thượng thận có khối u. Sau khi phẫu thuật, huyết áp và nồng độ kali có thể được cải thiện, đồng thời nồng độ hormone aldosterone cũng trở về ở mức bình thường.
Dùng thuốc:Tuy nhiên nếu không thể phẫu thuật, bệnh nhân cũng có thể được chỉ định sử dụng thuốc chặn aldosterone như các thuốc đối kháng thụ thể mineralocorticoid. Tuy nhiên, điều này sẽ làm tình trạng huyết áp sẽ tăng cao và nồng độ kali trong máu sẽ giảm nếu bệnh nhân ngừng thuốc. Vì thế bệnh nhân phải tuân thủ luôn dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Điều trị ở cả 2 tuyến thượng thận
Dùng thuốc: Bác sĩ sẽ kê toa thuốc đối kháng thụ thể mineralocorticoid hoặc spironolactone có thể giúp bệnh nhân kiểm soát huyết áp và nồng độ kali trong máu. Tuy nhiên, một số loại thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ như giảm ham muốn tình dục, liệt dương, rối loạn kinh nguyệt hoặc rối loạn tiêu hóa.
Bên cạnh đó, bệnh nhân cần thay đổi thói quen sống cũng như chế độ dinh dưỡng lành mạnh có thể giúp họ kiểm soát huyết áp. Và luôn duy trì cân nặng khỏe mạnh, chế độ tập luyện thể thao phù hợp, hạn chế hút thuốc và dùng thức uống có cồn, đồng thời dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.