Bệnh Cúm A H5N1
Bệnh Cúm A H5N1 là gì?
H5N1 là một loại virus cúm gây ra bệnh hô hấp nặng, truyền nhiễm nguy hiểm ở loài chim gọi là cúm gia cầm. Có rất nhiều loại cúm gia cầm, trong đó các loại bệnh phổ biến nhất mà nhân viên y tế lo ngại là virus cúm gia cầm H5N1 và H7N9. Các virus này được tìm thấy ở một số loài chim hoang dã. Thông thường, các loài chim hoang dã không bị bệnh do nhiễm virus nhưng chúng có thể dễ dàng truyền virus cho các loài chim được nuôi để lấy thịt, chẳng hạn như gà, vịt, gà tây và làm chúng bệnh nặng.
Bên cạnh đó, H5N1 là một loại virus gây bệnh cúm gia cầm có nguy cơ tử vong cao (HPAI). Bệnh gây tử vong đối với hầu hết các loài chim, cho người và động vật có vú khác bị lây nhiễm virus từ chim.
Tính đến năm 2011, bệnh đã được phát hiện tại 6 quốc gia: Bangladesh, Trung Quốc, Ai Cập, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam.
Những ai thường mắc phải bệnh cúm H5N1?
- Người chăn nuôi gia cầm, người chế biến gia cầm, người sống trong phạm vi vùng dịch cúm.
- Các đối tượng nhạy cảm và có sức đề kháng kém như trẻ em, phụ nữ có thai, người cao tuổi...
Nguyên nhân gây ra Bệnh Cúm A H5N1 là gì?
- Virus: Sau khi virus lây truyền từ một con chim hoang dã sang gia cầm, chúng có thể dễ dàng nhanh chóng lan rộng đến hàng trăm hoặc hàng ngàn gia cầm khác. Gia cầm nhiễm bệnh phải bị tiêu hủy để ngăn chặn virus lây lan;
- Những người có tiếp xúc với gà, vịt, gà tây bị bệnh hoặc bị lây nhiễm virus. Virus cúm gia cầm có thể lây qua phân và nước bọt của chúng trên bề mặt như lồng, máy kéo và thiết bị nông nghiệp khác.
Triệu chứng khi bị bệnh Cúm H5N1
- Người bệnh nhiễm cúm A H5N1 thường có những biểu hiện giống với cúm thông thường và kèm theo một số dấu hiệu nguy hiểm hơn. Mùa đông thời tiết trở lạnh là dịp cao điểm dễ bùng phát thành dịch. Các dấu hiệu sớm của bệnh cúm gia cầm H5N1 thường bắt đầu trong vòng 2-5 ngày kể từ ngày bị nhiễm trùng. Sau đây là một số triệu chứng cơ bản:
+ Sốt cao liên tục trên 39 độ C, đau đầu.
+ Đau mỏi cơ, đặc biệt là đau tăng khi ho.
+ Ho, đau họng.
+ Đau nhức cơ bắp.
+ Viêm màng kết.
+ Một số bệnh nhân có triệu chứng buồn nôn, khó thở.
+ Ngoài ra bệnh nhân có thể tức ngực, tim đập nhanh, nhịp thở thanh, dần dần bệnh nhân bị suy hô hấp dẫn đến suy đa phủ tạng, dẫn đến tử vong.
Cách điều trị bệnh Cúm A H5N1
Quá trình trị liệu nói chung với các bệnh lý và cúm A H5N1 nói riêng đều phải có sự kết hợp khéo léo, khoa học giữa phác đồ điều trị bằng thuốc và chế độ dinh dưỡng hợp lý cho bệnh nhân. Tuân thủ nghiêm ngặt theo hướng dẫn điều trị cách ly của bác sĩ. Ngoài ra người bệnh thường có triệu chứng suy hô hấp, nên luôn cần có sự hỗ trợ về hô hấp như hút đờm, rung ngực, thở máy oxy... Các nguyên tắc chung của việc điều trị như sau:
- Khi phát hiện bệnh, người bệnh phải được cách ly và thông báo kịp thời cho các cơ quan y tế dự phòng.
- Dùng thuốc kháng virus độc lập hoặc kết hợp với (oseltamivir, zanamivir) càng sớm càng tốt trong vòng 48 tiếng. Kể cả những trường hợp tiếp xúc trực tiếp với người bệnh và có bị sốt.
- Điều trị tại chỗ với những trường hợp nặng.
- Điều trị tại chỗ với những cơ sở thích hợp và yêu cầu tuyến trên giúp đỡ nếu tình trạng bệnh nặng.
Dùng thuốc điều trị bệnh cúm A H5N1
- Người bệnh sẽ được chỉ định dùng thuốc kháng virus đơn độc hoặc kết hợp (Oseltamivir, Zanamivir). Phải dùng thuốc trong vòng 2 ngày sau khi xuất hiện các triệu chứng của cúm A H5N1.
- Điều trị hạ sốt: Khi bệnh nhân nhiễm cúm A H5N1 có biểu hiện sốt cao trên 39oC, paracetamol giúp người bệnh hạ sốt và giảm các cơn đau đầu, đau cơ khó chịu và không dùng thuốc hạ sốt nhóm salicylate như aspirin.
- Trường hợp xảy ra bội nhiễm vi khuẩn, căn cứ vào thể trạng và tiền sử bệnh lý của bệnh nhân, bác sĩ sẽ kê toa một lại kháng sinh phù hợp để điều trị.
Chế độ dinh dưỡng
- Cần phải đảm bảo một chế độ ăn hợp lý, dễ tiêu hóa và đủ dinh dưỡng dành cho người bệnh. Người bị nhiễm cúm A H5N1 thường bị sốt, các chức năng phủ tạng bị suy yếu nên thực phẩm khuyên dùng là dạng lỏng như cháo, bột, sữa...
- Đối với người bệnh nhẹ và còn tỉnh táo chúng ta vẫn cho người bệnh ăn bằng đường miệng. Còn người bị bệnh nặng thì phải kết hợp đưa thực phẩm dinh dưỡng qua ống thông dạ dày và qua đường tĩnh mạch.
- Chăm sóc hô hấp: Giúp người bệnh ho, khạc, vỗ rung vùng ngực, hút đờm.
Cách phòng chống bệnh Cúm A H5N1
1. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
- Cần mua sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đặc biệt là có dấu kiểm dịch của các cơ quan chức năng. Không nên sử dụng các loại thịt, trứng từ các loại gia cầm đã bị ốm, chết.
- Ăn chín, uống sôi là cách bảo vệ tốt nhất để cơ thể bạn tránh khỏi sự tấn công của vi khuẩn. Do vậy nên nấu chín kỹ các món ăn từ gia cầm, và đặc biệt không nên ăn những món không đảm bảo vệ sinh như tiết canh, húp trứng gà sống...
2. Nâng cao sức khỏe và khả năng miễn dịch
- Khả năng miễn dịch chính là vệ sĩ vô hình giúp bảo vệ bạn trước các tác nhân gây hại của cuộc sống. Vì vậy bạn hãy tăng cường sức khỏe và khả năng phòng bệnh bằng các cách sau:
+ Chăm chỉ tập thể dục thể thao, giữ ấm cơ thể khi trời lạnh, đặc biệt là bàn chân và các bộ phận đường hô hấp để tránh cảm cúm.
+ Giữ gìn vệ sinh các nhân bằng cách thay, giặt quần áo, giày dép hàng ngày.
+ Sử dụng các sản phẩm y tế có tính sát khuẩn như xà phòng để rửa tay thật kỹ với nước sạch, nhất là trước khi ăn và sau khi tiếp xúc trực tiếp với gia cầm.
+ Đeo khẩu trang mỗi khi ra đường và khi đi vào vùng dịch hay khi tiếp xúc, chăm sóc bệnh nhân.
3. Hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh
- Trang bị cho mình găng tay, khẩu trang, quần áo bảo hộ khi phải giết mổ gia cầm. Tốt nhất là nên hạn chế tiếp xúc với gia cầm kể cả khi chúng chưa có biểu hiện nhiễm bệnh.
- Nên có hai thớt dành riêng cho thái thịt sống và thái thịt chín. Trước khi chế biến phải rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng, đeo găng tay, rửa dao thớt bằng nước sôi để tiệt trùng. Chỉ chọn những gia cầm còn khỏe để làm thực phẩm, nên tiêu hủy ngay và đảm bảo vệ sinh môi trường khi gia cầm có các dấu hiệu nhiễm cúm.
- Trẻ em là đối tượng dễ bị lây nhiễm cao vì sức đề kháng còn yếu, vì vậy không nên cho trẻ chơi đùa cạnh chuồng gia cầm và tiếp xúc với gia cầm.