Bệnh Còi Xương
Bệnh còi xương là gì?
Bệnh còi xương là một trong những bệnh thường xảy ra ở trẻ em ở nhiều nước đang phát triển. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu hụt vitamin D hoặc thiếu hụt canxi – phosphorus trong khẩu phần ăn cũng có thể dẫn tới còi xương (các trường hợp tiêu chảy nặng và nôn có thể là nguyên nhân của sự thiếu hụt này.
Sự phát triển hệ xương ở trẻ.
Còi xương rất phổ biến ở các nước đang phát triển và nguy cơ mắc bệnh cao nhất là ở trẻ từ 6 - 36 tháng tuổi do bé đang trong giai đoạn phát triển. Trẻ em có thể không có đủ lượng vitamin D nếu sống trong khu vực ít ánh sáng mặt trời, ăn chay hoặc không uống sữa.
Nguyên nhân gây ra bệnh Còi xương là gì?
Bé có thể mắc bệnh còi xương nếu cơ thể không có đủ lượng vitamin D từ ánh sáng mặt trời và thực phẩm. Vitamin D rất quan trọng đối với sức khỏe xương vì nó giúp cơ thể hấp thụ canxi và phốt pho trong thực phẩm. Con bạn sẽ bị còi xương nếu không nhận đủ vitamin D, canxi và phosphorus.
Ngoài ra bệnh Còi xương có thể được di truyền từ bố mẹ sang con cái. Trong những trường hợp này, trẻ cần được chăm sóc y tế đặc biệt.
Nếu không nhận đủ vitamin D, canxi và phosphorus trẻ rất có thể bị còi xương.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ bị còi xương?
Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh còi xương bao gồm:
- Da đen: đây là màu da sản xuất ít vitamin D.
- Mẹ thiếu hụt vitamin D trong lúc mang thai: Trẻ do mẹ bị thiếu vitamin D trầm trọng sinh ra sẽ có thể có dấu hiệu của bệnh hoặc sẽ còi xương trong vòng vài tháng sau khi sinh.
- Vĩ độ phía Bắc: Trẻ em sống ở những nơi có ít ánh nắng mặt trời sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh còi xương.
- Sinh non.
- Các loại thuốc: Một số loại thuốc chống động kinh và thuốc kháng virus dùng trong điều trị nhiễm HIV sẽ tác động vào khả năng sử dụng vitamin D của cơ thể.
- Bé chỉ bú sữa mẹ: Sữa mẹ không có đủ vitamin D để ngăn ngừa bệnh còi xương.
- Thiếu canxi: Trẻ còi xương thường nhận ít hơn 300 mg canxi mỗi ngày (khoảng một ly sữa). Trẻ em đang phát triển hàng ngày cần từ 400 mg (trẻ sơ sinh) đến 1500 mg (thanh thiếu niên trong giai đoạn dậy vị thành niên) canxi để xương phát triển tốt.
- Ăn kiêng: Con nuôi ở nước ngoài hoặc các trẻ em trải qua nghèo đói đôi khi sẽ mắc còi xương do từng có chế độ ăn uống thiếu chất.
Các triệu chứng của bệnh còi xương là gì?
Bệnh Còi xương được chia làm 2 giai đoạn như sau:
1. Giai đoạn đầu còi xương
Giai đoạn này thường khởi phát trong khoảng thời gian 6 tháng đầu đời của trẻ và nó ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh. Nếu bạn thấy bé có những biểu hiện như ngủ không ngon, đổ mồ hôi nhiều hoặc bị chứng rôm sảy... thì nên chú ý chăm sóc trẻ cẩn thận hơn.
Nếu thấy bé mọc ít tóc, phần tóc khá mỏng đặc biệt là phần tóc phía trước và sau gáy thì khả năng bé bị còi xương là rất cao. Trong trường hợp này, bạn nên đưa bé đến gặp bác sĩ để tiến hành xét nghiệm máu, kiểm tra lượng canxi của trẻ. Nếu trẻ không bị thiếu canxi thì nhiều khả năng bị thiếu phosphorus.
Chú ý chăm sóc trẻ cẩn thận hơn.
2. Giai đoạn còi xương nặng
Giai đoạn này cũng xuất hiện trong thời điểm 6 tháng đầu đời. Bạn cần chú ý nếu thấy bé hoạt động kém hơn bình thường, chân tay uể oải, chân có dáng vòng kiềng, những mảng hói lớn trên da đầu của bé... Ở giai đoạn bệnh trở nặng, bạn sẽ thấy xương của bé mềm đến mức khi chạm vào có cảm giác như bé không có xương. Hình dáng đầu của bé cũng bị thay đổi, vùng đỉnh đầu và phía trước gần như nhô to hơn. Phần xương ở cổ tay và ngón tay có xu hướng nhô hẳn lên.
Chứng còi xương có thể làm thay đổi khung xương chậu và trở thành dấu hiệu nghiêm trọng trong quá trình phát triển của các bé gái.
Các dấu hiệu cho thấy trẻ bị còi xương.
Ngoài ra còn một số biểu hiện khác có thể nhận biết được khi bé bị còi xương như:
- Các biểu hiện ở xương: thóp rộng, bờ thóp mềm, thóp lâu kín, có các bướu đỉnh, bướu trán (trán dô), đầu bẹp cá trê.
- Các trường hợp còi xương nặng có di chứng: chuỗi hạt sườn, dô ức gà, vòng cổ chân, cổ tay, chân cong hình chữ X, chữ O.
- Răng mọc chậm, trương lực cơ nhão, táo bón.
- Trong trường hợp còi xương cấp tính: bé có thể bị co giật do hạ canxi máu.
- Các cơ nhão làm trẻ chậm biết lẫy, bò, ngồi, đứng, đi. Nếu không kịp thời điều trị sẽ để lại di chứng ở hệ xương như: Lồng ngực biến dạng, gù, vẹo cột sống, chân tay cong, chân vòng kiềng (chữ O) hoặc chân chữ bát (chữ X)... Các biến dạng của xương làm giảm chiều cao của trẻ, hạn chế chức năng hô hấp, thay đổi dáng đi và ảnh hưởng xấu đến sinh đẻ sau này đối với bé gái.
Cách điều trị bệnh còi xương
- Cho trẻ tắm nắng hàng ngày: Để lộ chân, tay, lưng, bụng trẻ để cho da các vùng này tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng lúc trước 9 giờ sáng. Thời gian tắm nắng tăng dần, những ngày đầu lúc đầu khoảng 10 - 15 phút, sau đó tăng dần tới 30 phút. Ánh nắng mặt trời phải được chiếu trực tiếp trên da mới có tác dụng, nếu qua lần vải thì rất ít tác dụng.
- Về mùa đông không có ánh nắng cho trẻ đi tắm điện ở khoa vật lý liệu pháp tại các bệnh viện. Khi tắm nắng hoặc tắm điện tiền thân vitamin D sẽ được chuyển thành vitamin D giúp điều hòa chuyển hóa và hấp thu canxi, phosphorus.
Lưu ý khi cho trẻ tắm nắng:
- Nên để hở chân, tay của trẻ dưới ánh nắng non(trước 9h sáng).
- Tránh để ánh nắng chiếu thẳng vào mặt và đầu trẻ, nên cho trẻ đội mũ.
- Không nên phơi nắng qua của kính vì như thế sẽ không có tác dụng.
- Không nên cho trẻ tắm nắng quá lâu.
- Sau khi tắm nắng phải kịp thời lau khô mồ hôi, cho trẻ uống một chút nước bổ sung. Nếu là mùa hè, tốt nhất là tắm ngay sau khi tắm nắng.
- Cho trẻ uống vitamin D 4000 đơn vị/ngày trong 4 – 8 tuần, trong trường hợp trẻ bị viêm phổi, tiêu chảy cần tăng liều 5.000 – 10.000 đơn vị/ngày trong 1 tháng.
- Cho trẻ uống thêm các chế phẩm có calci kết hợp với một số vitamin như: Calci B1 – B2 – B6: 1 – 2 ống/ngày, trẻ lớn có thể ăn cốm canxi 1 – 2 thìa cà phê/ngày.
- Cho trẻ bú mẹ, ăn bổ sung các loại thực phẩm có chứa nhiều canxi như sữa, cua, tôm, cá trong các bữa ăn hàng ngày. Vitamin D là loại tan trong dầu, nếu chế độ ăn thiếu dầu mỡ thì dù có được uống vitamin D trẻ cũng không hấp thu được nên vẫn bị còi xương. Do vậy nên cho dầu mỡ vừa đủ vào bữa ăn hàng ngày của trẻ.
Bổ sung các chất cần thiết cho trẻ.
Cách phòng chống bệnh còi xương
Đối với người mẹ:
Để phòng bị còi xương ở trẻ các chuyên gia y tế khuyến cáo là trong thời gian mang thai và cho con bú người mẹ cần được tắm nắng, có thời gian hoạt động ngoài trời, nên ăn những thực phẩm giàu vitamin D và canxi. Nếu mẹ không có điều kiện tiếp xúc với ánh nắng mặt trời thì cần được uống bổ sung vitamin D theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Đối với bé:
Trẻ sinh ra cần được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Sữa mẹ không chỉ có một hàm lượng vitamin D nhất định mà còn chứa những chất chuyển hóa của vitamin D. Sau giai đoạn cai sữa vẫn tiếp tục cho bé uống sữa công thức tối thiểu 300 -400ml/ngày.
Thông thường trẻ được cung cấp vitamin D từ 2 nguồn: từ thức ăn (sữa mẹ, gan, trứng, một số loại rau quả...). Tuy nhiên hàm lượng vitamin D có trong sữa mẹ hoặc thức ăn không nhiều. Ngoài ra vitamin D được tổng hợp từ các tiền vitamin D ở dưới da, dưới tác động quang hóa của tia cực tím trong ánh sáng mặt trời mới chính là nguồn cung cấp chủ yếu vitamin D cho cơ thể trẻ. Trẻ em không bị còi xương hằng ngày cũng cần được tắm nắng khoảng 10 - 15 phút trước 9 giờ sáng hoặc sau 4 giờ chiều để tiền tố vitamin D trên da trẻ sẽ được chuyển thành vitamin D.
Trong thời gian mang thai và cho con bú người mẹ cần được tắm nắng, nên ăn những thực phẩm giàu vitamin D và canxi.
Khi trẻ bắt đầu ăn dặm cần cho trẻ ăn nhiều hơn những thức ăn có đủ chất canxi, phốt pho để phòng bệnh. Một số thực phẩm chứa nhiều canxi mà các bà mẹ có thể dùng nấu cho trẻ ăn là cua, tép khô, ốc, tôm, cá , lòng đỏ trứng, hến, sữa bò tươi, sữa chua, vừng đen, rau ngót, rau đay, rau muống...
Khi cho trẻ ăn dặm cha mẹ phải nhớ bổ sung đủ dầu/mỡ vào các bữa ăn dặm để bảo đảm đủ chất béo làm dung môi giúp cơ thể hấp thu vitamin D.
Đối với trẻ đẻ non, thiếu cân, có thể cho uống vitamin D khoảng 400 đơn vị/mỗi ngày trong suốt 1 năm đầu.