Bệnh biến dạng khớp và cột sống
Bệnh biến dạng khớp và cột sống
Nguyên nhân của bệnh biến dạng khớp và biến dạng cột sống là do khớp hoặc cột sống bị lão hóa làm biến dạng khớp hoặc cột sống khiến cho người bệnh bị đau đớn và gặp khó khăn khi vận động. Bộ phận nối các đốt xương với nhau gọi là khớp, để làm hài hòa ma sát giữa các đốt xương, đoạn cuối của đốt xương được phủ bằng một đốt khớp. Nếu khớp bị bệnh thì sẽ hình thành nên bệnh khớp biến dạng, còn gọi là bệnh viêm khớp.
Khớp duy trì độ đàn hồi thông qua quá trình trao đổi chất, nhưng cùng với sự lão hóa của cơ thể, quá trình trao đổi chất giảm, khớp sẽ mất đi tính đàn hồi, dần dần bị mài mòn, kết quả là các đốt xương sẽ trực tiếp va chạm với nhau làm cho người bệnh cảm thấy đau đớn.
Trong quá trình va chạm giữa các đốt xương, phía mặt ngoài của xương sẽ xuất hiện kiểu dạng gai trồi lên được gọi là gai xương hoặc sự tăng cường chất xương. Ngoài sự lão hóa, việc sử dụng khớp quá mức hoặc khớp bị dị dạng bẩm sinh cũng sẽ gây ra hiện tượng phát sinh gai xương.
Ngoài ra, hiện tượng cột sống bị biến dạng do bị lão hóa cũng gọi là bệnh cột sống biến dạng. Nguyên nhân chủ yếu là do đĩa đệm cột sống bị mài mòn, phát sinh gai cột sống.
Khi gai xương bị ép đến gần dây thần kinh sẽ xuất hiện cảm giác đau hoặc tê ở những vị trí tương ứng.
BỆNH KHỚP BIẾN DẠNG
Bệnh khớp biến dạng thường gặp là biến dạng khớp hông và khớp gối do phải đỡ một trọng lượng cơ thể quá lớn, tùy vào nguyên nhân hình thành mà bệnh được chia thành hai loại: nguyên phát và thứ phát.
Loại nguyên phát có nguyên nhân chủ yếu là do tuổi tác gia tăng, cơ thể lão hóa. Đa phần bệnh khớp biến dạng thuộc dạng nguyên phát, người mắc bệnh đa phần là những người phụ nữ trung niên và cao tuổi. Ngoài ra, cùng với sự gia tăng của tuổi tác, người phụ nữ cũng dễ bị mắc bệnh loãng xương.
Loại thứ phát thì lại do những vết thương bên ngoài hoặc các bệnh khác làm cho khớp bị biến dạng hoặc hoạt động của khớp bị hạn chế. Bệnh biến dạng khớp hông phần lớn đều thuộc loại thứ phát, nguyên nhân chủ yếu là do bị dị dạng bẩm sinh như: sai khớp hông bẩm sinh hoặc khớp hông hình thành không đầy đủ…
KIỂM TRA SỨC KHỎE (CHÚ Ý NHỮNG TRIỆU CHỨNG DƯỚI ĐÂY)
Bệnh biến dạng khớp
- Đầu gối hoặc phần hông có đau không?
- Khớp gối có bị sưng to không?
- Khớp gối hoặc khớp hông có bị cứng không?
Bệnh biến dạng cột sống
- Phần eo và cổ có bị đau không?
- Cánh tay, chân hoặc vai có bị đau nhức không?
- Khi đi bộ chân có đau không?
Triệu chứng chủ yếu là đau khớp
Triệu chứng chính của bệnh biến dạng khớp là đau khớp. Giai đoạn đầu, khi đứng hoặc khi bắt đầu bước đi thì sẽ xuất hiện cảm giác đau, sáng sớm, khi thức dậy, khớp và các vùng xung quanh khớp sẽ có cảm giác đau và cứng. Cảm giác này sẽ mất đi sau khi khớp hoạt động.
Tuy nhiên, cảm giác đau sẽ dần dần hạn chế từng bộ phận của khớp, sau khi vận động cảm giác đau nhức cũng sẽ không mất đi. Do cảm giác đau sẽ tăng lên khi đi bộ nên bắt buộc phải nghiêng người khi đi hoặc vừa đi vừa nghỉ. Cũng do bị đau mà cơ hội vận động của khớp bị giảm đi, lực của cơ cũng giảm, khiến cho khớp ngày càng trở nên đau đớn.
Trong khớp có chất dịch có khả năng di chuyển, có tác dụng bôi trơn khớp, làm giảm tác dụng của ma sát. Khi bệnh biến dạng khớp trở nên nghiêm trọng, chất dịch này cũng bị ngưng đọng, khiến khớp sưng to, biến dạng. Nếu tình trạng ngày càng xấu đi, khi thời tiết thay đổi hoặc khi ngủ cũng cảm thấy đau nhức.
Dựa vào các triệu chứng của bệnh và phương pháp chụp X quang để chẩn đoán bệnh.
Khi chẩn đoán, bác sĩ sẽ xác định vị trí bị đau hoặc kiểu đau, kiểm tra xem liệu bệnh nhân có thể đi liên tục mà không phải dừng lại nghỉ hay không, khoảng cách đi được là bao nhiêu…
Khi bị mắc bệnh biến dạng khớp, dùng đầu ngón tay nhấn vào mặt bên khớp gối hoặc phía trước khớp hông đều có cảm giác đau. Đồng thời phải kiểm tra tình trạng mở của khớp hông hoặc sự co duỗi của khớp gối xem có bị hạn chế khi vận động hay không.
Ngoài ra, còn phải tiến hành chụp X quang. Khi nghi ngờ bị mắc bệnh biến dạng khớp hông thì phải tiến hành chụp mặt trước và mặt bên xương hông; khi nghi ngờ bị mắc bệnh biến dạng khớp gối thì phải yêu cầu bệnh nhân đứng thẳng và chụp chính diện khớp gối.
Nếu trong phim X quang có thể nhận thấy các hiện tượng như: xương biến dạng, khớp bị biến dạng hoặc biến mất, khe trống giữa các khớp thu hẹp lại thì có thể chẩn đoán bệnh nhân đã mắc bệnh biến dạng khớp.
Còn có thể tiến hành kiểm tra bằng phương pháp CT và MRI và kiểm tra máu, kiểm tra dịch bôi trơn của khớp để tham khảo.
Khi các phương pháp điều trị cũ không có hiệu quả thì áp dụng phương pháp phẫu thuật.
Bước đầu, nên tiến hành các phương pháp điều trị như vật lý trị liệu hoặc uống thuốc, nếu tình trạng bệnh vẫn không có gì tiến triển hoặc bệnh còn trở nên nặng hơn thì có thể áp dụng phương pháp phẫu thuật để điều trị.
VẬT LÝ TRỊ LIỆU
Có thể tiến hành điều trị bằng phương pháp nhiệt, chiếu tia vi ba vào những vị trí đau nhức. Phương pháp luyện tập cơ bắp cũng có hiệu quả.
Luyện tập chú trọng các phần cơ bắp của khớp, tăng cường sức lực cho cơ bắp, cải thiện tuần hoàn máu từ đó làm giảm cảm giác đau đớn. Quá trình luyện tập phải có sự hướng dẫn của bác sĩ và phải kiên trì hàng ngày. Nhưng khi có cảm giác quá đau thì cũng không cần phải tập miễn cưỡng. Nếu sau khi vận động mà bệnh tình lại nặng hơn thì phải đến bệnh viện để chẩn đoán bệnh.
UỐNG THUỐC
Để điều trị làm giảm sự đau đớn, uống một số loại thuốc tiêu viêm giảm đau hoặc dán cao lạnh hoặc bôi cao… khi cảm giác đau và tình trạng phù nước trở nên nghiêm trọng hơn thì có thể hút bớt dịch bôi trơn khớp ra, tiêm thẳng thuốc vào trong khớp.
PHẪU THUẬT
Có rất nhiều cách phẫu thuật, tùy theo tình hình bệnh, lứa tuổi, thể trạng… để lựa chọn. Khi bệnh chưa ở mức nghiêm trọng thì nên lựa chọn phẫu thuật giữ lại khớp. Thông thường là cắt đi một phần xương, làm cho phần khớp bị biến dạng lệch đi, khôi phục lại góc độ bình thường, sau đó cố định lại bằng kim loại.
Nếu xương bị biến dạng quá mức, phần xương khớp bị tiêu mất thì nên loại bỏ xương khớp, lắp khớp nhân tạo. Do thời gian sử dụng khớp nhân tạo có hạn nên phẫu thuật dạng này chủ yếu nên áp dụng với những người 60 tuổi trở lên.
Trong cuộc sống hàng ngày nên chú ý giảm bớt sức ép cho khớp.
Cùng với sự gia tăng của thể trọng, sức ép đè lên khớp càng gia tăng, bởi vậy, nên chú ý không để cơ thể trở nên quá béo.
Để giảm bớt nhiệt lượng đưa vào cơ thể, có thể tham khảo thêm phương pháp điều trị qua ăn uống của người mắc bệnh đái đường để khống chế nhiệt lượng trong chế độ ăn. Đồng thời để tăng lượng tiêu hao nhiệt lượng, cần phải vận động với lượng thích hợp. Đi bộ hoặc bơi trong bể bơi nước nóng, sức ép đè lên khớp nhỏ, rất thích hợp với những người mắc bệnh biến dạng khớp. Mỗi lần khoảng 30 – 60 phút, mỗi tuần 1 – 2 lần.
Trong cuộc sống hàng ngày, cần chú ý không nên đứng lâu, khi lên xuống cầu thang, nếu có cầu thang máy thì nên sử dụng, không nên đi cầu thang bộ, hạn chế xách những đồ vật nặng. Khi đi vệ sinh, nên sử dụng loại xí bệt, không nên dùng loại xí xổm.
Ngoài ra, khí hậu lạnh cũng làm ảnh hưởng xấu đến khớp, bởi vậy, những người mắc bệnh đau khớp đầu gối, mùa đông nên đeo bảo vệ khớp, ngoài tác dụng giữ ấm, nó còn có tác dụng cố định khớp ở một mức độ thích hợp, giảm bớt cảm giác đau đớn.
Mùa hè, khi ở trong những căn phòng sử dụng máy lạnh ở nhiệt độ thấp nên lấy khăn bông che lên phần đầu gối. Thường xuyên tắm nước nóng cũng có tác dụng tốt.
Phương pháp vận động dành cho những người mắc bệnh biến dạng khớp đầu gối và khớp hông:
- Ngồi trên ghế, nhấc 1 chân lên cao ngang bằng mặt ghế, giữ yên trong 5 giây.
- Nằm nghiêng, nâng 1 chân lên tạo thành 1 góc khoảng 300 giữ yên trong 5 giây.
- Nằm ngửa, nâng 1 chân lên cách mặt đất khoảng 10cm, giữ yên trong 5 giây.
- Nằm sấp, bụng dưới áp vào mặt sàn, nâng 1 chân lên cao khoảng 10cm, giữ yên trong 5 giây.
Những động tác trên, mỗi chân làm 30 lần rồi đổi chân kia. Nếu buộc vào mỗi chân một bao cát khoảng 1 - 2 cân thì càng có hiệu quả.
BẠN CÓ BIẾT
Các kiểu phẫu thuật khớp:
Có rất nhiều kiểu phẫu thuật khớp, tùy theo tình hình biến dạng của khớp mà lựa chọn kiểu phẫu thuật phù hợp.
Phẫu thuật khớp qua gương: chủ yếu áp dụng phẫu thuật khớp gối, phù hợp với những bệnh nhân có bệnh ở vào giai đoạn nhẹ. Mở hai lỗ ở trên khớp, đưa gương vào từ một lỗ để xác định tình hình phía bên trong khớp. Đưa dụng cụ phẫu thuật vào qua lỗ thứ hai, cắt bỏ gai xương hoặc phần sụn khớp bị tổn thương. Ưu điểm của phương pháp này là tổn thương nhỏ, đau ít, phục hồi nhanh, thời gian nằm viện ngắn… phương pháp này hiện nay đã thay thế cho một bộ phận các phương pháp phẫu thuật truyền thống.
Phẫu thuật cắt xương: khi sụn khớp bị mài mòn, các đoạn xương va chạm với nhau, sức nặng bị tập trung vào một chỗ, cắt một phần xương làm cho bề mặt tiếp xúc giữa các đo xương tăng lên. Khi điều trị bệnh khớp gối biến dạng, tình trạng cắt phần xương trên là khá phổ biến, đối với bệnh biến dạng khớp hông thường áp dụng biện pháp cắt xương đùi.
Phẫu thuật cố định khớp: nếu phỏng đoán việc phẫu thuật cắt xương không cải thiện được tình trạng bệnh mà người bệnh lại còn trẻ thì nên tiến hành phẫu thuật cố định khớp. Sử dụng tấm kim loại hoặc sợi kim loại, kim… cố định khớp ở vị trí thích hợp, làm giảm cảm giác đau nhức nhưng khớp sẽ không thể hoạt động tự do được.
Phẫu thuật chỉnh hình khớp: khi khớp bị tổn thương ở mức độ nghiêm trọng thì nên áp dụng biện pháp này. Loại bỏ hết phần sụn khớp, thay thế bằng khớp nhân tạo.
TĂNG CÂN CŨNG CÓ KHẢ NĂNG LÀM MẮC BỆNH KHỚP
Bà Trần, 54 tuổi, nhân viên thu ngân siêu thị, sau khi mãn kinh ở tuổi 51, thể trọng bắt đầu tăng lên, bắt đầu từ hai năm trở lại đây, buổi sáng ngủ dậy cảm thấy đầu gối cứng và đau.
Nửa năm nay, bà đã bắt đầu cảm thấy có hiện tượng đau rõ rệt, trở về nhà sau 5h đứng quầy thu ngân, đầu gối sưng to, đến hôm sau vẫn chưa hết đau. Không lâu sau, đầu gối liên tục bị sưng to, bà rất lo lắng nên đã đến bệnh viện để khám.
Bác sĩ căn cứ vào tuổi tác, sự tăng cân, và những biểu hiện hiện nay đã nghi ngờ bà bị mắc bệnh khớp biến dạng. Kết quả kiểm tra X quang cho thấy, rìa xương ống chân xuất hiện gai xương nhưng vẫn chưa ở mức nghiêm trọng.
Thế là bác sĩ hút dịch khớp trong đầu gối ra và tiêm thuốc chống viêm giảm đau vào, đồng thời, bác sĩ cũng giải thích rằng việc tăng cân làm tăng áp lực lên khớp gối. Bác sĩ khuyên bà nên vận động toàn thân mỗi tuần 1 - 2 lần, mỗi lần 30 - 60 phút.
Sở trường của bà Trần vốn là bơi lội, thế là bà tận dụng những ngày nghỉ để đi bơi, khi đi làm bà cũng dành thời gian nghỉ ngơi để tập thể dục, tích cực vận động, đồng thời cứ hai tuần lại đi khám bác sỹ một lần.
Hai tháng sau, bệnh đau khớp đầu gối của bà Trần gần như đã hết hẳn.
BỆNH BIẾN DẠNG CỘT SỐNG
Biến dạng đốt sống eo và đối sống cổ dẫn đến đau nhức.
Bệnh biến dạng cột sống có thể phát sinh ở bất kỳ bộ phận nào trên cột sống nhưng những vị trí đặc biệt dễ phát sinh bệnh là ở những vị trí mà sức nặng của cơ thể tập trung vào như: đốt sống cổ và đốt sống eo.
Triệu chứng chủ yếu khi đốt sống eo bị biến dạng là cảm giác đau. Giai đoạn đầu chỉ có cảm giác đau và mỏi eo. Khi đứng và khi bắt đầu bước đi thì cảm giác đau tăng lên nhưng sau khi hoạt động thì dần dần giảm đau.
Khi bệnh trở nên nghiêm trọng, dây thần kinh cột sống bị gai xương chèn ép, dây thần kinh có các nhánh chi phối các bộ phận của cơ thể, từ đó có thể xuất hiện các triệu chứng như tê chân hoặc cảm giác lạnh… Bệnh biến dạng đốt sống cổ cũng có thể xuất hiện các triệu chứng đau cổ hoặc đau tê vai… khi dây thần kinh bị chèn ép, sẽ có cảm giác cánh tay, ngón tay bị tê, nghiêm trọng hơn thậm chí có thể gây trở ngại cho hoạt động của tay chân.
CHỤP X QUANG CÓ THỂ PHÁT HIỆN RA HIỆN TƯỢNG CỘT SỐNG BIẾN DẠNG
Khi đi khám, bác sĩ sẽ hỏi bạn về mức độ đau và tê, các bộ phận xuất hiện triệu chứng bệnh… Có thể còn tiến hành kiểm tra thần kinh học, xác định xem tình hình bị chèn ép của dây thần kinh. Khi nghi ngờ bị mắc bệnh, để phân biệt với bệnh lệch đĩa đệm cột sống, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra duỗi thẳng đầu gối, nâng chân lên xuống…
Để phân biệt với bệnh tắc mạch máu dẫn đến xơ cứng động mạch chân, còn phải kiểm tra cách tiến hành sờ nắn động mạch ở bụng chân, khi mắc chứng bệnh biến dạng đốt sống eo, nhịp đập của động mạch bụng chân vẫn phải bình thường.
Khi nghi ngờ mắc bệnh biến dạng đốt sống cổ, có thể thử bằng cách xoay cổ sang hai bên hoặc ngửa cổ ra phía sau, duỗi thẳng tay, xác định xem có cảm giác đau ở vai hoặc cánh tay hay không.
Tiến hành chụp X quang kiểm tra, có thể phát hiện được liệu đĩa đệm cột sống có bị mòn hay không, khoảng cách giữa các đốt sống có bị hẹp lại hay không, có xuất hiện gai cột sống hay không… Kiểm tra bằng phương pháp CT hoặc MRI có thể xác định được mức độ hẹp lại của khoảng cách giữa các đốt sống và mức độ bị chèn ép của dây thần kinh hoặc của cột sống.
PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ CHÍNH
Chủ yếu là phương pháp vật lý trị liệu hoặc uống thuốc.
ĐIỀU TRỊ BẰNG CƠ HỌC
Khi bị đau, nên giữ yên tĩnh rồi tiến hành cố định khớp. Khi đau ở eo thì đeo đai bảo vệ eo, khi đau ở cổ thì đeo đai cố định bảo vệ cổ.
ĐIỀU TRỊ BẰNG VẬT LÝ
Điều trị bằng phương pháp vật lý trị liệu có thể thúc đẩy tuần hoàn máu, làm giảm đau. Thường xuyên tắm nước nóng cũng có lợi cho sức khỏe. Đồng thời nên kiên trì tập thể dục, rèn luyện cơ thể. Ngoài ra, sử dụng các thiết bị tập hỗ trợ để kéo giãn đốt sống cổ và đốt sống eo, vừa nới rộng được khoảng cách giữa các đốt sống vừa giảm được lực ép lên dây thần kinh.
ĐIỀU TRỊ BẰNG THUỐC
Dùng các loại thuốc làm giảm viêm, giảm đau, hoặc làm mềm cơ, khiến cơ thể tạo ra vitamin E cải thiện tuần hoàn máu, nếu mắc cả bệnh loãng xương thì có thể tiêm thêm các loại thuốc bổ sung vitamin D và canxi.
PHƯƠNG PHÁP CHẶN ĐOẠN DÂY THẦN KINH
Khi đau nghiêm trọng, có thể tiêm thuốc tê để gây tê cục bộ ở vị trí lưng hoặc mông, chặn đoạn dây thần kinh truyền cảm giác đau.
Để tránh cho bệnh tình trở nên nghiêm trọng hoặc bệnh tình tái phát, phải luôn duy trì tư thế đúng. Khi đứng phải thẳng cổ, thẳng lưng, khi ngồi phải thẳng lưng, hai bàn chân đặt song song trên mặt đất, điều chỉnh độ cao của ghế.
Ngoài ra, khi phải ở lâu một tư thế, cơ bắp dễ bị căng, làm cho đau eo, đau cổ. Những người ít có cơ hội vận động, nên tranh thủ tập thể dục hoặc đi bộ, vận động thân thể.
Tránh để phần cổ, vai bị lạnh, chú ý khống chế thể trọng.
HỎI ĐÁP
Hỏi
: Đầu gối bị đau và phù là do nguyên nhân nào?
Đáp
: Nguyên nhân thường gặp là bệnh biến dạng khớp gối. Khi mắc bệnh, phần đầu xương hoặc sụn bị mài mòn sẽ kích thích vào phần màng trơn chuyên tiết dịch khớp, khiến cho khớp bị đau, bị sưng. Khi bệnh trở nên nghiêm trọng, có thể xuất hiện hiện tượng giữ nước làm cho hoạt động của khớp gặp khó khăn. Khi khớp bị phù, lượng dịch khớp sẽ tăng lên, xuất hiện hiện tượng tích nước. Tuy nhiên, những bệnh như viêm khớp mãn tính do phong thấp cũng có thể xuất hiện hiện tượng phù, tốt nhất, nên đến bệnh viện để kiểm tra, đồng thời tiến hành điều trị.
Hỏi
: Tôi được chẩn đoán là mắc bệnh hẹp ống cột sống. Xin hỏi, đây là bệnh gì?
Đáp
: Bệnh biến dạng cột sống có thể gây ra bệnh hẹp ống cột sống, dây thần kinh tủy xương bên trong cột sống bị chèn ép gây ra những trở ngại như bí tiểu, táo bón, thậm chí là mất kiểm soát. Đôi khi có thể xuất hiện tình trạng mới đi bộ được vài chục hoặc vài trăm mét đã phải ngừng lại nghỉ vì chân đau.