Bé 8 ngày tuổi chết bởi một căn bệnh phổ biến mà ai cũng coi thường
Vàng da là hiện tượng rất phổ biến ở trẻ sơ sinh, nhưng nếu là hiện tượng vàng da bệnh lý nghiêm trọng thì có thể dẫn đến bệnh não do bilirubin - là nguyên nhân gây tử vong và tàn tật ở trẻ sơ sinh. Gần đây, có hai trường hợp trẻ sơ sinh bị vàng da đã được nhận vào Khoa Sơ sinh của Bệnh viện Sản Nhi Thuận Đức thuộc Đại học Y Khoa Quảng Đông. Tất cả đều vì người lớn không chú ý dẫn đến bệnh tình thay đổi nghiêm trọng, trong đó có trường hợp trẻ mới sinh 8 ngày chết vì bệnh vàng da.
Được biết bố mẹ của bé 8 ngày tuổi đến từ Quảng Tây (Trung Quốc). Ngày thứ 2 sau khi sinh, đứa trẻ xuất hiện bệnh vàng da nhưng cha mẹ không chú ý, đến ngày thứ 5 sau sinh, bệnh vàng da càng trở nên nguy hiểm hơn, khi bé được đưa đến bệnh viện thì đã có phản ứng kém, co giật, suy hô hấp, bilirubin huyết thanh lên tới 590umol/L. Vì độc tính bilirubin đã đi vào não thì xuất hiện các biến chứng, khiến bé bị nhiễm trùng huyết và cuối cùng dẫn đến nhiễm khuẩn gây sốc. Bác sĩ đã phải tiến hành lọc máu cho bé. Nhưng sau 3 ngày nhập viện, cha mẹ bé đã phải từ bỏ việc cấp cứu cho con.
Sau đó một thời gian, bệnh viện lại tiếp nhận một trẻ nữa cũng bị bệnh vàng da. Ngay sau sinh không lâu đứa trẻ đã có biểu hiện rõ ràng của bệnh vàng da và bệnh ngày càng nặng nhưng gia đình không mấy coi trọng. Cho đến 4 ngày sau sinh, khi đứa trẻ được đưa đến chuyên khoa Sơ sinh của bệnh viện, bé đã xuất hiện dấu hiệu chán ăn, phần cổ ngửa ra đằng sau, cáu gắt...
Xét nghiệm máu cho thấy bilirubin huyết thanh lên tới 680.5umol/L (trẻ bình thường không vượt quá 220.5umol/L, trẻ sinh non không cao hơn 256.5umol/L). Điều này chứng tỏ bệnh vàng da của bé này cao hơn gấp ba lần so với tỷ lệ của trẻ sơ sinh bình thường và cũng được chẩn đoán là bệnh não tăng bilirubin máu. May mắn thay, bé đã được các bác sĩ Khoa Sơ sinh cấp cứu kịp thời nhờ hệ miễn dịch tốt.
Thời kỳ nguy hiểm nhất của bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh là trong vòng 1 tuần sau khi sinh (Ảnh minh họa).
Bác sĩ Hoàng Quan Phan, trưởng Khoa Sơ sinh cho biết: "Trường hợp thứ 2, do đứa trẻ được đưa đến bệnh viện kịp thời và được điều trị bằng phương pháp ánh sáng xanh cùng các xét nghiệm tương quan, có thể tránh được việc phải thay máu, nên giữ được tính mạng. Thời kỳ nguy hiểm nhất của bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh là trong vòng 1 tuần sau khi sinh. Vì sau khi sinh, nội trong 7 ngày chức năng che chắn máu não chưa hoàn thiện, nồng độ bilirubin trong máu quá cao, bilirubin đi vào não và gây bệnh não do bilirubin, sẽ để lại các di chứng như bại não và chậm phát triển tâm thần".
Ngoài ra, bác sĩ Hoàng Quan Phan của Khoa sơ sinh cũng nhắc nhở cha mẹ nhớ làm hai điều này khi trẻ bị vàng da để phòng tránh việc phải thay máu và ngăn ngừa bệnh não do bilirubin gây ra:
1. Hầu hết trẻ sơ sinh được xuất viện từ khoảng 1 - 3 ngày sau khi sinh. Nếu khi xuất viện trẻ bị vàng da, nội trong vòng 1 tuần sau sinh nhất định phải đưa trẻ đến bệnh viện ít nhất một ngày một lần. Nếu bị bệnh phải điều trị bằng ánh sáng xanh thì cần cho trẻ nhập viện kịp thời.
2. Ánh sáng màu xanh chiếu xạ là phương pháp kinh tế và hiệu quả nhất để điều trị vàng da sơ sinh, hầu hết các bệnh vàng da có thể điều trị bằng ánh sáng xanh hiệu quả. Tuy nhiên, điều trị bằng ánh sáng thường đòi hỏi trẻ phải nhập viện và hầu hết các Khoa Sơ sinh đều không cho người nhà ở cùng bé, do vậy khiến các bà mẹ lo lắng và cảm giác khó chịu khi căng tức sữa.
Tại thời điểm này, cha mẹ phải nhận ra sự nguy hiểm của bệnh vàng da và cần làm theo sự sắp xếp của bác sĩ. Mẹ có thể vắt sữa 2-3 giờ một lần ở nhà, gửi đến bệnh viện để cho bé ăn hoặc để tủ đông, lưu trữ cho trẻ ăn sau khi xuất viện, vừa giúp duy trì chu kỳ sữa mẹ, vừa đảm bảo cho trẻ được bú lâu dài.
Cha mẹ phải nhận ra sự nguy hiểm của bệnh vàng da và cần làm theo sự sắp xếp của bác sĩ (Ảnh minh họa).
Dấu hiệu vàng da ở trẻ sơ sinh cha mẹ nhất định không thể bỏ qua và vàng da được coi là bệnh lý khi có một trong các dấu hiệu bất thường sau:
- Vàng da đậm xuất hiện sớm.
- Không hết vàng da sau 1 tuần với trẻ đủ tháng và 2 tuần đối với trẻ non tháng.
- Mức độ vàng toàn thân và cả mắt.
- Vàng da kết hợp các triệu chứng bất thường khác (trẻ lừ đừ, bỏ bú, co giật...).
- Xét nghiệm bilirubin trong máu tăng hơn bình thường.
Khi có các dấu hiệu vàng da bệnh lý như nói trên, cần phải đưa ngay trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa Nhi để được chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt.