Bầu đất dại
Bầu đất dại, Kim thất giả, Ngải rét - Gynura pseudochina (L.) DC. (Gynura bodinieri H. Lév.)., thuộc họ Cúc - Asteraceae.
Mô tả Bầu đất dại:
Bầu đất dại là dạng cây thảo sống lâu năm, có rễ củ nạc tròn, có thớ nom như dạng củ tam thất. Thân mọc đứng, cao 70-75cm, không phân nhánh, nhẵn.
Lá mọc tập trung ở gốc; phiến lá hình trái xoan ngược hay thuôn; gốc thót lại hẹp dài, chóp nhọn, mép hầu như nguyên, lượn sóng hay xẻ thùy lông chim, dài 10-15cm, rộng 1,5-5cm. Cụm hoa đầu xếp 4-5 cái thành ngù ở ngọn cây. Tổng bao gồm 11-14 lá bắc, xếp hai hàng. Tất cả hoa đều có tràng dạng ống, màu vàng tươi, dài 11-12mm. Quả bế, hình trụ, dài 3-4mm, có 10 gờ dọc; mào lông dài 9-10mm, màu trắng.
Sinh thái Bầu đất dại:
Bầu đất dại mọc ở đồi, bãi ven rừng, nơi đất tốt, có nhiều ánh sáng và trong các trảng cỏ.
Bầu đất dại ra hoa, kết quả từ tháng 2 đến tháng 5.
Phân bố Bầu đất dại:
Lai Châu, Lào Cai, Sơn La, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Hà Nội, Ninh Bình, Quảng Trị, Lâm Đồng, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Đồng Nai, Tây Ninh, Đồng Tháp. Còn có ở Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Malaixia, Inđônêxia.
Bộ phận dùng của Bầu đất dại:
Rễ củ Bầu đất dại - Tuberculum Gynurae.
Đào lấy củ, cắt bỏ rễ con, rửa sạch, thái lát phơi hay sấy khô; có khi dùng tươi.
Tính vị, tác dụng của Bầu đất dại:
Bầu đất dại có vị đắng, tính hàn. Có tác dụng thư cân hoạt huyết, lương huyết, chỉ huyết, tiêu thũng, giải độc.
Công dụng làm thuốc của Bầu đất dại:
Thân và lá Bầu đất dại có thể dùng làm rau ăn như rau bầu đất, vừa mát lại giải nhiệt. Người ta thường dùng cây lá Bầu đất dại giã nát đắp trên các mụn nhọt để làm tan sưng và trị viêm quầng. Dịch lá Bầu đất dại dùng làm thuốc súc miệng để trị viêm họng. Nhưng cách sử dụng thông thường nhất là dùng rễ củ Bầu đất dại phơi hay sấy khô tán nhỏ thành bột và chiêu với nước trà làm thuốc uống cho phụ nữ sinh nở để điều hòa huyết; cũng có tác dụng bổ.
Theo Poilane, lá cây Bầu đất dại có tác dụng ngăn thụ thai. Người ta còn dùng củ Bầu đất dại sắc uống làm thuốc trị sốt rét, nên ở vùng Lai Vung tỉnh Đồng Tháp có tên gọi là Ngải rét; có khi còn dùng làm thuốc đắp vào tay người bệnh khi lên cơn. Rễ Bầu đất dại còn được dùng trị xuất huyết tử cung, lỵ và tiêu viêm các vết thương.
Ở Ấn Độ, cây Bầu đất dại được dùng làm thuốc dịu, tan sưng, dùng chữa viêm quầng và u bướu ở vú. Dịch lá Bầu đất dại làm thuốc súc miệng dùng khi bị viêm họng.
Ở Hải Nam (Trung Quốc), rễ lá Bầu đất dại được sử dụng làm thuốc trị ho, làm mát máu.
Ở Vân Nam, rễ củ Bầu đất dại dùng trị huyết niệu nhiệt lâm. Theo Trung dược đại từ điển, rễ củ Bầu đất dại dùng làm thuốc trị đòn ngã tổn thương, sản hậu ứ trệ, đổ máu mũi, thổ huyết, đau phong thấp, viêm tuyến vú, mụn nhọt lở ngứa. Dùng trong, 4-12g, sắc nước uống, dùng ngoài, giã nát bôi.