Bạn nên làm gì sau khi NHẬU SAY?
a. Kiến thức chung về hiện tượng Say khi Nhậu
Cho dù bạn không phải là một người nghiện ngập quá đáng, nhưng những cảm giác khó chịu để lại sau một cơn say có thể không xa lạ với bạn. Chúng ta, hầu như ai cũng đã từng trải qua.
Lời khuyên tốt nhất cho vấn đề là đừng bao giờ uống các loại rượu, bia. Nhưng đây lại là lời khuyên gần như không thể thực hiện được trong môi trường giao tiếp xã hội. Lời khuyên thứ hai, có thể là có ích và có khả năng thực hiện được, đó là: đừng bao giờ uống quá say.
Mức độ “ quá say” thường không giống nhau ở mọi người, thậm chí cũng không giống nhau ở cùng một người trong những thời gian, những điều kiện khác nhau. Và bạn là người duy nhất có thể biết được mức giới hạn cho chính mình, nếu bạn ý thức được đó là điều vô cùng quan trọng.
Những triệu chứng sau cơn say thường đa dạng, có thể khác nhau ở mỗi người, nhưng đa số đều phải chịu đựng một số vấn đề nhất định, như nhức đầu, mỏi mệt rã rời, nôn mửa, nhạt miệng không muốn ăn hoặc ăn không biết ngon, khô khát dữ dội, toát mồ hôi khắp người, hoa mắt không nhìn rõ, chóng mặt, choáng Váng... và thường có cảm giác chán nản, thất vọng vô cớ... Những triệu chứng này là do nồng độ cồn trong máu lên quá cao, tạo ra sự mất quân bình về các thành phần hóa học trong cơ thể. Vì cồn là một chất lợi tiểu, nên nó gây ra cảm giác khô khát.
Nếu bạn dùng các loại rượu đóng chai, mỗi loại thường tạo ra hậu quả sau cơn say khác nhau. Các nghiên cứu cho thấy, không phải chỉ riêng nồng độ cồn, mà những chất phụ gia để tạo hương vị, màu sắc cho rượu cũng đóng vai trò quan trọng trong: việc gây ra các triệu chứng sau cơn say. Bạn có thể tự cảm nhận được, đối với mình loại rượu này “êm” hơn loại rượu khác nào đó, chẳng hạn. Những loại rượu thơm dường như có khả năng gây y nhức đầu nhiều hơn rượu thường, Trong cùng một tiệc rượu, nếu bạn dùng nhiều loại rượu khác nhau có thể gây cảm giác khó chịu nghiêm trọng hơn sau cơn say.
Hút thuốc trong khi uống rượu làm tăng thêm sự khó chịu sau cơn say. Ngược lại, dùng một ít thức ăn trước khi uống rượu, nhất là thức ăn nhiều chất béo, sẽ giúp giảm nhẹ cảm giác khó chịu trong bao tử, vì chất béo bao phủ một lớp trong bao tử giúp chống lại tác dụng của cồn.
b. Những điều nên làm khi bạn Nhậu Say
- Trong giao tiếp xã hội, rất khó lòng tránh né việc uống một lượng rượu bia nhất định nào đó. Tuy nhiên, bạn cần xác định cho chính mình một giới hạn “an toàn” và đừng bao giờ vượt qua giới hạn ấy.
- Không hút thuốc khi đang uống rượu.
- Kéo dài thời gian uống, nghĩa là uống những lượng nhỏ, đừng đưa vào cơ thể một lượng cồn lớn và quá nhanh.
- Uống xen các thức uống khác trong khi uống rượu, nhằm pha loãng độ cồn trong máu. Hơn nữa, làm như vậy sẽ giúp bạn sớm có cảm giác “đầy bụng” nên không thể tiếp tục uống nhiều rượu hơn.
- Nên ăn no trước khi uống rượu, nếu có thể nên dùng một ít thức ăn có nhiều chất béo.
- Sau cơn say, uống càng nhiều nước càng tốt. Tốt nhất là nước cam, chanh, nước đường...
- Hạn chế tối đa những cơn say của bạn. Nên nhớ, rượu là chất gây nghiện, nên cơn say thứ hai bao giờ cũng sẽ tồi tệ hơn cơn say thứ nhất.
- Để điều trị triệu chứng, có thể dùng aspirin với liều vừa phải.
- Khi bạn đã chấp nhận một tiệc rượu, là bạn đồng thời chấp nhận những cảm giác khó chịu
sau đó. Không có cách nào giúp bạn hoàn toàn tránh khỏi chúng, chỉ có thể giảm nhẹ phần nào mà thôi. Những gì có thể thực sự giúp bạn là: uống nhiều nước và ngủ yên một thời gian.