Bác sĩ cứu sống một phụ nữ bị cướp đâm thủng tim gan khi đang ở nhà
Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á (TP HCM) cho biết sau nhiều giờ phẫu thuật, đến chiều 13-12, sức khỏe của chị N.T.A bị cướp tấn công có dấu hiệu hồi phục tốt.
Trước đó, chị A. được vào cấp cứu trong đêm trong tình trạng có 1 vết đâm vào giữa xương ức và 1 vết đâm ở ngực trái; da và niêm mạc trắng nhợt, lơ mơ, mạch khó bắt, huyết áp không đo được.
Nhận định vết thương thấu ngực sốc mất máu nặng, khả năng thủng tim rất cao, có thể kèm tổn thương ở ổ bụng, nguy cơ tử vong rất cao, các bác sĩ liên Khoa Tim mạch - Lồng ngực và Khoa Ngoại tổng quát của Bệnh viện Xuyên Á phẫu thuật khẩn cấp.
Sau khi hồi sức tích cực, mở ngực, các bác sĩ phát hiện tim bệnh nhân bị thủng 2,5 cm, đứt động mạch vành phải khiến máu phun ồ ạt khiến tim bị chèn ép nặng. Các bác sĩ khẩn trương xử trí khâu lại vết thương tim.
Tiếp tục thám sát phát hiện bệnh nhân bị thủng cơ hoành 3cm, thủng gan, máu từ ổ bụng tràn lên, các bác sĩ khẩn cấp vá lại tổn thương, cầm máu cứu bệnh nhân trong gang tấc. Trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân mất 3,4 lít máu, bệnh viện huy động đáp ứng nhanh nhất lượng máu cho hồi sức.
Các chỉ số huyết động bệnh nhân trở lại bình thường sau mổ
Hiện sau mổ, tình trạng rối loạn đông máu bệnh nhân đã được điều chỉnh tốt, bệnh nhân đã tỉnh táo hoàn toàn, không có di chứng tổn thương não, nhu động ruột đã có trở lại và đặc biệt là đã rút được nội khí quản (máy thở).
Theo các bác sĩ, trường hợp này nếu đến chậm thì khó qua khỏi. Vết thương tim là một thách thức lớn trong cấp cứu ngoại khoa, gây tử vong rất cao, ước tính có khoảng 80-90% các trường hợp vết thương tim không đến kịp bệnh viện.
Khả năng cứu sống bệnh nhân còn phụ thuộc vào loại tổn thương, thời gian cấp cứu, tính sẵn sàng của cơ sở y tế tiếp nhận…
Trước đó, trong lúc đang ở nhà buổi tối, chị A. bị cướp tấn công, ra tay tàn độc với chị.
Theo Bác sĩ Nguyễn Mạnh Trường, Phó Trưởng Khoa ngoại, Bệnh viện 198 (Bộ Công an) cho biết: "Từ những trường hợp bệnh nhân bị thương tim nguy hiểm đến tính mạng, bác sĩ Trường cũng lưu ý khi sơ cứu bệnh nhân cần đặc biệt quan tâm đến các thao tác ban đầu, như tạm thời cố định cầm máu, đè ép vết thương bằng tay và không rút vật sát thương ra ngoài trước khi đưa đến cơ sở y tế gần nhất có điều kiện cấp cứu."