Áp Xe Vú
Áp xe vú là bệnh gì?
Áp xe vú là tình trạng viêm (sưng, đỏ) và tích tụ mủ trong vú do vi khuẩn gây ra. Căn bệnh này thường gây ra đau đớn. Và trong một số trường hợp hiếm, tình trạng này cũng có thể là một dấu hiệu của ung thư vú.
Hiện nay, có khoảng 10% đến 30% trường hợp áp xe vú xảy ra ở phụ nữ sau khi mang thai và đang cho con bú. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn có thể xảy ra ở những phụ nữ thừa cân, có ngực lớn hoặc những người không giữ gìn vệ sinh cá nhân.
Nguyên nhân gây ra của áp xe vú là gì?
Hiện tại, hai loại vi khuẩn Staphylococcus aureus và Streptococcus được xem là nguyên nhân chính gây ra bệnh áp xe vú. Bên cạnh đó, 1 một số nguyên nhân khác như vi khuẩn kỵ khí, trực khuẩn thương hàn và tắc nghẽn ống dẫn ở núm vú do sẹo cũng có thể dẫn tới tình trạng này.
Mặc dù nguyên nhân gây bệnh đã được nêu ở trên, tuy nhiên một số yếu tố sau đây có thể làm tăng nguy cơ áp xe vú chẳng hạn như:
- Cho bú không đúng cách.
- Cho bú không đủ số lần, không đủ thời gian khiến sữa tích tụ lại trong vú.
- Mặc áo ngực chật.
- Núm vú bị trầy xước.
- Tắc ống dẫn sữa.
Những triệu chứng thường thấy của áp xe vú là gì?
Hiện nay, triệu chứng của áp xe vú phụ thuộc vào vị trí bị áp xe, giai đoạn bệnh và nhiều yếu tố khác.
Ở giai đoạn đầu của bệnh, bệnh nhân có thể cảm thấy đau nhức sâu trong tuyến vú. Vùng da bên ngoài có thể bình thường nếu ổ viêm nằm sâu bên trong tuy nhiên nếu vùng da trở nên nóng đỏ và sưng thì ổ viêm nằm ngay bề mặt tuyến vú.
Ở giai đoạn tiếp theo, các triệu chứng sẽ gia tăng bao gồm vùng da trên ổ áp xe trở nên nóng, căng và sưng đỏ, ngoài ra còn xuất hiện các triệu chứng của nhiễm khuẩn như sốt, ớn lạnh, buồn nôn, ói,…
Ở giai đoạn nặng nhất của bệnh này là hoại tử vú với các biểu hiện như hội chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc nặng bao gồm tụt huyết áp, toàn thân suy sụp, vú sưng căng to, phù nề, da trên ổ áp-xe có màu vàng nhạt hay bị hoại tử và hạch bạch huyết sưng đau.
Phương pháp điều trị áp xe vú như thế nào?
Cho đến nay, nếu căn bệnh này được phát hiện sớm, bệnh có thể được chữa lành bằng kháng sinh mà không cần phẫu thuật. Tuy nhiên nếu bệnh được phát hiện ở giai đoạn sau, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân cần phải chích rạch và dẫn mủ trong ổ áp xe ra ngoài. Tuy vậy, phương pháp này có thể dẫn đến các biến chứng như hình thành các ổ áp xe mới cũng như đường rò từ ổ áp xe ra da.