Viêm loét giác mạc do nấm - Chớ coi thường

Viêm loét giác mạc do nấm - Chớ coi thường

Theo thống kê của Bệnh viện Mắt TW, mỗi năm có tới 1.500 trường hợp được chẩn đoán viêm loét giác mạc do nấm, chiếm 1/3 trong tổng số bệnh nhân bị viêm loét giác mạc đến làm xét nghiệm tại bệnh viện này.

Viêm loét giác mạc do nấm là tình trạng mất lớp biểu mô giác mạc, kèm theo nhiễm nấm vào lớp nhu mô hoặc nội mô giác mạc; là tổn thương viêm loét giác mạc hay gặp thứ hai sau vi khuẩn. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh nhân sẽ có nguy cơ giảm thị lực, mù lòa, thậm chí không giữ được mắt. Bệnh thường xuất hiện sau một chấn thương mắt, khởi đầu lặng lẽ, âm ỉ, tiến triển chậm, kích thích ít và kéo dài. Bệnh bùng phát dữ dội khi bệnh nhân có sử dụng thuốc corticoid.

Nguyên nhân nào gây bệnh?

Viêm giác mạc do nấm là một nhiễm trùng giác mạc (mái vòm tròn, trong suốt che mống mắt và đồng tử) gây đau đớn, giảm thị lực, nhạy cảm với ánh sáng và chảy nước mắt hoặc dịch tiết từ mắt.

Có rất nhiều loại nấm khác nhau có thể gây viêm giác mạc như fusarium, aspergillus hoặc candida.

Tiên lượng của viêm loét giác mạc do nấm thường xấu hơn do khó chẩn đoán khi chỉ dựa vào lâm sàng mà không có điều kiện chẩn đoán bằng cận lâm sàng.

Trên thực tế lâm sàng, đa số bệnh nhân bị viêm loét giác mạc do nấm làm nghề nông, bị bệnh sau khi bị chấn thương (bụi, lá lúa, hạt thóc, cành cây, mạt sắt...) bắn vào mắt, thời gian từ lúc bị bệnh tới khi đến bệnh viện thường kéo dài do đã được điều trị tại địa phương như các phòng khám tư nhân, trạm y tế xã, bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh sau khi điều trị không khỏi.

Theo một số các báo cáo trước đây, viêm loét giác mạc do nấm xuất hiện nhiều vào mùa xuân hè nhưng theo thống kê trong những năm gần đây bệnh xuất hiện tăng lên vào những tháng đầu mùa xuân, cuối mùa hè và cả mùa đông.

Các triệu chứng viêm giác mạc do nấm

Các triệu chứng của viêm giác mạc do nấm có thể bao gồm: Giảm thị lực, bệnh nhân đau ở mắt (thường đột ngột), tăng độ nhạy cảm ánh sáng. Chảy nước mắt, chảy nước mắt hoặc dịch tiết nhiều từ mắt. Nếu gặp bất kỳ những triệu chứng này, đặc biệt khi nó đến đột ngột, hãy tới cơ sở có chuyên khoa mắt để được bác sĩ khám và điều trị. Nếu không được chăm sóc, viêm giác mạc có thể dẫn đến mù lòa. Điều trị viêm giác mạc do nấm phải được bắt đầu ngay lập tức để ngăn ngừa mất thị lực.

Chẩn đoán sớm để điều trị hiệu quả

Trong điều trị viêm loét giác mạc do nấm, việc chẩn đoán xác định sớm có vai trò quan trọng trong công tác điều trị. Bệnh nhân được sử dụng thuốc chống nấm ngay từ đầu làm tăng hiệu quả của thuốc đồng thời giảm thời gian cũng như chi phí điều trị.

Có nhiều phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng như soi tươi, soi trực tiếp, nuôi cấy định danh, kỹ thuật ELISA, kỹ thuật PCR...

Soi tươi: Cho kết quả nhanh, xác định được có nấm hay không có nấm nhưng chỉ phát hiện được nấm sợi khó phát hiện được nấm men.

Soi trực tiếp: Các kỹ thuật thường dùng để chẩn đoán nấm là nhuộm gram, nhuộm đơn xanh methylen, nhuộm Giemsa, nhuộm P.A.S.

Nuôi cấy định danh loài nấm: Đa số các loài nấm gây viêm loét giác mạc chỉ trong 2-3 ngày đã mọc nhưng cũng có những trường hợp phải tới 5-7 ngày nấm mới mọc. Thạch Sabouraud có thêm kháng sinh (gentamycin hoặc chloramphenicol) để ở nhiệt độ < 300C là môi trường thích hợp để nuôi cây nấm. Để định danh loài nấm gây bệnh phải dựa vào quan sát đại thể, vi thể và tính chất sinh lý của nấm sau khi đã được nuôi cấy trên môi trường.


Phòng bệnh viêm loét giác mạc do nấm

Để phòng mắc bệnh viêm loét giác mạc do nấm, mọi người cần cẩn trọng trong sinh hoạt, lao động để tránh xảy ra chấn thương ở mắt. Nên đeo kính bảo vệ mắt khi làm việc và khi đi đường. Nếu không may bị bụi, hạn sạn, hạt thóc... bắn vào mắt, tuyệt đối không được day, dụi dẫn đến xước và rách giác mạc. Cách xử trí đúng là nếu trong trường hợp có thể kiểm soát được (như chỉ bị hạt bụi bay vào mắt) thì nên rửa mắt bằng nước sạch để bụi tự trôi ra. Nếu không đỡ, hoặc dị vật to hơn bắn vào mắt, cần đến ngay cơ sở chuyên khoa mắt để khám và điều trị.

Những người sử dụng kính tiếp xúc cần tuân thủ chặt chẽ khâu vệ sinh, không sử dụng hàng trôi nổi trên thị trường để tránh nhiễm nấm. Khi có triệu chứng bệnh ở mắt nói chung như ngứa, cộm... không nên tự ý mua thuốc nhỏ mắt về nhỏ bừa bãi. Việc khám và điều trị bệnh mắt nên được thực hiện ở các cơ sở y tế chuyên khoa.


Bác sĩ. Trần Trọng Huy

Các câu hỏi liên quan

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...