Nam thanh niên 34 tuổi “ngã ngửa” với nguyên nhân vô sinh
Suốt 5 năm, vợ chồng anh H.V.T (34 tuổi, ở Nghệ An) tìm mọi cách chữa vô sinh mà vẫn chưa có "tin vui". Vợ anh đi khám ở bệnh viện cho kết quả bình thường, trong khi đó xét nghiệm tinh dịch đồ nhiều lần của anh T. cho kết quả không có tinh trùng.
Bệnh nhân T. cho biết trước đó anh bị viêm mào tinh hoàn và đã được phẫu thuật. Tại lần thăm khám mới đây, dù tình trạng viêm không còn nhưng kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân vẫn không có tinh trùng.
PGS-TS Nguyễn Quang, Giám đốc Trung tâm Nam học Bệnh viện Việt Đức, cho biết với kết quả chẩn đoán bệnh nhân bị vô sinh do dãn tĩnh mạch tinh, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật nối ống dẫn tinh và mào tinh hoàn để điều trị hiếm muộn. Dự kiến, sau khoảng 1 tháng, bệnh nhân sẽ được khám lại và làm xét nghiệm tinh dịch đồ để kiểm tra.
Theo PGS Quang, dãn tĩnh mạch tinh là một bệnh lý rất phổ biến và thường gặp ở nam giới. Dãn tĩnh mạch tinh là nguyên nhân gây ra 15-25% các trường hợp vô sinh nam nguyên phát và 75-81% vô sinh nam thứ phát. Tuy tỉ lệ bệnh gặp trong nhóm vô sinh nam giới cao nhưng lại là bệnh có thể điều trị được.
Dãn tĩnh mạch là kẻ thù khiến quý ông dễ vô sinh.
Dãn tĩnh mạch tinh là hiện tượng dãn bất thường của tĩnh mạch tinh trong và đám rối tĩnh mạch tinh. Bình thường, hệ thống tĩnh mạch luôn có các van giúp dòng máu đi theo một chiều, tránh bị trào ngược. Tĩnh mạch tinh cũng có van giúp cho dòng máu không trào ngược từ tĩnh mạch thận và tĩnh mạch chủ bụng xuống tĩnh mạch tinh hoàn. Khi những tĩnh mạch này không có các van hoặc hệ thống van bị suy giảm chức năng, máu từ tĩnh mạch thận trào ngược vào đám rối tĩnh mạch tinh làm cho đám rối này bị dãn ra.
Dãn tĩnh mạch tinh làm máu ứ trệ ở xung quanh tinh hoàn, khiến các tĩnh mạch này dãn thành các búi ngoằn ngoèo ở bìu. Tình trạng này làm cho nhiệt độ vùng bìu tăng lên, tinh hoàn bị thiếu oxy, đồng thời các sản phẩm chuyển hóa gây độc đối với tế bào trào ngược lại tĩnh mạch tinh. Tất cả những lý do này ảnh hưởng đến chức năng của tinh hoàn.
Bệnh hiếm khi xuất hiện trước tuổi dậy thì, ở lứa tuổi thiếu niên tỉ lệ gặp phải từ 8-10% nhưng kể từ lứa tuổi vị thành niên, theo thống kê chung của các tác giả gặp ở khoảng 15% cộng đồng nam giới. Đây cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng vô sinh, hiếm muộn ở nam giới với khoảng 15-25% các trường hợp vô sinh nguyên phát và 75-81% vô sinh thứ phát. "Hiện chưa có cách phòng bệnh dãn tĩnh mạch tinh. Khi khám nam giới vô sinh, cần lưu ý kiểm tra lâm sàng thường xuyên, trong đó quan tâm tới thăm khám bìu, tinh hoàn để phát hiện bệnh"- PGS Quang khuyến cáo.
Các nghiên cứu cho thấy sau phẫu thuật, khoảng 80% bệnh nhân cải thiện đáng kể các thông số tinh dịch đồ và khoảng trên 50% các trường hợp có thể sinh con tự nhiên mà không cần đến các biện pháp hỗ trợ.