Kinh giới rừng
Kinh giới rừng, Kinh giới núi - Elsholtzia blanda (Benth.) Benth., thuộc họ Hoa môi - Lamiaceae.
Mô tả của cây Kinh giới rừng:
Kinh giới rừng là dạng cây thảo sống hằng năm, cao 0,5- 1,5m. Thân vuông, có lông mềm, phân nhánh nhiều. Lá mọc đối; phiến lá hình mác, hai đầu thuôn nhọn, dài 3-15cm, rộng 0,8-4cm, mặt trên nhẩn, chỉ có lông ở gân, mặt dưới có lông mịn, mép khía răng không đều, đôi khi có viền hơi tím; cuống ngắn 0,3-1,5cm. Cụm hoa hình bông dày, dài 4-8cm, có thể đến 20cm, mọc ở nách lá và ở ngọn; hoa màu trắng xếp dày đặc thành vòng sít nhau; đài hình chuông ngắn, có lông ở mặt ngoài; tràng hoa hơi có lông ở mặt ngoài, nhẵn ở mặt trong, có 4 thuỳ gần bằng nhau; nhị 4, hai cái dưới hơi thò dài. Quả hình bầu dục, dẹt, dài 0,5-1mm, màu nâu sáng.
Sinh thái của cây Kinh giới rừng:
Kinh giới rừng mọc ở nơi sáng và ẩm, các bãi hoang, sườn đồi, ven đường, trong rừng thông ở độ cao trên 700m. Có nơi chúng tập trung thành bãi lớn.
Mùa hoa tháng 6-10, mùa quả tháng 10-12.
Phân bố của cây Kinh giới rừng:
Kinh giới rừng phân bố ở Lai Châu, Lào Cai, Sơn La, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Hoà Bình, Kon Tum, Lâm Đồng. Còn có ở Ấn Độ, Nêpan, Mianma, Trung Quốc, Lào, Malaixia, Inđônêxia.
Bộ phận dùng của cây Kinh giới rừng:
Toàn cây Kinh giới rừng - Herba Elsholtziae Blandae.
Thành phần hoá học của cây Kinh giới rừng:
Cả cây Kinh giới rừng chứa tinh dầu, hàm lượng 0,4-0,6%, có mùi thơm như khuynh diệp hoặc tràm; thành phần chủ ỵếu là cineol.
Tính vị, tác dụng của cây Kinh giới rừng:
Kinh giới rừng có vị ngọt, tính hơi mát; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu viêm lợi niệu, chỉ thống.
Công dụng làm thuốc của cây Kinh giới rừng:
Toàn cây Kinh giới rừng dùng trị viêm bể thận cấp tính và mạn tính, viêm thận, cảm mạo, viêm gan, lỵ, viêm ruột, đau răng, viêm amygdal, vết thương hở xuất huyết. Có nơi còn dùng trị trẻ em cam tích.
Liều dùng uống trong 4-12g, dạng thuốc sắc, có thể tán bột hoặc chiết dịch.