Kinh giới nhăn

Kinh giới nhăn

Kinh giới nhăn - Elsholtzia rugulosa Hemsl., thuộc họ Hoa môi - Lamiaceae.

Mô tả của cây Kinh giới nhăn:

Kinh giới nhăn là dạng cây thảo có thân mảnh, cao 0,3- 1,5m; lóng dài. Lá có phiến xoan thon, dài 2-7,5cm, rộng 1-3,5cm, mép có răng tam giác đều, gốc phiến từ từ hẹp trên cuống dài 2-3cm, gân thành mạng rõ, lồi ở mặt dưới, lõm ở mặt trên, mặt dưới có lớp lông trắng. Cụm hoa dài 10-15cm, mang chùm dày như xim co, nhiều hoa nhỏ; đài dài 5 răng, đầy lông trắng; tràng cao 4,5-5mm, có lông, môi dưới 3 thuỳ; nhị 4, thò, chỉ nhị có lông; vòi nhuỵ chẻ hai. Quả bế nhỏ, không lông.

Sinh thái của cây Kinh giới nhăn:

Kinh giới nhăn mọc ở nơi sáng và ẩm, các bãi hoang, sườn núi, sườn đồi, ven đường, ở độ cao trên 800m.

Ra hoa tháng 9-10, có quả tháng 11-12.

Phân bố của cây Kinh giới nhăn:

Kinh giới nhăn phân bố ở Hà Giang. Còn có ở Trung Quốc.

Bộ phận dùng của cây Kinh giới nhăn:

Toàn cây Kinh giới nhăn - Herba Elsholtziae Rugulosae.

Tính vị, tác dụng của cây Kinh giới nhăn:

Kinh giới nhăn có vị cay, tính mát; có tác dụng khư phong giải biểu, lý khí kiện vị, chỉ huyết, chỉ thống, lợi thấp.

Công dụng làm thuốc của cây Kinh giới nhăn:

Ở Vân Nam (Trung Quốc), cây Kinh giới nhăn được dùng trị cảm mạo phong hàn, đau đầu, nôn mửa, viêm dạ dày-ruột cấp tính, sản hậu đau bụng, lỵ, ăn uống không tiêu, tiêu chảy, ngoại thương xuất huyết, rắn cắn.

Còn ở Quảng Tây, cây Kinh giới nhăn được dùng làm thuốc khư phong trừ thấp, chỉ huyết tiêu thũng để trị phong thấp đau xương, đòn ngã tổn thương, rắn cắn và dùng ngoài trị lở loét chân.

Ghi chú: Hoa cây Kinh giới nhăn là nguồn nuôi ong mật. (TVCVN 2).

Các câu hỏi liên quan

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...