Hành kinh và vận động thể lực
"Việc đánh cầu lông, lên xuống cầu thang... trong khi hành kinh có ảnh hưởng gì đến việc sinh sản sau này không?"
Sau khi sạch kinh, niêm mạc dạ con bắt đầu dày lên, đến ngày thứ 14 (ngày thứ nhất là ngày đầu tiên thấy kinh), nó đã "tích lũy" được một lượng máu tối đa, sẵn sàng cho trứng tới làm tổ và phát triển. Nếu không gặp trứng, số máu này biến chất dần, niêm mạc dạ con bong ra và được đào thải ra ngoài cùng với số máu đó, sau khoảng 3-5 ngày thì hết; đó là những ngày có kinh.
Người phụ nữ đang độ tuổi sinh sản mỗi tháng mất một lượng máu nhất định, nhưng không sao, trời đã phú cho họ khả năng bù đắp nhanh chóng sự "mất mát" thường xuyên đó.
Lượng máu bị mất này đã ở mức tối đa ngay sau ngày thứ 14 của vòng kinh, chứ không phải chờ đến ngày thứ 28 là ngày nó được đào thải ra ngoài. Cảm giác mệt của chị em vào những ngày này là do ấn tượng chủ quan (thấy ra máu), chứ không phải do mất máu (đây là máu cũ đã biến chất, không phải máu mới). Nói là cảm giác khó chịu thì đúng hơn.
Mọi phiền phức có thể được giải quyết tốt bằng băng vệ sinh nhỏ gọn có khả năng thấm hút lớn. Nhờ vậy, các nữ vận động viên điền kinh, bóng đá, nữ diễn viên xiếc, trượt băng nghệ thuật... vẫn tập luyện, biểu diễn không ngưng nghỉ. Chơi cầu lông và lên xuống cầu thang so với các môn thể thao kia đã thấm vào đâu.
Tuy nhiên, trong những ngày hành kinh, niêm mạc cũ của dạ con vừa rụng, niêm mạc mới thay thế còn non, rất dễ bị bệnh nếu nhiễm khuẩn. Do đó, vào thời điểm này, chị em không nên đầm mình vào nước bẩn, khi làm vệ sinh không để dòng nước mạnh phụt ngược mang chất bẩn lên theo. Sau khi đại tiện, nên dùng nước rửa hậu môn, không chùi bằng giấy vì dễ quệt phân sang âm hộ.