Đau khớp ngón
a. Kiến thức chung
Đau khớp ngón là một triệu chứng bệnh gây đau nhức đột ngột ở khớp ngón. Thường xuất hiện nhất là ở ngón chân cái, nhưng cũng lan đến các khớp Xương khác như cổ chân, đầu gối, xương hồng, vai, cùi chỏ, cổ tay. Khi cơn đau phát lên đột ngột, chỗ khớp xương đó sưng đỏ lên, đau nhức và cực kỳ nhạy cảm với mọi va chạm. Nếu không điều trị, cơn đau có thể kéo dài từ vài ngày cho đến một tuần hoặc hơn nữa. Bệnh thường xuất hiện ở những người từ độ tuổi 30 trở lên, và chiếm khoảng 95% trường hợp bệnh nhân là nam giới. Có chừng 10 đến 20% các trường hợp có liên quan đến tiền sử trước đây của những người cùng gia đình.
Bệnh chỉ được nhận dạng qua các hiện tượng bệnh lý. Nguyên nhân chính xác gây bệnh cho đến nay vẫn còn chưa được rõ. Chế độ ăn uống quá giàu chất đạm và các loại rượu vang, rượu mạch nha... Tạo điều kiện dễ mắc bệnh, nhưng không phải là nguyên nhân gây bệnh. Bệnh có vẻ như không có quan hệ đến khí hậu, thời tiết...
Bệnh xuất hiện khi có sự chuyển hóa bất thường của một lượng uric acid lấy ra từ protein trong cơ thể, làm cho nồng độ uric acid trong máu tăng lên cao hơn mức bình thường. Điều kiện này dẫn đến hình thành các tinh thể gọi là monosodium urate ở các khớp xương. Sự tích tụ các tinh thể này làm cho khớp xương đau nhức và sưng đỏ.
Chế độ ăn giàu protein không cân đối có vẻ như là một trong các lý do dẫn đến tăng uric acid trong máu, nhưng việc tăng trọng lượng cơ thể quá nhanh là một lý do khác nữa. Các nhà nghiên cứu nhận xét rằng, ở độ tuổi từ 22 đến 35 nếu gia tăng trọng lượng cơ thể lên đến hơn 5,5 kg có thể tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh đau khớp ngón.
Các nhà nghiên cứu giải thích rằng, khi trọng lượng cơ thể tăng quá nhanh, các quá trình chuyển hóa trong cơ thể cũng thay đổi. Một số các chức năng của cơ thể không còn giữ được mức hoàn thiện như trước đó. Khả năng loại bỏ uric acid thừa cũng bị suy thoái, do đó dẫn đến tăng nhanh chất này trong máu, và vì thế phát sinh bệnh.
Những người béo phì có thể thực hiện các chế độ ăn thích hợp, gia tăng việc rèn luyện thể lực để giảm bớt trọng lượng cơ thể, nhờ đó sẽ tránh được nguy cơ đau khớp ngón. Ngay cả khi bạn đã mắc bệnh, biện pháp này cũng giúp giảm đi nguy cơ phát triển bệnh và có thể dần dần hồi phục.
b. Những điều nên làm
- Khi đã mắc bệnh, cần nghỉ ngơi thích hợp để các khớp không quá đau đớn.
- Thay đổi chế độ ăn, giảm mạnh tỷ lệ protein. Cụ thể là thịt, gan, các loại đậu...
- Không uống các loại rượu.
- Uống thật nhiều nước lọc, càng nhiều càng tốt. Lượng nước đưa vào cơ thể giúp dễ dàng thải bớt uric acid.
- Dùng khăn nóng đắp lên chỗ khớp đau để giảm đau.
- Thường xuyên tập thể dục và rèn luyện cơ thể.