Chế độ Night Shift có thực sự giúp bạn ngủ ngon hơn không?

Chế độ Night Shift có thực sự giúp bạn ngủ ngon hơn không?

Bạn đã dành bao nhiều thời gian nằm trên giường để đọc tin tức, sử dụng mạng xã hội hoặc nhắn tin với người thân và bạn bè? Việc nhìn vào màn hình các thiết bị di động quá lâu có bao giờ khiến bạn khó ngủ hay không?

Nhiều người tin rằng ánh sáng xanh phát ra từ điện thoại làm gián đoạn quá trình bài tiết Melatonin và chu kỳ giấc ngủ. Để giảm sự phát xạ ánh sáng xanh và gây mỏi mắt, Apple đã giới thiệu một tính năng iOS có tên Night Shift vào năm 2016, giúp giảm cường độ ánh sáng xanh phát ra từ màn hình, làm màn hình chuyển sang màu màu vàng cam dịu nhẹ, phù hợp với mắt của người dùng. Sau đó điện thoại Android cũng đưa ra tính năng tương tự và giờ đây hầu hết các điện thoại thông minh đều có một số chức năng như chế độ ban đêm giúp người dùng ngủ ngon hơn.

Cho đến gần đây, những tuyên bố về việc dùng Night Shift giúp ngủ ngon hơn vẫn chỉ là lý thuyết. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới từ BYU đã thách thức tiền đề của các nhà sản xuất điện thoại và phát hiện ra rằng chức năng Night Shift không thực sự cải thiện giấc ngủ. Nghiên cứu này đã được đăng trên tạp chí Sleep Health.

Để kiểm tra điều này, Chad Jensen, Giáo sư tâm lý học và các nhà nghiên cứu từ Trung tâm y tế Bệnh viện Nhi Cincinnati (Mỹ) đã so sánh kết quả giấc ngủ của các cá nhân và phân ra 3 nhóm:

  1. Những người sử dụng điện thoại vào ban đêm bật chức năng Night Shift.
  2. Những người sử dụng điện thoại vào ban đêm không có Night Shift.
  3. Những người hoàn toàn không sử dụng điện thoại thông minh trước khi đi ngủ.

"Trong toàn bộ thử nghiệm, không có sự khác biệt giữa ba nhóm", Jensen nói.
 
Nghiên cứu được sự tham gia của 167 người (từ 18 đến 24 tuổi) sử dụng điện thoại di động hàng ngày. Họ được yêu cầu dành ít nhất 8 giờ ở trên giường và đeo một máy đo gia tốc trên cổ tay để ghi lại hoạt động ngủ của họ. Ngoài ra, họ còn được chỉ định sử dụng điện thoại thông minh đã được cài đặt một ứng dụng để theo dõi việc sử dụng điện thoại.

Kết quả giấc ngủ được đo bao gồm tổng thời lượng ngủ, chất lượng giấc ngủ, thức giấc sau khi ngủ (Wake after sleep onset) và thời gian đi vào giấc ngủ.

Sau khi không tìm thấy sự khác biệt đáng kể về kết quả giấc ngủ giữa ba nhóm, các nhà nghiên cứu đã quyết định chia thử nghiệm thành hai nhóm riêng biệt: 

  • Một nhóm ngủ trung bình khoảng bảy giờ.
  • Một nhóm khác ngủ ít hơn sáu giờ mỗi đêm.

Với nhóm ngủ đủ 7 giờ, gần với mức tám đến chín giờ được khuyến nghị mỗi đêm, đã thấy sự khác biệt nhỏ về chất lượng giấc ngủ dựa trên việc sử dụng điện thoại. Những người không sử dụng điện thoại trước khi đi ngủ có chất lượng giấc ngủ tốt hơn so với cả những người sử dụng điện thoại bình thường và những người sử dụng Night Shift.

Trong nhóm sáu giờ, nhóm có giấc ngủ ít nhất, không có sự khác biệt về kết quả cho dù có sử dụng Night Shift hay không.

"Điều này cho thấy rằng khi bạn quá mệt mỏi, bạn sẽ ngủ thiếp đi bất kể bạn đã làm gì trước khi đi ngủ. Áp lực ngủ quá cao thực sự không ảnh hưởng đến những gì xảy ra trước giờ đi ngủ", Jensen giải thích.

Kết quả cho thấy, không chỉ riêng ánh sáng xanh mới gây ra tình trạng khó duy trì giấc ngủ hoặc khó ngủ. Mà khi ai đó đang căng thẳng khi nhắn tin, sử dụng mạng xã hội và đăng bài cũng là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến kết quả giấc ngủ.

"Mặc dù có nhiều bằng chứng cho thấy ánh sáng xanh làm tăng sự tỉnh táo và khiến bạn khó đi vào giấc ngủ hơn, nhưng điều quan trọng mà bạn phải xem xét liệu sự phát xạ ánh sáng mới gây ra khó ngủ hay là do các kích thích nhận thức và tâm lý khác", Jensen cho biết.

Night Shift là một tính năng giảm được ánh sáng xanh, có thể làm cho màn hình điện thoại tối đi nhờ vào ánh sáng màu vàng cam dịu nhẹ, phù hợp với mắt của người dùng, nhưng tính năng này không thể giúp bạn dễ ngủ.

Các câu hỏi liên quan

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...