Các nhà khoa học đang nghiên cứu để tăng số lượng gan có thể cấy ghép
Mỗi năm, hàng ngàn lá gan bị loại bỏ hoặc bị từ chối cấy ghép do lo ngại về chất lượng và chức năng của nội tạng. Những thông tin trong nghiên cứu sau đây có thể giúp mọi người hiểu thêm lý do tại sao không thể sử dụng chúng và cách chúng hoạt động trong phương pháp tưới máu bên ngoài có thể gia tăng đáng kể số lượng gan có thể cấy ghép cho bệnh nhân.
Sau khi một lá gan được lấy ra khỏi cơ thể người hiến tặng, gan sẽ trải qua một quá trình được gọi là truyền dịch để lưu thông máu hoặc thay thế máu thông qua các mạch máu của gan để giữ cho chúng hoạt động trước khi phẫu thuật cấy ghép.
Tiến sĩ Jennifer Sanders đến từ Bệnh viện Rhode Island cho biết: "Những phát hiện mới của chúng tôi sẽ giúp thiết kế các liệu pháp có thể sử dụng trong quá trình truyền máu bên ngoài nhằm cải thiện chất lượng của nội tạng, để những lá gan này có thể được cấy ghép thay vì bị loại bỏ. Điều này có khả năng làm tăng số lượng cấy ghép gan lên hàng trăm đến hàng nghìn trường hợp mỗi năm."
Nghiên cứu trước đây đã thử nghiệm chức năng của gan ở động vật như chuột, nhưng với công nghệ mới (tưới máu bằng máy) giúp gan hoạt động lâu hơn bên ngoài cơ thể đã cho phép các nhà khoa học trực tiếp nghiên cứu trên gan người.
Sanders cho biết: "Đây là nghiên cứu đầu tiên được kiểm tra chặt chẽ các cơ chế phản ứng và biểu hiện gen trong một nhóm gan trải qua quá trình tưới máu bên ngoài cơ thể. Đây là một tiến bộ đáng kể vì nó sẽ cho phép chúng tôi phát triển các phương pháp điều trị có thể sử dụng được cho những bệnh nhân đang chờ ghép nội tạng."
Đối với nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã truyền Oxy, máu và chất dinh dưỡng vào 12 lá gan của con người bằng cách sử dụng một thiết bị truyền dịch bên ngoài mô phỏng quá trình tuần hoàn của cơ thể. Sau đó, họ so sánh gan của những người hiến tặng bị bệnh gan nhiễm mỡ với những người bình thường.
Sanders cho biết: "Khi chúng tôi kiểm tra sự khác biệt biểu hiện gen trong quá trình tưới máu, chúng tôi nhận thấy rằng cả hai loại gan đều có phản ứng tương tự nhau. Điều này thật bất ngờ, vì đa phần mọi người đều nghĩ gan nhiễm mỡ hoạt động khác với gan bình thường."
Mặt khác, các nhà khoa học cũng phát hiện ra việc tưới máu bên ngoài cơ thể sẽ gây ra tổn thương trong gan, kích hoạt cơ chế tự sửa chữa cho phép gan chữa lành và tiếp tục hoạt động.
Dựa vào những phát hiện trên, các nhà khoa học đang thử nghiệm một liệu pháp điều trị bằng thuốc để xem liệu chúng có thể được sử dụng trong quá trình truyền máu bên ngoài nhằm cải thiện chức năng và chất lượng của gan ban đầu bị từ chối để cấy ghép hay không. Nếu liệu pháp điều trị bằng thuốc mới thành công (đối với gan), các nhà nghiên cứu dự định bắt đầu thử nghiệm lâm sàng để kiểm tra hiệu quả của thuốc trong môi trường cấy ghép.