Biến chứng mạch máu do tăng huyết áp
Trao đổi tại Ngày hội Phòng chống tăng huyết áp do Trung tâm truyền thông và giáo dục sức khỏe TP.HCM tổ chức, Thạc sĩ - bác sĩ Bùi Thanh Quang, Phó khoa điều trị ngoại, Viện tim TP.HCM cho biết, tăng huyết áp được xem là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong hiện nay. Tại Việt Nam, theo số liệu điều tra của Viện Tim mạch quốc gia tại 8 tỉnh thành phía Bắc, tỷ lệ bệnh tăng huyết áp chiếm hơn 25% ở người trên 25 tuổi. Một số lượng rất lớn người bị tăng huyết áp chưa được điều trị hoặc điều trị không đầy đủ.
Theo bác sĩ Thanh Quang, bệnh tăng huyết áp về lâu dài sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong. Biến chứng thường gặp nhất của tăng huyết áp là biến chứng mạch máu. Tăng huyết áp gây xơ vữa mạch máu lớn lẫn mạch máu nhỏ trên các cơ quan trong cơ thể, gây nên các bệnh lý suy tim, bệnh mạch vành, tai biến mạch máu não, suy thận, bệnh mạch máu ngoại biên, bệnh lý võng mạc mắt.
Tử vong do biến chứng tim là trường hợp tử vong thường gặp nhất ở người bệnh tăng huyết áp. Tăng huyết áp gây phì đại tâm thất trái, làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, suy tim, đột tử. Kiểm soát tốt huyết áp có thể giúp phục hồi cấu trúc của cơ tâm thất trái và giảm nguy cơ bệnh lý tim mạch.
Tăng huyết áp làm tăng sự tiến triển xơ vữa ở động mạch vành dẫn đến thiếu máu cục bộ cơ tim, từ đó dẫn đến suy tim trái không hồi phục và có thể tử vong.
Người bị tăng huyết áp còn có nguy cơ bị xuất huyết não và nhồi máu não. Tại Việt Nam, theo Viện Tim mạch quốc gia, tử vong do tai biến mạch máu não chiếm 1/4 các trường hợp tử vong.
Tỷ lệ bị tai biến mạch máu não tăng lên theo trị số huyết áp, có nghĩa là huyết áp càng cao càng dễ bị tai biến mạch máu não, nhất là tăng huyết áp tâm thu ở người trên 65 tuổi. Người bị tăng huyết áp khi ở tuổi trung niên sẽ dễ bị mất trí nhớ lúc về già.
Khi huyết áp tăng quá mức lâm sàng, tức huyết áp tâm thu lớn hơn 180-200 mmHg, tùy theo từng trường hợp sẽ xảy ra hội chứng bệnh não do tăng huyết áp ác tính. Người bệnh bị nhức đầu dữ dội, buồn nôn, nôn, yếu tay chân, tình trạng tri giác thay đổi. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể diễn tiến nặng hơn, người bệnh sẽ lơ mơ, hôn mê, co giật, thậm chí là tử vong trong vài giờ.
Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ gây tổn thương thận và suy thận giai đoạn cuối. Nguy cơ suy thận tăng theo mức độ tăng huyết áp. Tăng huyết áp dù được điều trị nhưng chưa đạt huyết áp mục tiêu vẫn có nguy cơ bị suy thận. Suy thận do tăng huyết áp thường liên quan đến huyết áp tâm thu hơn là huyết áp tâm trương.
Tăng huyết áp còn có thể dẫn đến bệnh mạch máu ngoại biên. Biến chứng mạch máu ngoại biên góp phần làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh tim mạch của người bệnh. Tăng huyết áp về lâu dài làm xơ vữa, gây hẹp và tắc nghẽn các động mạch ngoại biên như hẹp động mạch chi dưới, hẹp động mạch cảnh. Hẹp động mạch ngoại biên nhiều khi không có triệu chứng nên rất dễ bị bỏ sót.
Theo bác sĩ Quang, triệu chứng hay gặp của hẹp động mạch chi dưới là đau cách hồi. Người bệnh khi đi xa khoảng 50-100m là có cảm giác đau cả hai bắp chân, phải ngồi nghỉ. Phương pháp chẩn đoán đơn giản hẹp động mạch chi dưới là đo huyết áp cổ chân và cánh tay (chỉ số ABI). Nếu chỉ số này dưới 0,9 thì nghi ngờ có hẹp động mạch chi dưới, người bệnh cần được xét nghiệm chuyên sâu hơn để có chẩn đoán chính xác.
Bệnh động mạch ngoại biên khác thường hay gặp là hẹp động mạch cảnh. Nếu người bị tăng huyết áp lâu năm thường xuyên than chóng mặt, mặc dù huyết áp đang được kiểm soát tốt thì cần được kiểm tra siêu âm doppler động mạch cảnh. Nếu kết quả cho thấy hẹp động mạch cảnh trên 70%, người bệnh sẽ được thầy thuốc chỉ định điều trị phòng ngừa tai biến do vỡ mảng xơ vữa.
Thống kê cho thấy, trong 100 người bị tăng huyết áp có triệu chứng chóng mặt và có hẹp động mạch cảnh trên 70% thì trong vòng 30 ngày từ khi phát hiện triệu chứng có 8 người bị nhồi máu não và cứ sau mỗi năm kể từ khi phát bệnh thì có thêm 13 người bị nhồi máu não. Lưu ý: Không có triệu chứng chóng mặt nhưng kết quả siêu âm cho thấy hẹp động mạch cảnh trên 80% thì trong 100 người bệnh vẫn có 5 người có nguy cơ bị nhồi máu não mỗi năm.
Ngoài ra, tăng huyết áp có thể gây ảnh hưởng trầm trọng đến mắt, gây xuất tiết võng mạc, phù gai thị, xuất huyết võng mạc gây nhìn mờ, nặng hơn là tắc mạch máu nuôi võng mạc gây mù.
Bác sĩ Quang cho biết, để phòng tránh các biến chứng mạch máu, cần phải kiểm soát tốt tăng huyết áp, điều trị toàn diện tăng huyết áp và các biện pháp đi kèm như đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, hội chứng chuyển hóa... Nếu điều trị tốt tăng huyết áp có thể giảm 20-25% nhồi máu cơ tim, 35-40% nguy cơ đột quỵ, 50% nguy cơ suy tim, 30-40% nguy cơ tử vong do tim mạch và giảm nguy cơ bị đái tháo đường.